Liên quan đến việc khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của ba đối tượng về hành vi "chiếm đoạt tài liệu Nhà nước", trao đổi với PV hôm qua (16/7), Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước".
Cơ quan điều tra khám xét nhà riêng của ông Nguyễn Anh Ngọc. |
Trước đó, ngày 13/7, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của 3 đối tượng về hành vi “chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” theo Điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015.
Các đối tượng gồm: Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên; Nguyễn Hoàng Trung(SN 1983, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng); Phạm Quang Dũng (SN 1983, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, cùng TP.Hà Nội). Được biết, 2 trong số 3 người bị khám xét đang làm việc tại UBND TP.Hà Nội.
Sau khi Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án "chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước", nhiều độc giả bày tỏ thắc mắc về việc phân chia cấp độ đối với bí mật Nhà nước; trách nhiệm, quyền hạn của người quản lý bí mật Nhà nước cũng như những người được phép tiếp xúc đến bí mật này.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp. |
Giải đáp những thắc mắc trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, theo Điều 8 Luật bảo vệ bí mật Nhà nước thì căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bí mật Nhà nước được phân loại thành 3 cấp độ mật, bao gồm:
Bí mật Nhà nước độ “Tuyệt mật” là bí mật Nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc;
Bí mật Nhà nước độ “Tối mật” là bí mật Nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán Nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc;
Bí mật Nhà nước độ “Mật” là bí mật Nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán Nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Cũng theo luật sư Cường, Điều 26 Luật bảo vệ bí mật Nhà nước quy định cụ thể trách nhiệm của người tiếp cận, người trực tiếp quản lý bí mật Nhà nước như:
Người tiếp cận bí mật Nhà nước có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật, quy chế, nội quy của cơ quan, tổ chức về bảo vệ bí mật Nhà nước; Thực hiện các biện pháp bảo vệ bí mật Nhà nước; Sử dụng bí mật Nhà nước đúng mục đích; Thực hiện yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật Nhà nước.
Người trực tiếp quản lý bí mật Nhà nước có trách nhiệm sau đây: Thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này; Đề xuất người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp để bảo vệ bí mật Nhà nước do mình trực tiếp quản lý;
Trường hợp phát hiện vi phạm trong hoạt động bảo vệ bí mật Nhà nước thì người trực tiếp quản lý bí mật Nhà nước phải có biện pháp xử lý và báo cáo người có trách nhiệm giải quyết, thông báo cho cơ quan, tổ chức xác định bí mật Nhà nước biết để có biện pháp khắc phục;
Trước khi thôi việc, chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc vì lý do khác mà không được phân công tiếp tục quản lý bí mật Nhà nước thì phải bàn giao bí mật Nhà nước cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý và cam kết bảo vệ bí mật Nhà nước đã quản lý.
Theo luật sư Cường thông tin theo quy định của Điều 377 Bộ luật hình sự năm 2015, hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu thụ, hủy tài liệu bí mật Nhà nước đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.
Ngoài ra, để bảo vệ bí mật Nhà nước thì người nào được giao quản lý tài liệu bí mật Nhà nước mà có hành vi vô ý làm lộ, làm mất bí mật Nhà nước thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 338 Bộ luật hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù giam.
Theo 24h