Giữa bối cảnh người tiêu dùng Trung Quốc kêu gọi tẩy chay các nhãn hiệu quần áo phương Tây, hải quan nước này vừa cáo buộc một loạt các ông lớn thời trang bao gồm H&M, Nike và Zara - bán quần áo trẻ em không đạt tiêu chuẩn, gây nguy hại cho sức khỏe.
H&M, Nike và Zara dính đòn sau tẩy chay
Trong một thông báo chính thức, Tổng cục Hải quan Trung Quốc liệt kê 81 lô sản phẩm quần áo trẻ em nhập khẩu có rủi ro về chất lượng và an toàn được phát hiện trong khoảng thời gian từ tháng 6/2020 đến tháng 5/2021, với các mặt hàng may mặc, đồ chơi, bàn chải đánh răng, giày dép và bình sữa trẻ em.
H&M vừa đóng cửa cửa hàng lớn ở Thượng Hải. |
Cơ quan này cho biết, khoảng 9 lô váy trẻ em gái bằng vải cotton dệt của H&M có chứa thuốc nhuộm hoặc các chất độc hại khác khiến trẻ em có nguy cơ nuốt phải hoặc hấp thụ qua da. Theo thông báo, nguy cơ tương tự cũng được xác định ở đồ ngủ trẻ em và quần đùi trẻ em dệt kim từ Zara và áo phông dành cho bé trai dệt kim cotton của Nike.
Ngoài ra, đồ ngủ bé trai dệt kim cotton của thương hiệu Mỹ GAP và áo phông bé gái từ GU, một nhà bán lẻ thuộc Uniqlo Nhật Bản cũng có tên trong danh sách.
Cảnh báo được đưa ra vào dịp Tết Thiếu nhi 1/6 ở Trung Quốc, kêu gọi khách hàng trong nước nên thận trọng khi mua hàng hóa nhập khẩu dành cho trẻ em.
Thông báo trên là đòn giáng mới nhất đối với các thương hiệu quần áo nước ngoài, vốn đang chịu áp lực nghiêm trọng từ việc người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay kể từ cuối tháng 3 sau khi các thương hiệu này có những phát ngôn về bông Tân Cương.
Tuyên bố từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi trên các nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc, thúc đẩy nhiều người dùng internet một lần nữa chuyển sang mua các thương hiệu nội địa như Li-Ning và Anta.
“Việc chỉ tên công khai là tốt, như vậy mọi người sẽ có ấn tượng xấu về những gì các thương hiệu nước ngoài đó đã làm”, Wei Qian, một nhân viên IT 30 tuổi ở Bắc Kinh, cho biết.
Là cha của một cậu bé 2 tuổi, Wei nhấn mạnh: “Đối với tôi, các thương hiệu như Nike, Adidas, H&M và Uniqlo không còn tồn tại nữa. Tôi đã dần dần tăng tỷ lệ sản phẩm nội địa trong giỏ hàng của mình ngay cả trước khi làn sóng tẩy chay diễn ra”.
Đánh bật thương hiệu quốc tế
Các sản phẩm của H&M đã biến mất khỏi các trang thương mại điện tử chính của Trung Quốc như JD.com, Taobao và Pinduoduo, trong khi nhiều người nổi tiếng Trung Quốc đã ngừng hợp đồng quảng cáo với công ty Thụy Điển.
H&M và Zara từng bị Trung Quốc nhiều lần cảnh báo về tiêu chuẩn an toàn. |
Sau phản ứng dữ dội ban đầu, H&M đã đóng cửa một trong những cửa hàng lớn nhất ở Thượng Hải vào ngày 13/5. Động thái được thực hiện sau khi Inditex, công ty mẹ của Zara, thông báo vào đầu năm nay rằng họ sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng Bershka, Pull & Bear và Stradivarius ở Trung Quốc trong năm nay và GAP được cho là đang cân nhắc việc bán cơ sở ở Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên H&M và Zara bị nhắm vào cảnh báo an toàn kiểu này. Trong một thông báo tương tự vào ngày 30/5/2020, hải quan Trung Quốc cáo buộc hai thương hiệu nhập khẩu các sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe cho trẻ em, dựa trên một cuộc điều tra từ tháng 1 đến tháng 5 năm ngoái.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Nike, GU và GAP bị đưa vào danh sách tương tự. Cơ quan hải quan Trung Quốc cho biết họ đã tịch thu, tiêu hủy hoặc trả lại các sản phẩm không tuân thủ theo quy định.
Xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc trong tháng 4 đạt 12,15 tỷ USD, giảm 16,6% so với một năm trước đó, trong khi xuất khẩu quần áo là 11,12 tỷ USD, tăng 65,2%. Nhập khẩu hàng may mặc và phụ kiện lên tới 862 triệu USD, tăng 64%, theo dữ liệu hải quan.
“Trong tương lai, các thương hiệu trong nước sẽ chiếm thị phần nhiều hơn so với các thương hiệu quốc tế trên thị trường cao cấp thông qua việc nâng cấp sản phẩm… hoặc phát triển các thương hiệu mới nhằm thống lĩnh trị trường nội địa”, các nhà phân tích tại Sinolink Securities nhận định, cho rằng tranh cãi bông Tân Cương bùng phát vào tháng 3 đã thúc đẩy quá trình này một cách hiệu quả.
Theo Người đưa tin