Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Tham vọng không biên giới của ông chủ hãng thời trang Giovanni

CLVN/ BẢO ANH 07:53 18/01/2020

Giovanni đã định vị thương hiệu thuộc phân khúc cao cấp rất được ưa chuộng tại Việt Nam.

Kỷ nguyên số mang những cơ hội cho DN

Chia sẻ tại tọa đàm “Ứng dụng công nghệ 4.0 đối với ngành dệt may và thời trang Việt Nam” được Giovanni Group tổ chức, ông Nguyễn Trọng Phi – Chủ tịch Tập đoàn cho biết, ngành sản xuất may mặc của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, từ việc sản xuất gia công cho các thương hiệu lớn ở nước ngoài đến nay đã có nền tảng về sản xuất tốt. Tuy nhiên, ngành may mặc vẫn đang thiếu một “lực đẩy” để các thương hiệu của DN trong nước có thể vươn ra thị trường thế giới.

“Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên 4.0, đây là điều rất may mắn và mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Phi nhận định.

Ông Nguyễn Trọng Phi - Chủ tịch Giovanni Group.

Tiếp nối nhận định của Chủ tịch Giovanni Group, ông Phan Ngọc Vũ – Chuyên gia công nghệ hàng đầu về Blookchain tại Singapore cho biết: Việt Nam gia nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu trong thế giới phẳng 4.0. Nếu như trước đây Việt Nam tiếp cận công nghệ 3G, 4G chậm hơn so với nhiều nước thì nay đã lọt top 5 quốc gia đi đầu về công nghệ 5G. “Nếu như còn ai đó nghi ngờ Việt Nam có theo kịp trào lưu 4.0 của thế giới hay không, tôi tin rằng thời cuộc đã thay đổi, nói về câu chuyện 5G chúng ta có quyền nói về các câu chuyện khác sau 5G”, ông Vũ chia sẻ.

"Làm thế nào để các thương hiệu thời trang Việt có thể tiến xa hơn trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang trở thành tất yếu? Đó chỉ có thể nhờ công nghệ. Tận dụng được công nghệ chắc chắn thời trang Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá và khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế", ông Phi chia sẻ.

Ông Vũ cho rằng, ngành thời trang Việt Nam nói chung đã tụt lại rất nhiều khi trong thời gian dài chỉ gia công cho các nhãn hàng thời trang thế giới. Một sản phẩm gia công tại Việt Nam giá chỉ bằng 1/20 giá sản phẩm khi chúng được bán ở điểm cuối cùng. “Điều này thật không công bằng”, ông Vũ nói.

Vậy chúng ta sẽ phải làm gì, bằng cách nào để có thể giúp cho các sản phẩm của Việt Nam có lợi nhuận cao hơn. “Nếu không có công nghệ hỗ trợ, đốt cháy giai đoạn trung gian thì khi chỉ làm gia công chúng ta đang trao số phận doanh nghiệp của mình vào tay của thương lái”, ông Vũ nói.

Bởi vậy, theo chuyên gia công nghệ Phan Ngọc Vũ, chúng ta có quyền hy vọng sẽ làm được với sự hỗ trợ của công nghệ và thêm cả sự quyết tâm của các ông chủ doanh nghiệp. "Giovanni có thể sẽ trở thành một case study trong ngành thời trang. Đây không chỉ là khả thi mà khẳng định sẽ làm cho được điều này để ghi danh vào bản đồ thế giới. Sau khi dự án này triển khai xong thì không chỉ Giovanni, không chỉ ngành thời trang Việt Nam mà đó chính là cuộc cách mạng trong ngành thời trang toàn thế giới. Chúng ta có quyền mơ ước", ông Vũ nhấn mạnh.

... Và tham vọng của Giovanni

Với 13 năm kinh nghiệm xây dựng và phát triển, đến nay Giovanni đã định vị thương hiệu thuộc phân khúc cao cấp rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Với sự tham gia sâu vào chuỗi giá trị từ sáng tạo, thiết kế cho đến cung ứng nguyên phụ liệu, sản xuất và phân phối, Giovanni khẳng định thế mạnh chính là khâu thiết kế sáng tạo và sản xuất, qua đó các sản phẩm đều chạm tới sự hài lòng của những người yêu thời trang Việt.

Dù khá thành công ở thị trường trong nước nhưng Chủ tịch Giovanni vẫn trăn trở làm thế nào để có thể đưa thương hiệu Giovanni ra nước ngoài mà không cần cửa hàng. “Những doanh nghiệp như Giovanni vừa có thương hiệu uy tín, vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu vừa có trình độ phát triển sản phẩm và cả nhà máy sản xuất. Đó là lợi thế rất tốt nhưng chúng ta không thể chạm chân tới Milan, Paris, Tokyo để mở cửa hàng… Vậy làm thế nào để bán cho công dân toàn cầu? Ở kỷ nguyên 4.0 chắc chắn chúng ta có thể làm được”, ông Phi khẳng định.

Ông Phi dẫn chứng: Adidas và Nike từng làm được đôi giày đơn chiếc để có thể bán cho khách hàng ở bất kỳ nơi đâu, đó là họ có công nghệ in 3D phát triển, khách hàng chỉ cần đến một đại lý đưa chân vào máy lập tức sẽ in ra chân của người đó, khách hàng có thể truy cập vào website của hãng, tự thiết kế đôi giày của mình và có thể thay đổi màu sắc, chọn chất liệu, thay đổi các chi tiết trên bản thiết kế. Từ nền tảng công nghệ, cơ sở dữ liệu được chuyển về trung tâm của Adidas ở Đức sau đó chuyển dữ liệu đó về nhà máy và nhà máy 4.0 sản xuất ra một đôi giày cá nhân hóa cho khách hàng, sau đó ship thẳng cho khách hàng, bỏ qua hệ thống phân phối.

“Câu chuyện của 4.0 và Adidas đã làm được điều đó, ngành da giày, túi xách và ngành thời trang của Việt Nam có làm được như vậy không”, ông Phi trăn trở.

Từ thực tiễn đó, Giovanni rất muốn làm một bước đột phá chính là xây dựng nền tảng số cho doanh nghiệp, xây dựng nền tảng số cho khâu thiết kế, quản trị nguyên phụ liệu và có thể bằng cách nào đó thông qua quảng cáo để quảng bá hình ảnh công ty, quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến với khách hàng nước ngoài.

“Tôi mong muốn Giovanni có những đơn hàng của khách hàng ở bất kỳ đâu trên thế giới khi họ có nhu cầu Giovanni có thể đáp ứng được trên nền tảng công nghệ”, ông Phi chia sẻ và khẳng định sự bắt tay của nhãn hàng thời trang Giovanni với nền tảng công nghệ 5G được xem là sự kết hợp khởi đầu cho một sự mạnh dạn, tiên phong và tầm nhìn mới trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh như vũ bão.

Bạn đang đọc bài viết Tham vọng không biên giới của ông chủ hãng thời trang Giovanni tại chuyên mục Thương hiệu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thương hiệu