Các doanh nghiệp của Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: Quang Vinh |
Tận dụng lợi thế
Nhắc đến các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), người ta nghĩ ngay đến việc hàng hóa của các bên tham gia sẽ được giảm thuế theo lộ trình. EVFTA không phải là ngoại lệ. Ngày 12/2/2020, ngay sau khi EVFTA được Nghị viện châu Âu thông qua, 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU được xoá bỏ. Sau đó sẽ có 2/3 (tương đương khoảng 65%) giá trị hàng hóa xuất khẩu từ EU và 71% hàng xuất khẩu từ Việt Nam được tự do hóa ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực. Những dòng thuế còn lại sẽ được bãi bỏ theo lộ trình. EVFTA cũng bao gồm các quy định quan trọng về bảo vệ môi trường và quyền lao động, giúp Việt Nam hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Có thể thấy, các ưu đãi về thuế này sẽ giúp DN 2 bên đưa hàng hóa vào thị trường dễ dàng hơn, cạnh tranh hơn.
Thực tế cho thấy, trải qua 1 năm thực thi EVFTA, các kỳ vọng đối với hàng hóa xuất khẩu đang dần được hiện thực hóa, tuy chưa nhiều như mong đợi. Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong 7 tháng qua, trong đó, Việt Nam ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng cao sang Mỹ, EU, Hàn Quốc. Đặc biệt, nhờ có cú hích EVFTA, xuất khẩu sang thị trường này tăng trưởng hơn 20%, xuất siêu 18,7 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ 2021.
Điều đó cho thấy, các ngành đã và đang tận dụng khá tốt cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU. Giới chuyên gia kinh tế dự báo, trên đà tăng trưởng năm 2021, năm 2022, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều quốc gia, đặc biệt với một số thị trường lớn đến từ các quốc gia cùng tham gia FTA, như EVFTA. Các ngành sản xuất như nông sản, dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử… đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021.
Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, các DN Việt Nam đã linh hoạt, nhạy bén trong việc tìm kiếm thị trường, tận dụng được lợi thế từ EVFTA. Hiệp định này có tác dụng xúc tác, kích thích lớn nhất, tăng doanh số xuất khẩu của Việt Nam, đã tạo ra động lực tăng trưởng mới cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam với những thuận lợi về thương mại, ưu đãi thuế quan mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng loạt mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam vào thị trường giàu tiềm năng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng tại EU đang hồi phục rõ nét sau dịch Covid -19, lạm phát thực phẩm cao, nên bất chấp những khó khăn như cước vận tải biển tăng vọt, chi phí container cao, các DN của chúng ta vẫn tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Và con số 688 triệu USD kim ngạch xuất khẩu sang EU trong 6 tháng đầu năm 2022 là một minh chứng khi đã tăng tới 41% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, tôm vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu sang EU, chiếm 54% với 303 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2021. Nhu cầu thủy hải sản tăng mạnh ở châu Âu là cơ hội lớn cho thủy hải sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vừa được giá, có thể thắng lớn.
Theo đánh giá chung, hiện nay khả năng tận dụng các FTA, trong đó có EVFTA của các DN đang rất tốt. Bởi, DN đã có cơ sở vật chất cũng như mạng lưới liên kết giữa nơi sản xuất là Việt Nam với các thị trường tiêu thụ. Đáng chú ý EVFTA là hiệp định đầu tiên trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia cam kết giảm thuế cho cả hàng nông sản chế biến. Đây là cơ hội tốt cho hàng nông sản chế biến của Việt Nam khi đưa hàng sang thị trường này. Mới đây nhất Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã hoàn tất việc xuất khẩu gần 500 tấn gạo “Cơm Việt Nam Rice” sang thị trường châu Âu trong tháng 6/2022. Đợt hàng này, gạo được vận chuyển bằng đường biển và sẽ tới Đức, Hà Lan, Pháp trong tháng 7/2022, chủ yếu là gạo thơm.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận định, sau 2 năm thực thi EVFTA, có thể thấy, đây là một trong những hiệp định có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao nhất so với những hiệp định khác. Theo đó, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của DN Việt Nam thông qua giấy chứng nhận xuất xứ mà DN được cấp để tận hưởng ưu đãi khi hàng hóa đi vào EU khá cao. 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này đã có tốc độ tăng rất mạnh, lên đến trên 32%.
