Chính phủ vừa ban hành nghị định 36/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản với mức phạt vi phạm hành chính tối đa là 250 triệu đồng với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tập thể. Quy định này có hiệu lực từ ngày 10/5/2020.
Các mức phạt tiền với cá nhân và với hộ kinh doanh được áp dụng như nhau. Riêng với tổ chức, mức phạt tiền tăng gấp 2 lần.
Cụ thể, mức phạt tiền cao nhất là từ 200-250 triệu đồng với các hành vi bơm hút nước, tháo khô trong hoạt động khai thác mỏ, xây dựng công trình dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất gây cạn kiệt nguồn nước. Cá nhân/tổ chức không thực hiện các biện pháp hạn chế, khắc phục sau khi thực hiện hành vi trên cũng sẽ phải chịu mức phạt tương tự.
Những đơn vị để rò rỉ, thất thoát dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước và các hoạt động sản xuất khác sử dụng hoá chất độc hại; không thực hiện chống thấm, chống tràn ở khu chứa nước thải có chất thải nguy hại sẽ bị phạt 50-70 triệu đồng.
Xả khí thải độc vào nguồn nước sẽ bị phạt tới 500 triệu đồng |
Mức phạt 30-50 triệu đồng được áp dụng với các vi phạm: Không có phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước khi xây dựng các công trình có nguy cơ; Không có phương án, trang thiết bị, nhân lực bảo đảm phòng ngừa, hạn chế ô nhiễm nước biển khi hoạt động trên biển.
Phạt tiền 10-15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và các loại hoá chất khác trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật gây ô nhiễm nguồn nước.
Hành vi không thực hiện biện pháp chống thấm, chống tràn ao, hồ, khu chứa nước thải trong trường hợp nước thải không chứa chất thải nguy hại sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng.
An Dân