Ông chủ Uniqlo - Tadashi Yanai là tỷ phú giàu nhất Nhật Bản, Nhà sáng lập kiêm CEO của Fast Retailing, tập đoàn sở hữu thương hiệu Uniqlo.
Tỷ phú Tadashi Yanai đang đứng ở vị trí thứ 27 trong bảng xếp hạng các tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes, tăng từ thứ hạng 41 vào hồi tháng 3 vừa qua, và chính thức soán ngôi vị giàu nhất Nhật Bản từ ông chủ Soft Bank Masayoshi Son từ tháng 4/2019.
Hành trình vươn lên nắm giữ ngôi vương trong ngành thời trang của ông là một câu chuyện dài khiến cho cả thế giới ngưỡng mộ.
Từng vấp phải nhiều thất bại thảm hại
Theo thống kê của tạp chí Forbes, hiện ông Tadashi Yanai là người giàu có nhất tại xứ sở hoa anh đào, với khối tài sản ước tính lên tới 28 tỷ USD. Cũng giống như rất nhiều nhà tỷ phú khác, ông cũng đã từng trải qua hành trình khởi nghiệp gian nan.
Tadashi Yanai sinh ra trong một gia đình làm nghề may ở Hiroshima (Nhật Bản). Do đó, ngay từ nhỏ, ông đã tiếp xúc nhiều với vải vóc, kim chỉ và thời trang. Sau khi tốt nghiệp đại học Waseda chuyên ngành kinh tế và khoa học chính trị năm 23 tuổi, ông bắt đầu làm việc trong tiệm may y phục của cha.
Đến năm 1984, ông thừa kế công việc kinh doanh gia đình và thành lập Công ty Unique Clothing Warehouse, sau này được viết tắt là Uniqlo.
Tuy nhiên, chiến lược sai lầm của Yanai khi mở 3 cửa hàng ở ngoại ô Tokyo đã khiến người tiêu dùng cho rằng Uniqlo là thương hiệu nhà quê. Ba cửa hàng vừa khai trương buộc phải ngừng hoạt động và màn chào sân của thương hiệu này bị đánh giá thất bại.
Chưa dùng lại ở đó, ông còn nhận về những thất bại cay đắng khác. Vào năm 2002, Uniqlo tiến đánh kinh đô thời trang London với 21 cửa hiệu cả trong thành thị lẫn vùng ven. Không dừng lại ở đó, Uniqlo còn "chen chân" vào 3 đại siêu thị ở New Jersey, đánh dấu sự có mặt ở cường quốc số 1 thế giới.
Những tưởng Uniqlo sẽ nhanh chóng gặt hái thành công khi đem mô hình "bất bại" của Gap trở về với cội nguồn, nhưng trên thực tế, kế hoạch này đã thảm bại đến mức Uniqlo phải chịu lỗ hàng chục triệu USD chỉ sau một thời gian ngắn.
Hãng gặp nhiều vấn đề kích cỡ sản phẩm. Người Mỹ thường cao lớn hơn người Nhật Bản. Hãng phải đóng cửa các cửa hàng này trong vòng một năm.
Xây dựng nên đế chế Uniqlo với tầm nhìn táo bạo và cải tiến
Cũng từ những thất bại cay đắng ấy đã giúp ông chủ thương hiệu thời trang Uniqlo – Tadashi Yanai rút ra những bài học quý giá. Ông đã xây dựng nên đế chế Uniqlo bằng cách luôn làm “khác người” với một tầm nhìn đầy táo bạo và cải tiến.
Trong khi hầu hết các thương hiệu đều chạy theo xu hướng thời trang thì Uniqlo lại không như thế. Tôn chỉ của Yanai là “luôn mang đến những mẫu quần áo mặc thường ngày hợp mốt, chất lượng cao mà bất cứ ai cũng đều có thể mặc và có thể mặc ở bất cứ đâu tại bất cứ nơi nào với giá bán thấp nhất có thể”.
Bằng chứng là Uniqlo tập trung vào quần jean, áo khoác, áo thun trơn…với những màu cơ bản nhất, hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của bất kỳ xu hướng nào. Quần áo của thương hiệu thời trang này rất đơn giản, thiết yếu nhưng phổ quát, cho phép người mặc có thể tự do kết hợp chúng theo phong cách cá nhân của họ.
Uniqlo tập trung vào quần jean, áo khoác, áo thun trơn…với những màu cơ bản nhất, hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của bất kỳ xu hướng nào. |
Ông Tadashi Yanai từng chia sẻ rằng: “Chúng tôi chắc chắn không phải là thời trang nhanh. Các bạn mặc thử sẽ biết quần áo, trang phục của chúng tôi rất bền. Về mặt chất lượng, yếu tố này là tiêu chuẩn“. Mục tiêu của Uniqlo là tạo ra các sản phẩm thời trang tiêu chuẩn thế giới, độ bền qua nhiều năm.
Không những quan tâm đến chất lượng sản phẩm, Ông Tadashi Yanai còn đề cao đến dịch vụ khách hàng. Các khâu từ tuyển dụng, đào tạo cho đến từng chi tiết nhỏ trong cung cách phục vụ đều được triển khai một cách tỉ mỉ.
Mọi nhân viên trong cửa hàng quần áo của Uniqlo đều được đào tạo kỹ lưỡng và bài bản từ kỹ thuật gấp quần áo, kỹ năng trao quần áo cho khách cho đến cách nhân viên cửa hàng trả lại thẻ tín dụng cho khách hàng (theo phong cách của Nhật, cần trả lại bằng 2 tay và mắt luôn nhìn thẳng vào khách hàng).
Các báo cáo tài chính đều minh bạch. Doanh số bán đều được thể hiện trên biểu đồ và đăng lên mỗi ngày để theo dõi tình hình bán hàng. Không dừng lại ở đó, Yanai hiện đang xây dựng một trường đại học Uniqlo tại Tokyo và đây là nơi mà 1.500 nhà quản lý cửa hàng mới của Công ty sẽ được đào tạo mỗi năm. Mục đích của ông là nhằm mang đến chất lượng phục vụ tốt nhất cho khách hàng.
Yanai cũng là người dám đưa ra những quyết định táo bạo. Một trong những quyết định đó là yêu cầu mọi hoạt động của Uniqlo đều phải bằng tiếng Anh. Đối với một đất nước ít người dân biết nói tiếng Anh, đây là một quyết định mạo hiểm. Nhưng ông đã thấy trước được viễn cảnh Uniqlo sẽ vươn ra toàn cầu ngay từ ban đầu. Quyết định này là một nguyên nhân lớn giúp Uniqlo nhanh chóng bành trướng ra thế giới.
Hiện tại, Uniqlo là chuỗi cửa hàng quần áo lớn thứ hai nước Nhật, nhưng tham vọng của Yanai là đưa nó đứng thứ nhất ở mọi quốc gia mà thương hiệu này có mặt.
Theo Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