Tuy không phải nhà thầu duy nhất trong lĩnh vực vận chuyển đất đá, chế biến, sản xuất than, khoáng sản tại khu vực Quảng Ninh, nhưng thực tế cho thấy Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Quang Minh (gọi tắt Công ty Quang Minh) thường xuyên trúng những gói thầu giá trị.
Bài viết trước đã đề cập đến việc Công ty Quang Minh trúng tất cả các gói thầu mở từ nhóm Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Các gói thầu có giá trị rất lớn với tỷ lệ tiết kiệm cực kỳ nhỏ giọt, thậm chí là "0 đồng".
Cũng nên biết, Công ty Quang Minh dù tham gia đến 40 gói thầu trong suốt lịch sử hoạt động của mình (theo thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia) với tổng giá trị trên 5.635 tỷ đồng, nhưng lại chưa từng một lần thua thầu.
Dưới đây là các thương vụ kín tiếng nữa giữa Công ty Quang Minh và một đối tác "quen" khác, đó là Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng).
Xuyên suốt quá trình hợp tác, từ năm 2015 đến nay, Công ty Quang Minh đã trúng 18 gói thầu tại đơn vị thành viên của Tổng công ty Đông Bắc với tổng giá trị trên 2.350 tỷ đồng. Đó là con số rất lớn, là "bệ đỡ" cho sự phát triển thần tốc của Công ty Quang Minh những năm gần đây.
Khách hàng thân thiết nhất của Công ty Quang Minh là Công ty Khai thác khoáng sản - Chi nhánh Tổng công ty Đông Bắc (Công ty Khai thác khoáng sản).
Điển hình như vào cuối năm 2021, Công ty Khai thác khoáng sản đã chọn lựa Công ty Quang Minh và các thân hữu (trong vai liên danh chính) là nhà thầu thực hiện gói thầu "Thuê thiết bị phục vụ sản xuất năm 2022 tại mỏ Đông Đá Mài" có giá trúng thầu 497.383.985.993 đồng.
Hợp đồng giá trị cả nửa nghìn tỷ, song chỉ thấp hơn 1% so với giá gói thầu. Quyết định công nhận kết quả trúng thầu được ký bởi Giám đốc Công ty Khai thác khoáng sản Nguyễn Văn Xuyến, vào ngày 29/12/2021.
Giảm giá đậm tính tượng trưng cứ thế kéo dài đằng đẵng trong hàng chục gói thầu có sự xuất hiện của Công ty Quang Minh. Nên nhớ rằng, theo quy định của pháp luật, để thực hiện các dự án, chủ đầu tư phải thông qua hoạt động đấu thầu, nhằm lựa chọn những nhà thầu đủ năng lực và quan trọng là phải tiết kiệm tối đa nguồn kinh phí đầu tư.
Thế nhưng, cũng ngay trong ngày 29/12/2021, Giám đốc Công ty Khai thác khoáng sản Nguyễn Văn Xuyến tiếp tục ký một quyết định khác có nội dung tương tự, trao cho liên danh Công ty Quang Minh đảm nhiệm làm gói thầu "Thuê thiết bị phục vụ sản xuất năm 2022 tại mỏ Tân Lập" trị giá 278.858.330.056 đồng. Lần này nhà thầu cũng chỉ cần bỏ giá 276.120.114.469 đồng, vẫn thấp hơn chưa đầy 1% là đã giành chiến thắng ngoạn mục.
Mối "lương duyên" giữa Công ty Quang Minh và Công ty Khai thác khoáng sản được hình thành từ rất sớm, và ngày càng gắn kết, thân tình hơn. Đầu năm 2018, Công ty Khai thác khoáng sản đã giao gói thầu "Bốc xúc, vận chuyển, san gạt đất đá mỏ Tân Lập Phục vụ sản xuất năm 2018" cho phía Công ty Quang Minh với giá trúng thầu 120.047.702.894 đồng. Như thường lệ, số tiền tiết kiệm của gói thầu là cực kỳ thấp với vỏn vẹn 60.855.830 đồng.
Trước ngày 29/12/2021 trên, kịch bản một ngày trúng đến hai gói thầu hàng trăm tỷ đã diễn ra vào thời điểm đầu năm 2020. Cụ thể, ngày 2/1/2020, Giám đốc Công ty Khai thác khoáng sản Nguyễn Văn Xuyến ký ban hành liên tiếp 2 thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, thông qua việc cho các liên danh của Công ty Quang Minh trúng thầu đồng loạt với tổng giá trị 557.749.213.864 đồng. Trong đó, gói thầu "Bốc xúc vận chuyển san gạt đất đá mỏ Tân Lập năm 2020" có giá trúng 386.895.813.092 đồng và gói "Vận chuyển đất đá mỏ Đông Đá Mài năm 2020" giá 170.853.400.772 đồng.
