TS. Võ Trí Thành. |
Phát biểu tại Hội thảo Dâu ấn COP26 ngày 28/12, TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN và Môi trường Quốc hội nhận định, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam lại là vấn đề hiện hữu, tác động toàn diện, rộng khắp ở các vùng, miền, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mặc dù, Việt Nam là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hoá hơn ba thập kỷ, chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển sản xuất và tiêu thụ các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống với mức độ phát thải cao.
Toành cảnh Hội thảo. |
Chiến lược quyết định sự thành công
Từ đó, TS. Đình Thi cho rằng, để thực hiện được những mục tiêu và cam kết tại COP26 trong ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam cần có những bước đi mạnh mẽ, quyết liệt, với một lộ trình chuyển đổi thông minh về năng lượng từ cấp độ chính sách đến việc thực thi cụ thể của các doanh nghiệp, cộng đồng.
Đặc biệt là sự tham gia tích cực của các bên liên quan, trong đó có các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm để dịch chuyển mức độ tăng trưởng từ tăng trưởng nâu sang xanh trong giai đoạn tới.
TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN và Môi trường Quốc hội. |
Đóng góp ý kiến, PGS.TS. Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện KHCN quốc tế Việt Nam - Nhật Bản cho biết, việc gia tăng phát thải CO2 chưa có dấu hiệu suy giảm ngay cả khi chúng ta đang ở trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19.
Do vậy, việc cam kết thực hiện triển khai các hoạt động liên quan đến giảm phát thải, trung hoà phát thải CO2 đến 2050 là vấn đề bức thiết, song có nhiều thách thức.
Mặt khác, hầu hết các nước đều không dám cam kết không tạo ra phát thải, chúng ta đều cảm nhận sẽ tạo ra phát thải nhưng sẽ có sự bù trừ và giải quyết bằng công nghệ, hay các cách thức khác. Đây là tiền đề tạo cơ hội cho các nước đang trên con đường phát triển.
Trước tiên, cần có nhận thức rõ sự khác nhau của hai khái niệm “không phát thải" (zero emission) và “trung hoà phát thải” (net zero). Nếu chúng ta nói rằng không phát thải, nghĩa là sẽ không được tạo ra bất kỳ phát thải nào, trái lại, trung hoà phát thải vẫn cho phép ta tạo ra phát thải, nhưng cần phải có công nghệ và chính sách để hấp thụ lượng phát thải ra môi trường khí quyển.
TS. Phạm Hoàng Lương cho rằng, cần có nhận thức rõ sự khác nhau của hai khái niệm “không phát thải" và “trung hoà phát thải” để có chiến lược phù hợp với mục tiêu. |
Ông nhấn mạnh, chúng ta có cam kết chung là bảo vệ môi trường thế giới, cộng đồng, nhưng tùy vào hoàn cảnh cụ thể, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cần có những mục tiêu, lộ trình khác nhau để hướng tới trung hòa các-bon.
Do vậy, chiến lược phát triển dài hạn có vai trò rất quan trọng, bởi đó có thể là công cụ để chúng ta hoạt động trong bối cảnh ứng phó với BĐKH.
Thêm vào đó, chiến lược này có thể giúp thúc đẩy phát triển phát thải thấp với tất cả các bên có liên quan. Qua đó, thu hút sự hỗ trợ, đầu tư từ các tổ chức, quốc gia khác, nếu không có lộ trình cụ thể thì chắc chắn không thể giải ngân các nguồn kinh phí hỗ trợ cho tăng trưởng xanh.
Phối hợp nhịp nhàng của vấn đề môi trường và kinh tế
Theo đó, các bước xây dựng chương trình chiến lược có rất nhiều bước triển khai, tuy nhiên, đại diện Viện KHCN quốc tế Việt Nam - Nhật Bản đưa ra 3 bước quan trọng nhất.
Thứ nhất, cần xác định được điểm khởi đầu, hay kịch bản cơ sở, phải xây dựng trên cơ sở xem xét các điều kiện chính sách để xây dựng chiến lược dài hạn hiện có của quốc gia.
Ví dụ, chúng ta vừa thông qua Chiến lược Tăng trưởng xanh, đây là chiến lược cần phải được đưa vào kịch bản cơ sở của chúng ta, bởi nếu không thực hiện được theo đúng lộ trình thì mục tiêu đạt được cam kết sẽ ngày càng khó khăn.
Trả lời về vấn đề này TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và tăng trưởng xanh cho biết, sau khi có báo cáo Chiến lược tăng trưởng xanh của Bộ KHĐT đang đi theo chiều hướng tích cực.
Cụ thể, trong thời gian tới sẽ tổ chức chỉ đạo thực hiện tăng trưởng xanh, tiếp đó là chương trình hành động, đồng thời cho ra khung hướng dẫn các Bộ, ngành, các tỉnh, để xây dựng chiến lược xanh phù hợp với mỗi địa phương, đơn vị. Chậm nhất, đến đầu năm 2022, các tỉnh thành phải có các chiến lược nhằm cụ thể hóa thành hành động.
Thứ hai, cần thực hiện vấn đề này ở cấp Chính phủ. Cần xác định việc phát thải không chỉ liên quan đến một Bộ, ngành cụ thể, mà cần là sự tổng thể. Tuy nhiên, hiện nay khi nói đến vấn đề phát thải, chúng ta thường chỉ nói đến những nhóm ngành sử dụng năng lượng.
“Đây là nhóm ngành tạo ra phát thải chính, nhưng trong giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp cũng đều có vấn đề này", ông chỉ ra. Do vậy, phát thải phải là vấn đề chung liên quan đến tất cả các đơn vị sản xuất, vận chuyển, phân phối.
Ở góc độ chuyên gia, TS. Thành nhìn nhận, trong Chiến lược tăng trưởng xanh vẫn còn vấn đề về thể chế chính sách của các ngành, trong việc xanh hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Vậy nên, sự phối hợp của nhìn nhận vấn đề sinh thái, môi trường và cấu trúc kinh tế, mô hình tăng trưởng, nguồn lực cần thật nhịp nhàng và có sự hỗ trợ lẫn nhau.
Thứ ba, phải làm rõ khung thời gian cho chiến lược. Nếu cam kết 2050 sẽ đạt được kết quả trung hoà, vậy từ nay đến 2030, 2035 sẽ là như thế nào? Do vậy, nên đưa ra mục tiêu cụ thể theo lộ trình 5 năm để có thể có thời gian nhìn lại, chấn chỉnh kịp thời.
Theo Người đưa tin