Thời gian qua, để phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, Chính phủ xác định thúc đẩy đầu tư công là một trong những trụ cột chính, từ đó tạo tác động lan tỏa tới các ngành, nghề lĩnh vực liên quan hồi phục và phát triển. Nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa kép, vừa kích thích chi tiêu đầu tư công trong ngắn hạn để đẩy mạnh tăng trưởng, vừa có ý nghĩa tạo ra các kết cấu hạ tầng phục vụ hiệu quả, lâu dài cho nền kinh tế.
Mới đây, số liệu từ Tổng cục Thống kê chỉ ra, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 2/2022 ước đạt 20.500 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn Trung ương quản lý 3.000 tỷ đồng, tăng 10,7%; vốn địa phương quản lý 17.500 tỷ đồng, tăng 9,8%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 46.300 tỷ đồng, bằng 8,8% kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 8% và tăng 13,6%).
Trong đó, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 6.400 tỷ đồng, bằng 6,4% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 39.900 tỷ đồng, bằng 9,3% kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải nguyên nhân vì sao chỉ đạt mức 8,8% so với kế hoạch, Tổng cục Thống kê cho rằng, tháng 2/2022 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời hoạt động đầu tư trong các tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn trong năm. Các công trình mới được bố trí vốn năm 2022 đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư, do đó khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp.
Liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng chia sẻ, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công luôn được Chính phủ đặc biệt quan tâm, nhưng vẫn còn tình trạng ì ạch trong giải ngân nguồn vốn này.
Năm 2021, quá trình giải ngân vốn đầu tư công bị ảnh hưởng bởi cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân khách quan là giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 bị tác động mạnh mẽ bởi dịch Covid-19 dẫn đến phải thực hiện giãn cách xã hội, ảnh hưởng lớn đến các vấn đề về nguyên liệu, vật liệu, nhân công... Nguyên nhân chủ quan là công tác chuẩn bị dự án rất kém, chủ yếu mang tính hình thức, qua loa. Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư thì chủ đầu tư mới bắt đầu chuẩn bị thực hiện nên mất thời gian.
“Khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu chính ảnh hưởng tới tiến độ dự án đầu tư công. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân cấp cho địa phương; phân cấp phần lớn quyền quyết định về lựa chọn dự án giải ngân, tỷ lệ giải ngân, thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn... về các bộ, ngành, địa phương. Do đó, lý do các dự án đầu tư công chậm giải ngân thuộc trách nhiệm của địa phương có dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Để đẩy mạnh hoạt động giải ngân vốn đầu tư công, giới chuyên gia nhấn mạnh, người lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp công tác giải ngân vốn là yếu tố quyết định đến kết quả giải ngân. Đồng thời, các địa phương và các bộ, ngành cần nghiêm túc thực hiện cũng như vào cuộc quyết liệt hơn mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề.