Vaccine Johnson & Johnson chỉ cần một liều tiêm
Mặc dù 3 vaccine đã được cấp phép sử dụng (vaccine Pfizer-BioNTech, Moderna, Oxford-AstraZeneca) đều cần tiêm 2 liều mới đảm bảo tạo đủ kháng thể. Điều này có thể gây ra nhiều khó khăn như bảo quản vaccine, tính an toàn, đủ số lượng, đúng thời gian, đúng đối tượng từng được tiêm liều đầu. Song chỉ với một liều tiêm, vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson (J&J) có khả năng giảm gánh nặng hậu cần, tăng hiệu quả chống Covid-19.
Công ty dược Janssen phát triển vaccine J&J dựa trên công nghệ vector virus, dễ dàng mở rộng quy mô sản xuất hơn vaccine điều chế bằng công nghệ mRNA như Pfizer-BioNTech và Moderna.
Theo Adam Barker- nhà phân tích sức khỏe tại Shore Capital, vaccine J&J gần giống vaccine Oxford-AstraZeneca. Cả hai đều được phát triển trên công nghệ vector virus, song vaccine J&J chỉ cần một liều tiêm. So với vaccine điều chế bằng công nghệ mRNA như Pfizer-BioNTech và Moderna, sản phẩm của J&J dễ dàng mở rộng quy mô, thao tác tiêm cũng đơn giản hơn.
Sản phẩm này có thể bảo quản ít nhất 3 tháng trong tủ lạnh thông thường, không yêu cầu cơ sở hạ tầng mới trong quá trình vận chuyển. Trong khi đó, bảo quản và vận chuyển vaccine Pfizer-BioNTech ở nhiệt độ âm 70 độ C là một bài toán khó với các cơ sở y tế.
Tuần trước, đại diện hệ thống sức khỏe Morgan Stanley nhận định vaccine J&J có "các yếu tố độc đáo và hiệu quả, mang lại niềm tin trong nỗ lực ứng phó đại dịch, phục hồi thị trường".
Nhiều loại vaccine Covid-19 cho hiệu quả đột phá hứa hẹn trong cuộc ngăn ngừa dịch bệnh. Ảnh: VnExpress
Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley bày tỏ tin tưởng vào tính an toàn của vaccine J&J, dẫn chứng dữ liệu thử nghiệm sớm, cùng thành công, hiệu quả chứng minh qua các vaccine Ebola, HIV, RSV, Zika trước đó.
J&J đã cam kết phân phối vaccine trên cơ sở phi lợi nhuận trong trường hợp khẩn cấp. Tháng 8/2020, hãng ký thỏa thuận cung cấp 100 triệu liều cho Mỹ sau khi được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép. Mỹ có thể mua thêm 200 triệu liều trong thỏa thuận tiếp theo.
Anh cũng đàm phán đặt hàng 30 triệu liều vaccine từ J&J, có thể mua bổ sung 22 triệu liều. Tháng 10/2020, Liên Minh Châu Âu (EU) ký thỏa thuận với J&J cho 400 triệu liều vaccine.
J&J cũng đồng ý cung cấp 500 triệu liều vaccine cho Liên Minh vaccine (GAVI), dự kiến phân phối năm 2022 thông qua chương trình Tiếp cận Vaccine Công bằng Toàn cầu (COVAX). Hãng dự kiến kiến công bố kết quả thử nghiệm sơ vào cuối tháng 1, đặt mục tiêu phân phối ít nhất một tỷ liều vào cuối năm 2021.
Vaccine Pfizer chống lại biến thể nCoV mới
Một nghiên cứu mới cho thấy vaccine Covid-19 Pfizer hiệu quả chống lại 2 biến thể nCoV mới phát hiện ở Nam Phi và Anh. Hai biến thể virus này có chung một đột biến gọi là N501Y, các nhà khoa học lo ngại có thể khiến nCoV lẩn tránh miễn dịch do vaccine tạo ra.
Các nhà nghiên cứu đã nuôi cấy virus mang đột biến trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm nó với mẫu máu của 20 người đã được tiêm hai liều vaccine Pfizer/BioNTech. Kết quả nghiên cứu công bố ngày 7/1 ghi nhận không có sự tụt giảm kháng thể trung hòa.
Đột biến N501Y giúp virus gắn vào tế bào người. Điều này có thể giải thích một phần tại sao những biến thể mới này có vẻ dễ lây lan hơn. Tuy nhiên đó chỉ là một trong nhiều đột biến ở cả hai biến thể khiến các nhà khoa học lo ngại có thể làm cho virus ít nhạy cảm hơn với vaccine hoặc phương pháp điều trị.
