Hà Nội, Thứ Tư Ngày 18/09/2024

Cảnh giác trước những chiêu trò trục lợi của thợ sửa điều hòa trong mùa hè nắng nóng

Khánh Mai 17:25 07/06/2023

Không chỉ trục lợi từ khách hàng bằng những chiêu trò tinh vi, một số thợ sửa điều hòa không được đào tạo bài bản, không có kiến thức chuyên môn, nhưng vẫn nhận sửa điều hòa cho khách.

Mùa hè đến, nắng nóng cũng là lúc nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao, đi kèm với đó là nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa tăng. Đây vốn là một nghề vất vả, nhất là khi thợ điều hòa phải căng mình làm việc trong những ngày nắng nóng, oi bức. Tuy nhiên, vẫn có một số ít thợ sửa thiếu trung thực, luôn tìm cách móc túi của người tiêu dùng. Dưới đây là một số chiêu trò mà những thợ sửa điều hòa thiếu trung thực muốn tìm cách trục lợi từ khách hàng thường sử dụng mà bạn cần lưu ý.

Báo lỗi dàn lạnh khi điều hòa bị chảy nước

Chảy nước ở dàn lạnh là lỗi nhiều điều hòa gặp trong quá trình sử dụng. Một số người cho biết thợ đến kiểm tra thông báo bị hỏng dàn lạnh, rò rỉ môi chất khiến nước bị chảy và đề nghị hàn, thay thế bo mạch hoặc bơm môi chất với giá tầm một triệu đồng. Tuy nhiên, theo chuyên gia điện gia dụng Nguyễn Tiến Minh, đa phần lỗi chảy nước trên điều hòa là do dùng lâu ngày không vệ sinh. Ở môi trường nhiều bụi bẩn, dàn lạnh bị két bẩn khiến hơi lạnh không thể thoát hết ra ngoài, đọng nước và chảy xuống. Ngoài ra, bụi bẩn cũng có thể làm tắc ống dẫn nước thải của điều hòa, tràn ngược ra ngoài. Với lỗi này, các chuyên gia khuyến cáo người dùng chỉ cần vệ sinh máy thường xuyên.

Điều hoà bị chảy nước đa phần do không được vệ sinh thường xuyên. Ảnh minh họa

Bơm gas dù không cần thiết

Thiếu gas cần nạp bổ sung là chiêu thức được nhiều thợ điều hòa sử dụng nhất. Tiền bơm gas thường cao hơn nhiều lần so với tiền vệ sinh bảo dưỡng, có thể lên tới hàng triệu đồng. Thực tế, trong những nguyên nhân khiến điều hòa làm mát yếu, không có lý do thiếu gas. "Nếu thiếu, điều hòa sẽ bị thiếu ngay từ đầu khi lắp đặt và không thể làm mát như tiêu chuẩn. Nếu dùng một thời gian, điều hòa gặp lỗi sẽ rò rỉ toàn bộ gas và mất khả năng làm mát, chứ không chỉ kém đi", ông Minh phân tích. Có ba nguyên nhân phổ biến khiến gas bị hao hụt là xì đầu tán, rò rỉ ở dàn nóng, dàn lạnh hoặc trên đường ống đồng. Xì đầu tán là nguyên nhân phổ biến nhất, có thể do lắp đặt hoặc thời tiết quá khắc nghiệt, thời gian dài sử dụng. Đây cũng là nguyên nhân dễ khắc phục nhất.

Thợ đo lượng gas trong một máy điều hòa. Ảnh minh họa

Trong nhiều trường hợp, điều hòa làm mát kém có lý do đơn giản là không được vệ sinh. Một số nơi lắp đặt có môi trường ô nhiễm, bụi bẩn, bám trên tấm lọc làm giảm lưu lượng gió. Một số trường hợp bụi bẩn còn làm tắc ống thoát nước trên dàn lạnh, gây rò rỉ nước. Người dùng có thể tự vệ sinh đơn giản với dàn lạnh trước. Nếu vẫn không khắc phục được vấn đề, có thể gọi thợ dịch vụ từ hãng sản xuất hoặc dịch vụ có uy tín để xử lý triệt để.

Dùng vật liệu rẻ tiền rồi báo giá cao

Theo ông Nguyễn Xuân, chủ một cửa hàng điện máy trên phố Nguyễn Trãi (Hà Nội), người dùng thường kiểm tra kỹ điều hòa trước khi lắp đặt nhưng lại quên các vật tư như ống đồng hay dây điện. Nếu không phải thợ từ chính hãng hoặc cửa hàng, hệ thống điện máy lớn, người dùng cần lưu ý xem xét kỹ chất lượng và giá của các loại vật tư này. "Trong nhiều trường hợp, họ có thể tận dụng ống đồng từ dự án cũ, đã qua sử dụng khiến chất lượng bị suy giảm. Một số còn dùng ống đồng không nguyên chất, làm giảm khả năng làm lạnh nhưng vẫn kê khai giá như loại chất lượng tốt", ông Xuân cho biết. Ngoài ra, việc sử dụng dây điện kém chất lượng cũng gây nguy cơ về cháy nổ trong quá trình sử dụng, nhất là những ngày nắng nóng.

Các chuyên gia cũng cho biết người dùng còn có thể gặp rủi ro nếu thợ không giỏi chuyên môn, khiến quá trình lắp bị sai sót như bơm không đủ áp suất gas, không hút chân không hoàn toàn, ảnh hưởng hoạt động thiết bị sau này. "Điều hòa của tôi cứ bật khoảng 10-15 phút là lại tự tắt. Gọi thợ vào kiểm tra họ báo hỏng bo mạch, thay mới mất 1,5 triệu đồng", chị Minh Thu ở TP Thủ Đức, TP HCM kể. Tuy nhiên, sau đó chồng chị mượn điều khiển từ hàng xóm dùng thử thì mọi thứ bình thường. "Nguyên nhân được xác định là điều khiển cũ bị lỗi, tự bật chế độ hẹn giờ tắt", chị cho hay. Theo ông Tiến Minh, đây cũng là tình huống một số người gặp phải gần đây do điều khiển bị rơi hoặc lỗi khiến chức năng không hoạt động đúng. "Đáng lẽ chỉ cần thay pin hoặc thay điều khiển mới giá khoảng 150.000 đồng, thợ lại báo hỏng mạch với chi phí thay thế gấp 10 lần", ông nói.

Theo ViệtQ

Link gốc : https://vietq.vn/canh-giac-truoc-nhung-chieu-tro-truc-loi-cua-tho-sua-dieu-hoa-trong-mua-he-nang-nong-d211256.html

Bạn đang đọc bài viết Cảnh giác trước những chiêu trò trục lợi của thợ sửa điều hòa trong mùa hè nắng nóng tại chuyên mục Tiêu dùng thông minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng thông minh