Doanh nghiệp "kêu cứu"?
Liên quan đến giống lúa ST25, vừa qua, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (Sóc Trăng) đã có đơn gửi Cục Quản lý thị trường, Chi chục Trồng trọt chăn nuôi và Thanh tra Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn 1 số tỉnh thành về việc sản xuất giống lúa ST24, ST25 giả trên thị trường.
Theo đó, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cho biết, đơn vị này hiện đang là chủ sở hữu giống lúa thuần ST24 và ST25 đã được Cục Trồng trọt cấp quyết định bảo hộ. Hiện doanh nghiệp đã chuyển giao công nghệ sản xuất và quyền sử dụng không độc quyền 2 giống lúa nêu trên cho DNTNTM-DV Hồ Quang (số 25, đường tỉnh 934, ấp Thạnh Lợi, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng).
Văn bản của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí |
Cụ thể, 2 giống lúa ST24 và ST25 đều là lúa thơm đặc sản, có giá trị kinh tế cao và đạt đẳng cấp thế giới (giống lùa ST24 đã 3 lần được vinh danh vào Top 3 gạo ngon nhất thế giới 2017, 2018, 2019), giống lúa ST25 đạt giải Gạo ngon nhất thế giới 2019.
Do đạt giải cao, nên cả 2 giống trên đêu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đặc cách năm 2019.
“Bắt được thị hiếu của nông dân và thị trường gạo, hai giống trên đều được làm giả. Đặc biệt là giống lúa ST25 mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký công nhận ngày 31/12/2019 nên chúng tôi vẫn chưa chuẩn bị giống hợp quy chuẩn để cung ứng cho thị trường mà chỉ sản xuất thử lúa lương thực có bao tiêu thông qua hợp đồng có liên kết với nông dân”, văn bản của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí nêu rõ.
Để tránh thiệt hại chung cho xã hội, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đề nghị có sự quan tâm kiểm tra xử lý của các cơ quan chức năng. Thậm chí, nếu cần, doanh nghiệp này có thể đến tận nơi để phối hợp xử lý hàng hoá giả mạo.
Nhìn nhận một cách khách quan để thấy rằng, gạo được làm ra từ lúa, nhưng việc xuất hiện lúa giống giả trên thị trường có đồng nghĩa với việc tất cả gạo trên thị trường là giả hay không?
Và quan trọng hơn nữa, chính là việc doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí khẳng định, đã chuyển giao công nghệ sản xuất và quyền sử dụng không độc quyền 2 giống lúa ST24, ST25 cho DNTNTM-DV Hồ Quang, có đồng nghĩa với việc chỉ có gạo ST24, ST25 do doanh nghiệp này phân phối mới là hàng "chính chủ", "hàng thật"...?
Cần phải minh bạch những nội dung này, để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, từ đó đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của hàng nghìn hộ nông dân nhỏ lẻ đang trồng lúa, bán gạo....
Chỉ bảo hộ tên giống lúa "ST25"?
Theo tìm hiểu của PV, 2 giống lúa ST24 và ST25 thuộc dòng lúa thơm “ST” do kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua (cha của ông Hồ Quang Trí, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí) lai tạo và cải tiến trong vòng 20 năm.
Giống lúa ST24 hiện nay đã được trồng đại trà, không chỉ tại các tỉnh miền Tây, mà còn ở một số khu vực miền Trung và miền Bắc với số lượng khá lớn. Trong khi đó, giống lúa ST25 được doanh nghiệp này kinh doanh từ năm 2017 dưới hình thức bán lẻ, không thương hiệu.
Gạo ST25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới năm 2019. |
Tháng 11/2019, tại Hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11 diễn ra ở Manila (Philippines), giống gạo ST25 đã xuất sắc vượt qua nhiều giống gạo của các nước khác và lần đầu tiên giành Giải Nhất cuộc thi gạo ngon thế giới 2019. Sau khi giành kết quả nói trên, giống lúa ST25 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký công nhận đặc cách ngày 31/12/2019.
Ngày 6/3/2020, giống ST25 đã được Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cấp Quyết định bảo hộ số 45/QĐ-TT-VPBH.
Đến ngày 6/4/2020, Cục Trồng trọt cấp số bằng 21.VN.2020 (tên giống lúa ST25; Thuộc loài Lúa-Oryza sativa L; Tác giả giống cây trồng: Hồ Quang Cua và đồng tác giả Trần Tuấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương) cho Chủ sở hữu là Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, với thời hạn bảo hộ là 20 năm.
Vậy, với thời hạn bảo hộ 20 năm này, Chủ sở hữu là Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cụ thể được bảo hộ nội dung gì?
Hiện nay, trên thế giới, không có luật bảo hộ thương hiệu giống cây trồng vì cây là của tự nhiên, không thuộc của riêng ai. Cụ thể, giống lúa ST25 thuộc Loài Lúa-Oryza sativa L…, có nghĩa là nhóm tác giả đã lai tạo thành công giống lúa này trên nền tảng của Loài Lúa Oryza sativa L…mà Loài Lúa Oryza sativa L… hiển nhiên là của tự nhiên.
Do đó, bằng bảo hộ mà Cục Trồng trọt cấp cho Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí không phải là bảo hộ độc quyền thương hiệu giống lúa ST25, mà chính xác là bảo hộ tên giống lúa "ST25" (bảo hộ quyền tác giả).
Như vậy, có thể kết luận: Giống cây trồng là của tự nhiên; Không ai được độc quyền thương hiệu giống cây trồng; Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí chỉ được bảo hộ quyền tác giả với giống lúa ST25...
Nên: Mọi cá nhân, tổ chức được quyền trồng giống lúa ST25, được quyền bán gạo ST25. Việc sản xuất lúa giống ST25 giả trên thị trường chỉ là một "góc tối" nhỏ mà thôi, không thể quy chụp gạo ST25 hiện nay (trừ Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí phân phối) thì còn lại đều là gạo giả.
Chưa kể, mới đây trong cuộc trao đổi với PV, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định, hiện Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí chưa đăng kí bảo hộ nhãn hiệu ST25.
“Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được xác lập khi dựa trên quyết định cấp văn bằng bảo hộ, do đó mặc dù doanh nghiệp đã sử dụng nhãn hiệu ST25 trên thị trường, nhưng nếu không nộp đơn đăng kí nhãn hiệu và Cục Sở hữu trí tuệ cũng chưa có quyết định cấp, thì doanh nghiệp đó chưa có quyền gì đối với nhãn hiệu ST25”, vị này nói.
Vì Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí chưa đăng kí bảo hộ nhãn hiệu ST25, nên thực chất dù được bảo hộ quyền tác giả giống lúa ST25, song trên thực tế doanh nghiệp này chưa có quyền gì đối với nhãn hiệu ST25. Hàng ngàn hộ nông dân nhỏ lẻ được quyền nhân giống lúa ST25, được quyền trồng giống lúa ST25 và được quyền bán gạo ST25.
Những bất cập liên quan đến lúa giống ST25, gạo ST25...Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong những bài viết tiếp theo.
Phúc Lâm (Theo Sở Hữu Trí Tuệ)