Tối ngày 30/10, CTCP Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) công bố báo cáo tài chính riêng (công ty mẹ) quý 3/2022, với doanh thu thuần đạt 10.256 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số 1.365 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, việc giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng gấp 12,34 lần so với quý 3/2021 lên 10.701 tỷ đồng đã khiến hãng bay này ghi nhận lỗ gộp 445.3 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính của Vietjet đạt 205,86 tỷ đồng, tăng 898%, trong đó lớn nhất là khoản lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái 120,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng giảm 21,5% về còn 233 tỷ đồng dù chi phí lãi vay tăng 34% lên 335,88 tỷ đồng, nguyên nhân là do khoản 370 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh.
Ở chiều ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng 16% và 137,4% lên 147 tỷ đồng và 134,3 tỷ đồng.
Khấu trừ các loại chi phí, Vietjet báo lỗ quý III/2022 là 767,3 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 10,34 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng, hãng bay ghi nhận doanh thu tăng 294% lên 25.154 tỷ đồng, lỗ sau thuế ở mức 686,99 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 44,5 tỷ đồng.
Tổng tài sản tính đến 30/9/2022 của Vietjet Air tăng hơn 10.300 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm ngoái lên 56.288 tỷ đồng, chiếm chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn 27.647,65 tỷ đồng (tăng 49,8%), các khoản phải thu dài hạn 15.196,2 tỷ đồng (giảm 5,6%), tiền và các khoản tương đương tiền 2.042,4 tỷ đồng (tăng 10,6%)…
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả tăng 28,3% lên 49.987,7 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn là 8.615 tỷ đồng, vay dài hạn là 10.825,7 tỷ đồng, phải trả người bán ngắn hạn 7.569 tỷ đồng, dự phòng phải trả dài hạn 11.973 tỷ đồng…
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VJC từng có thời điểm tăng mạnh khi đi từ vùng giá 120.000 đồng/CP vào cuối tháng 1 lên đỉnh 149.000 đồng/CP phiên 18/2, sau đấy giảm chung theo thị trường. Chốt phiên 28/10, thị giá VJC giảm 0,19% về còn 107.800 đồng/CP, tương đương vốn hóa 56.470 tỷ đồng.