“Ngay bây giờ, tất cả mọi người cần phải cảnh giác. Cả thế giới cần phải hành động và sẵn sàng cho mọi trường hợp xảy ra ở Trung Quốc hoặc xa hơn nữa”, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan cho biết tại một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 29.1.
Tuần trước, Ủy ban Khẩn cấp của WHO đã tuyên bố dịch viêm phổi do coronavirus tại Vũ Hán, Trung Quốc chưa phải là một Tình trạng khẩn cấp quốc tế về sức khỏe cộng đồng (PHEIC) vì thiếu bằng chứng lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc.
Các thành viên cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong buổi họp báo hôm 29/1 |
Theo WHO, PHEIC chỉ được tuyên bố khi có tình huống "bất thường", "có rủi ro sức khỏe cộng đồng đối với các quốc gia khác từ sự lây lan của dịch bệnh", đòi hỏi nhiều biện pháp xử lý phối hợp quốc tế giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, theo báo cáo công bố cuối ngày 26.1 của WHO, đánh giá các rủi ro từ bệnh viêm phổi do chủng coronavirus là "rất cao ở Trung Quốc, cao ở khu vực và toàn cầu". Trong một chú thích, WHO cũng cho biết các tài liệu công bố hồi tuần trước, đánh giá rủi ro toàn cầu ở mức "vừa phải" là "không chính xác".
Tính tới thời điểm này, dịch viêm phổi cấp do coronavirus bùng phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã khiến 132 người chết và 6.061 trường hợp mắc bệnh trên toàn cầu. Ngoài Trung Quốc đại lục, Macao, Hồng Kông, dịch bệnh nguy hiểm này đã lây lan sang nhiều nước trên khắp thế giới.
Tình trạng ở Vũ Hán hiện tại |
Các triệu chứng bệnh gồm sốt, khó thở và ho. Hiện chưa có vắc xin cho loại vi rút có thể lây lan từ người sang người này. Trước bối cảnh bùng phát dịch, nhiều quốc gia đã quyết định đưa quan chức ngoại giao lẫn công dân của mình sơ tán khỏi thành phố Vũ Hán của Trung Quốc - tâm điểm của dịch viêm phổi do chủng coronavirus gây ra
Các hãng hàng không quốc tế cũng đã bắt đầu cắt giảm hoặc hủy các chuyến bay đến Trung Quốc. Các biện pháp soi sàng lọc đã được áp dụng tại những cửa khẩu biên giới như sân bay ở nhiều nước để phát hiện những người có biểu hiện nhiễm coronavirus.