nhưng cả con thuyền sẽ cùng tiến lên qua giông tố”- ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Tập đoàn Giovanni Group nhấn mạnh trong buổi trao đổi cùng phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) trước thềm năm mới Tân Sửu 2021.
2020 có lẽ là một năm có quá nhiều xúc cảm với các doanh nghiệp Việt. Là một doanh nhân chèo lái con thuyền Giovanni Group với hàng nghìn nhân viên, ông cảm nhận gì về năm 2020 đã qua?
-- |
Năm 2020 khởi đầu với niềm tin, hy vọng về 1 thập niên mới. Thế nhưng 2020 lại trở thành 1 năm đầy biến động và bất lường. Dịch bệnh khiến cả thế giới điêu đứng: các quốc gia phải đóng cửa biên giới, các nền kinh tế ngừng hoạt động khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đình trệ và lao đao.
Trong những lần giãn cách xã hội kéo dài, chúng tôi tuân thủ đóng cửa toàn bộ hệ thống bán lẻ. Toàn bộ dây chuyền sản xuất của chúng tôi cũng phải chấp hành những hướng dẫn của Chính phủ về an toàn phòng dịch. Những nguồn cung sản phẩm, nguyên phụ liệu sản xuất của Giovanni từ Tuscany, Montegranaro, Milano… tại Italy đều bị ngưng trệ do dịch bệnh khiến sản phẩm mới của Giovanni không thể đến tay người tiêu dùng đúng hạn.
Khi quyết định viết tâm thư cho nhân viên giữa tâm dịch đang bùng phát, đứng trước lựa chọn để người lao động ở lại hay phải chia tay, chắc hẳn ông có rất nhiều trăn trở?
Tôi luôn coi tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là người lao động. Với Giovanni, đó chính là mỗi nhân viên, từng công nhân sản xuất. Có những nhân viên ở Giovanni đã gắn bó với tôi, với thương hiệu hàng chục năm, từ lúc họ còn là chàng trai, cô gái mới bước vào đời, nay đã có con lớn, đi học.
Giữa lúc dịch bệnh doanh nghiệp gặp khó khăn, họ là những người chịu nhiều tổn thương nhất. Và lúc ấy, tôi cảm thấy đau lòng như chính người thân của mình đang gặp hoạn nạn vậy. Trước tình thế như vậy, tôi quyết không để một ai phải ra đi. Tôi muốn rằng, giữa trận bão lớn, tất cả sẽ cùng hi sinh, cùng chịu đựng, nhưng cả con thuyền sẽ cùng tiến lên qua giông tố.
Và tôi đã thực hiện đúng lời hứa đó. Tâm thư của tôi gửi tới người lao động được họ đón nhận rất cảm động. Tôi đã cho lập 1 quỹ Tương trợ trong giai đoạn giãn cách xã hội để giúp đỡ những cá nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất, phát huy tinh thần lá lành đùm lá rách. Những đóng góp, cống hiến của người lao động trong giai đoạn khó khăn này sẽ được Giovanni đáp trả xứng đáng, sòng phẳng khi hoạt động kinh doanh phục hồi và tình hình kinh tế ổn định trong giai đoạn cuối năm và năm 2021 này.
Trải qua một năm đầy sóng gió, ông có suy nghĩ gì về triết lý kinh doanh, triết lý lãnh đạo? Và, ông muốn gửi gắm gì ở thương hiệu Giovanni mà ông đã dày công gây dựng?
Tôi đề cao sự tử tế!
Với tôi, người lãnh đạo, nhất là lãnh đạo trong doanh nghiệp cần hướng tới cái tâm thì quyết định, hành động mới có tầm. Với tôi, làm kinh doanh bản chất là làm kinh tế. Mà “kinh tế” nguyên thủy là việc “kinh bang tế thế”, nghĩa là xây dựng đất nước giàu mạnh để giúp ích cho đời.
Tôi mong rằng, mỗi việc chúng ta thực hiện đều đề cao sự tử tế: nhỏ thì giúp cho khách hàng có được những sản phẩm đẹp hơn, cao cấp hơn, giúp họ có cuộc sống đáng tận hưởng hơn, rồi giúp mỗi người lao động có môi trường làm việc tốt hơn, thu nhập cho cuộc sống ổn định, phát triển hơn; nhìn rộng ra, chúng ta sẽ có một ngành thời trang bền vững, có một quốc gia Việt Nam tốt đẹp hơn mỗi ngày.
Đó cũng chính là lý do tôi vun đắp, phát triển Giovanni trở thành một thương hiệu cao cấp, để người Việt Nam có thể tự hào sử dụng, và tự hào khi nhắc tới trong bối cảnh toàn cầu hóa, kinh tế hội nhập. Làm kinh doanh là để tạo ra lợi nhuận. Nhưng nếu chỉ nghĩ đến tiền, chúng ta sẽ có rất nhiều tài sản.
Còn với tôi, tài sản lớn nhất chính là Giovanni, là anh chị em đồng nghiệp, bạn bè và tôi muốn Thương hiệu này là di sản đáng tự hào của người Việt mỗi khi nhắc tới một thương hiệu thời trang, một thương hiệu cao cấp do người Việt Nam tạo ra, xây dựng và phát triển.
Ông có thể chia sẻ đánh giá của ông về năm 2021 với các doanh nghiệp trong ngành thời trang? Theo ông, nhiệm vụ của doanh nghiệp Việt trong thập niên mới của thế kỷ 21 là gì?
Trong bối cảnh 2021, sự ra đời và phổ biến của vắc-xin Covid-19 sẽ thúc đẩy việc mở cửa các quốc gia và phục hồi kinh tế, tôi tin rằng nhân loại sẽ có một năm đầy hi vọng. Với Việt Nam, từ cuối 2020, đã có 2 Hiệp định tự do thương mại là EVFTA và RCEP đi vào hiệu lực, cho nên cùng với đà phục hồi của thế giới, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều lực đẩy để bứt phá. Việt Nam chúng ta từ nhiều năm qua đã làm rất tốt trong việc gia công xuất khẩu những sản phẩm thời trang cho các thương hiệu quốc tế, phục vụ chủ yếu phân khúc phổ thông mà bỏ ngỏ phân khúc trung, cao cấp.
Để tiếp cận các phân khúc thị trường thời trang cao hơn, Việt Nam cần có những thương hiệu sản xuất, thương hiệu thương mại cao cấp. Và để làm được điều đó, chúng ta phải tiếp cận tới cách làm sản phẩm cao cấp. Các hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Châu Âu, Thái Bình Dương cho phép chúng ta tiếp cận tới những nguồn nguyên phụ liệu từ Ý, Pháp, Úc, Nhật nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao để không chỉ cung ứng cho thị trường nội địa mà còn hướng tới chinh phục các thị trường khó tính khác, không chỉ trong nội các khối đã ký kết FTA mà còn trên toàn cầu.
Giovanni được xây dựng dựa trên trụ cột Chất lượng cao cấp và Sáng tạo khác biệt. Đây là kim chỉ nam và cũng là cam kết không bao giờ thỏa hiệp của Thương hiệu trong suốt 15 năm qua và trở thành ADN của thương hiệu - là thứ trường tồn không bao giờ thay đổi.
Và với bối cảnh của 2021 với lợi thế mang lại từ các FTA như kể trên, Giovanni xác định sẽ tập trung vào hoàn thiện ma trận sản phẩm và đẩy mạnh phát triển thương hiệu để sản phẩm Việt Nam có giá trị gia tăng đạt hạng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là mô hình mà rất nhiều doanh nghiệp thời trang hoàn toàn có thể áp dụng và ngành dệt may, da giày Việt Nam nên nghiên cứu nhân rộng cho nhiều hơn các doanh nghiệp Việt.
Điều này đặc biệt hữu ích cho chiến lược xây dựng và định vị thương hiệu Việt Nam, xoá bỏ dần vị thế của 1 quốc gia chỉ biết gia công sản xuất nhờ vào nhân công giá rẻ.
Trân trọng cảm ơn ông!