“Điều này cho thấy, DN đã bắt đầu thể hiện tính tích cực hơn trong việc tận dụng các lợi thế của FTA và lợi ích của Hiệp định đem lại cũng đã thể hiện rõ hơn” - ông Thái bày tỏ quan điểm.
EVFTA mang đến nhiều cơ hội để doanh nghiệp thủy sản gia tăng xuất khẩu sang thị trường EU. |
Tăng tốc trên "cao tốc" EVFTA
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Lương Hoàng Thái lưu ý, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường… tức là họ không chỉ đơn thuần yêu cầu về giá cả, chất lượng mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa đó như thế nào. DN cần đón đầu xu hướng này, nếu như thành công, giá trị thu được trong quá trình xuất khẩu sang EU sẽ lớn hơn rất nhiều.
“Ngoài ra, EU là thị trường cơ bản rất khó tính với nhiều yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật, thậm chí có cả những tiêu chuẩn DN tự đặt ra. Điều này đòi hỏi DN Việt cần có những chuyển đổi về mô hình để có thể đáp ứng tốt nhất thị hiếu người tiêu dùng tại thị trường EU, từ đó khai thác một cách có hiệu quả, lâu dài và bền vững”- ông Thái khuyến nghị.
Theo các chuyên gia, việc bước vào sân chơi lớn cũng đồng nghĩa hàng hóa Việt Nam phải chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới. Về lâu dài, muốn phát triển bền vững ở sân chơi lớn này, DN cần phải nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, có hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, khoa học để đáp ứng các yêu cầu liên quan đến chứng nhận xuất xứ.
Nhằm tận dụng các cơ hội mà EVFTA mang lại, bà Bùi Hoàng Yến - Tổ phó Tổ Công tác miền Nam - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, các DN cần đẩy mạnh các hoạt động, bao gồm: Chủ động tìm hiểu thông tin về EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Hai là, việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất... Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, DN cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ và về tiêu chuẩn kỹ thuật của EU.
Ngoài ra, DN cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho DN nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào thị trường EU.
- Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam:Cánh cửa vào thị trường EU rộng mở
Cơ hội từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ là phần nổi, có thể tính toán được bằng con số và chưa mang tính bao quát cho những cơ hội từ hiệp định này mang lại. Phần chìm là động lực thúc đẩy để nền kinh tế Việt Nam cải cách, tiến bộ cũng rất lớn. Ở góc độ vĩ mô, EU là thị trường lớn của Việt Nam, có tiềm năng tài chính tốt và trình độ công nghệ cao.
EVFTA có tiêu chuẩn rất cao nên yêu cầu đặt ra là cải cách cho DN, cho nền kinh tế Việt Nam đạt chuẩn mực cao nhất của thế giới về thương mại và đầu tư. Từ đó, Việt Nam sẽ có nhiều kinh nghiệm và cơ hội hơn khi tham gia các thị trường, các khu vực khác.
Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu có nhiều biến động thì đảm bảo tính tự chủ, tính chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước các biến động là yêu cầu quan trọng. EVFTA mở cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam ra thị trường EU, giúp Việt Nam có cơ cấu xuất nhập khẩu, cơ cấu đầu tư kinh tế tự chủ hơn, bớt lệ thuộc vào thị trường truyền thống xung quanh. Đó là điều đảm bảo cho kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN NVV Hà Nội:Đầu tư cơ sở hạ tầng tốt hơn nữa
Tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ… hàng rào kỹ thuật, quy định vệ sinh dịch tễ cao, nhiều DN không đáp ứng được yêu cầu, còn phải nỗ lực đầu tư, quy trình quản lý đáp ứng tiêu chuẩn còn khó khăn. Chưa kể, các nước EU còn dựng hàng rào khá chắc chắn bằng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ DN và hàng hóa của họ. Bản thân DN vốn đã cố gắng 5 thì nay đi vào các thị trường lớn cần cố gắng 10, 15.
EVFTA mở con “đường cao tốc” nối Việt Nam với EU thì việc tạo điều kiện DN tiếp cận được các thời cơ là cần thiết. Ngoài ra, chúng ta cần giải bài toán về chất lượng nguồn nhân lực để hấp thụ được nguồn vốn đầu tư chất lượng cao; Đầu tư cơ sở hạ tầng tốt hơn, phương cách làm ăn chuyên nghiệp hơn.
Theo Đại đoàn kết