Hà Nội, Chủ nhật Ngày 08/09/2024

90% dân Việt ăn gạo bẩn: Phản ứng của Bộ Nông nghiệp

NHÀ ĐẦU TƯ 14:43 05/09/2020

Bộ Nông nghiệp nói gì về phát ngôn 90% dân Việt ăn gạo bẩn?

Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), gạo của Việt Nam xuất khẩu với thị trường rộng rãi và rất nhiều đối thủ cạnh tranh, đương nhiên phải đảm bảo giá cả và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Do đó, không thể nói gạo Việt Nam là gạo bẩn được.

Phát ngôn 90% dân Việt ăn gạo bẩn của ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) đang gây nhiều phản ứng trái chiều trên mạng xã hội.

Theo đó, ông Bình cho biết, rất nhiều người nghĩ ăn gạo bẩn không chết, mà thực tế thì Việt Nam hay thế giới ăn gạo bẩn cũng không ai chết ngay cả. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây tỷ lệ người bị ung thư, tiểu đường… ngày càng tăng, mà nguyên nhân có sự góp phần của gạo bẩn, của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo.

Một tài khoản Facebook có tên N.H.H đăng, cần xử phạt và thanh kiểm tra công ty này nếu không chứng minh được 90% người dân Việt ăn gạo bẩn.

trao đổi với ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) về vấn đề này. Ông khẳng định thông tin trên là không chính xác. Bởi ngành lúa gạo Việt Nam trong thời gian qua có sự tiến bộ rất vượt bậc.

Theo ông Cường, thứ nhất, về khoa học công nghệ, chúng ta đã chọn tạo ra những giống chất lượng cao, ngắn ngày, kháng sâu bệnh.

Thứ hai, Bộ NN&PTNT cũng đã tập trung đầu tư cho các Viện nghiên cứu, giới thiệu, phổ biến, khuyến nông các gói kỹ thuật canh tác, để làm sao giảm chi phí đầu vào.

Thứ ba, diện tích canh tác của Việt Nam vào khoảng 7,3-7,5 triệu ha gieo trồng lúa, và sản lượng lúa hàng năm đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn gạo.

Trong đó 6,5-7 triệu tấn gạo không chỉ được dùng riêng cho việc xuất khẩu, mà còn dùng cho nội địa. thị trường gạo của chúng ta, có thể nói từ châu Á, châu Phi, châu Mỹ và tất cả các phân khúc khác nhau.

Bên cạnh đó, Việt Nam đến nay đã tham gia hầu hết các hiệp định thương mại tự do đơn phương, đa phương. Rõ ràng, hàng rào thuế quan gần như không có, bản thân các nước đều có hàng rào phi thuế quan (hàng rào kỹ thuật) để bảo vệ thị trường nội địa.

Cục trưởng Nguyễn Như Cường cho hay, gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang rất nhiều quốc gia có hàng rào kỹ thuật như vậy, đương nhiên phải đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Trong khi đó, ở Việt Nam không có vùng nào sản xuất riêng cho xuất khẩu, tất cả đều sản xuất chung phần để ăn và phần để xuất khẩu. Cũng có một số loại gạo hữu cơ sản xuất riêng nhưng với số lượng vài chục nghìn tấn.

"Do đó, không thể nói gạo Việt Nam là gạo bẩn được. Mặc khác, thị trường gạo Việt Nam đang cạnh tranh với các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia. Nếu gạo chúng ta là gạo bẩn thì làm sao bán được, làm sao cạnh tranh được?", ông Cường nói.

Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, gạo của Việt Nam xuất khẩu với thị trường rộng rãi và rất nhiều đối thủ cạnh tranh, đương nhiên phải đảm bảo giá cả và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.

"Việc khi chúng ta phát ngôn ra cần cân nhắc, tìm hiểu thông tin thực tế và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, người sản xuất và ngành hàng của một quốc gia", Cục trưởng Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, Việt Nam xuất khẩu gạo 7 tháng đạt gần 4 triệu tấn với giá trị đạt 2 tỷ USD, giảm khoảng 1,5% về khối lượng so cùng kỳ nhưng giá trị thu về tăng khoảng 11%. Việt Nam là nước có sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo cao thứ 2 thế giới trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành.

Trong nửa đầu năm, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 36,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,4 triệu tấn và 634,3 triệu USD, tăng 13,3% về khối lượng và tăng tới 30,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Cùng với Philippines, các thị trường xuất khẩu gạo có trị giá tăng mạnh nhất là: Senegal (gấp 19,6 lần đạt 41,1 nghìn tấn), Indonesia (gấp 2,8 lần đạt 45,2 nghìn tấn) và Trung Quốc (tăng 88,9% đạt 457,6 nghìn tấn).

Ngược lại, thị trường có trị giá xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Iraq (giảm 47,6%).

Trong nước, giá lúa, gạo tại các tỉnh ĐBSCL đã tăng trong nửa đầu tháng 7. Giá lúa tăng đầu tháng do nông dân sắp chuẩn bị thu hoạch vụ lúa Hè Thu, vào thời điểm đó nguồn cung từ vụ Đông Xuân không còn nhiều. Đồng thời, giá lúa, gạo xuất khẩu có bước phục hồi tốt.

Các chuyên gia nhận định xuất khẩu gạo Việt Nam và thị trường lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục có những chuyển biến tích cực bởi nhiều quốc gia xuất khẩu gạo đã có sự sụt giảm về sản lượng.

Bạn đang đọc bài viết 90% dân Việt ăn gạo bẩn: Phản ứng của Bộ Nông nghiệp tại chuyên mục Vấn đề hôm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Vấn đề hôm nay
Chính phủ đồng ý với đề xuất giấy phép lái xe được cấp 12 điểm mỗi năm, nếu tài xế không vi phạm giao thông sẽ được cộng điểm, khôi phục điểm, nếu bị trừ hết điểm phải thi lại giấy phép lái xe.