Công trình của các nhà nghiên cứu tại Pfizer và Đại học Y khoa Texas chưa được giới chuyên gia xem xét, đối chiếu, cũng chưa kiểm tra với toàn bộ các đột biến.
Trong một tuyên bố vào tháng 12/2020, Pfizer cho biết đã thực hiện các thử nghiệm tương tự trên nhiều biến thể và cho hiệu quả nhất quán.
Vaccine Covid-19 Moderna có thể duy trì miễn dịch ít nhất một năm
Đại diện hãng dược Moderna cho biết khả năng miễn dịch của vaccine Covid-19 sẽ kéo dài ít nhất một năm. Tại hội nghị J.P. Morgan Healthcare ngày 11/1, hãng này cũng tự tin công nghệ mRNA của vaccine Covid-19 Moderna sẽ chống lại biến thể mới đang xuất hiện tại một số quốc gia.
Vaccine mRNA-1273 sử dụng mRNA tổng hợp để bắt chước bề mặt của nCoV, dạy hệ thống miễn dịch nhận biết rồi vô hiệu hóa nó. Moderna dự kiến sẽ cung cấp khoảng 600 triệu cho đến một tỷ liều vaccine vào năm 2021. Dự báo doanh thu liên quan đến vaccine là 11,7 tỷ USD trong năm, dựa trên thỏa thuận mua trước đã ký với chính phủ các nước.
Giám đốc điều hành Stéphane Bancel cho biết: "Nhóm nghiên cứu cảm thấy rất thoải mái với thành tích có được. Chúng tôi đang đi đúng hướng để cung cấp ít nhất 600 triệu liều vaccine".
Vaccine Moderna được vận chuyển và xử trí dễ dàng hơn so với sản phẩm của Pfizer, giúp các bệnh viện nhỏ và vùng nông thôn thuận lợi trong bảo quản. Vaccine có thể lưu trữ trong các tủ đông tiêu chuẩn. Trong khi đó, Pfizer phải vận chuyển và lưu trữ ở nhiệt độ cực lạnh (âm 70 độ C), yêu cầu tủ đông chuyên dụng hoặc đá khô, chỉ phổ biến ở các bệnh viện lớn và khu vực thành thị. Sau khi rã đông, vaccine của Moderna có thể giữ lạnh trong 30 ngày, trong khi Pfizer chỉ được 5 ngày.
Vaccine Covid-19 thứ 2 Việt Nam thử nghiệm trên người tháng 1/2021
Liên quan tới công cuộc nghiên cứu vaccine Covid-19, theo Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), vaccine của Việt Nam đã được thử nghiệm trên động vật như chuột đất vàng, chuột nhắt, thỏ... Kết quả cho thấy vaccine tạo được miễn dịch cao trên động vật.
Trước đó, IVAC dự kiến thử nghiệm lâm sàng vào tháng 3/2021. Như vậy, tiến độ nghiên cứu nhanh hơn hai tháng. Theo kế hoạch, IVAC phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), Đại học Y Hà Nội để thử nghiệm lâm sàng vaccine. Vaccine sẽ được chia ra nhiều hàm lượng liều khác nhau ứng với liều tiêm khác nhau.
Vaccine được thử với nhiều nhóm đối tượng, qua 3 giai đoạn. Quá trình đó, IVAC cùng các đơn vị của Bộ Y tế sẽ theo dõi tình hình của tình nguyện viên, diễn ra thuận lợi sẽ tiến hành các bước tiếp theo.
Trước IVAC là Công ty Nanogen với sản phẩm Nanocovax, đã thử nghiệm vaccine trên người giai đoạn một từ ngày 10/12. 40 tình nguyện viên đã được tiêm vaccine liều 25 và 50 mcg, hiện đều khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng bất thường.
Tình hình dịch covid-19 trên thế giới và Việt Nam ngày 13/1 Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 91,97 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,96 triệu người tử vong và 65,8 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 71%). Đến nay, 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19. Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 23,24 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 194.606 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 3.701 ca, nâng tổng số lên 389.041. Tổng số người phục hồi là hơn 13,79 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 59%). Số ca nhiễm mới, và tử vong hàng ngày vì đại dịch tại Mỹ vẫn đang ở mức cao báo động. Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, hiện Việt Nam có thêm 5 ca nhiễm là trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số ca mắc COVID-19 tăng lên 1.520 trường hợp. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 17.555. Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.361/1.520 bệnh nhân. |