Số tiền giảm giá cho Ngân sách Nhà nước bỏ ra cho hai gói thầu là 487.969.547 đồng, mang đậm tính hình thức.
Hiện nay, tình trạng chủ đầu tư, bên mời thầu, các nhà thầu cùng nhau dàn xếp, đấu thầu hình thức để "chia chác"... không phải là chuyện mới, chuyện hiếm. Không ít vụ việc sai phạm đã bị cơ quan chức năng phát hiện, điều tra làm rõ và nhiều cá nhân bị xử lý hình sự.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia về đấu thầu, các gói thầu lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi mà giá trúng thầu gần như y nguyên giá gói thầu thì hoàn toàn có thể nghi vấn có sự không minh bạch trong đấu thầu. Theo kinh nghiệm của một nhà quan sát lâu năm, việc giá dự thầu của nhà thầu khớp giá gói thầu là rất khó xảy ra, trong khi đó giá trúng thầu lại khớp giá gói thầu thì rất đáng nghi vấn. "Trong trường hợp này chúng ta có quyền nghi ngờ có sự dàn xếp, thông đồng giữa nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu", vị chuyên gia nhìn nhận.
Để hạn chế, chấm dứt đấu thầu hình thức, giá trúng thầu y hệt giá gói thầu, ông Nguyễn Xuân Đào, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động đấu thầu, khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm để hoạt động đấu thầu thực sự hiệu quả kinh tế.
Năng lực tài chính có đáp ứng?
Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Quang Minh thành lập vào ngày 10/6/2004, trụ sở đặt tại phường Cẩm Bình, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Người đại diện pháp luật kiêm giám đốc là ông Hoàng Thanh Quân, sinh năm 1982. Nhóm cổ đông của Công ty Quang Minh bao gồm ông Phạm Thế Quang (1973), bà Đỗ Thị Thu Huyền (1976), ông Phạm Thế Vinh (1977).
Bộ ba đến từ thành phố Cẩm Phả còn tham gia sáng lập Công ty TNHH Thương mại Quang Minh Vân Đồn vào năm 2017 cùng số vốn điều lệ 30 tỷ đồng, nơi ông Hoàng Thanh Quân cũng đang đảm nhiệm vị trí giám đốc. Sau tháng 9/2019, bà Huyền và ông Quang đã rút khỏi danh sách cổ đông, thay thế là ông Đỗ Trung Hiếu (1980) và ông Bùi Quang Hải (1968), tuy nhiên ông Vinh vẫn là người nắm giữ quyền chi phối doanh nghiệp với 50% cổ phần.
Bên cạnh đó, hiện ông Vinh đang đứng tên ở Công ty Cổ phần Thương binh Đoàn kết, pháp nhân ra đời đầu năm 2004, vốn điều lệ 20 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty Quang Minh lần lượt đạt 294,5 tỷ đồng (2016), 288,9 tỷ đồng (2017), 404,1 tỷ đồng (2018), 494,5 tỷ đồng (2019) và 386,2 tỷ đồng (2020). Các giá trị này ngang ngửa với tổng giá trị các gói thầu Công ty Quang Minh trúng hằng năm.
Cho dù được bổ trợ từ nguồn thu ngân sách hàng trăm tỷ, song nhà thầu đất Quảng Ninh ghi nhận các chi phí giá vốn, vận hành quá cao, gây bào mòn lợi nhuận sau thuế về còn 542 triệu đồng (2017), 1,9 tỷ đồng (2018), 3,5 tỷ đồng (2019), 1,9 tỷ đồng (2020). Đặc biệt, doanh nghiệp còn chịu lỗ 6,7 tỷ đồng vào năm 2016.
Cấu trúc nguồn vốn của Công ty Quang Minh cũng rất đáng lưu tâm. Các năm gần đây, nhằm có thể đáp ứng tài chính cho loạt dự án thầu giá trị "khủng", doanh nghiệp đã "miệt mài" huy động vốn ngoài. Nợ phải trả vì thế tăng nhanh từ 245 tỷ đồng (2016) lên 560 tỷ đồng (2020), tức gấp hơn 2 lần.
Ngược lại, vốn chủ sở hữu gần như nằm im "bất động" ở ngưỡng 40 tỷ đồng. Tương ứng với đó, tỷ trọng nợ trên nguồn vốn các năm 2016-2020 lần lượt tăng lên 86% - 87% - 89% - 90% - 92%. Như vậy, tiềm lực tài chính của Công ty Quang Minh khá èo uột, chủ yếu tài trợ từ các khoản nợ.
Để vay từ các ngân hàng, Công ty Quang Minh thường xuyên phải thế chấp các máy đào, dây chuyền sàng tuyển, sàng rửa than tại các khai trường, các xe ô tô tải, và các quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng kinh tế với các chủ đầu tư, bên mời thầu, phần nhiều giữa Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu - Vinacomin.