Tăng cường cung ứng hàng hoá thiết yếu
Ngày 8/7, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) ký văn bản hỏa tốc đề nghị doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối tăng cường cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Theo đó, đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã bên cạnh các điểm bán hàng hiện có, tiếp tục mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động (theo đúng quy định của pháp luật) tại các khu đông dân cư để kịp thời phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Đồng thời, có phương án mở các điểm bán hàng mới trong trường hợp cơ sở phân phối bị đóng cửa do có ca nhiễm Covid-19 phục vụ người tiêu dùng cả trong điều kiện bình thường hay cách ly, giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, ông Trần Duy Đông đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động liên hệ với sở Công Thương TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam để xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp (phải cách ly, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16).
Siêu thị chỉ mới đáp ứng 30% lượng hàng hóa cho thị trường, 70% còn lại vẫn phụ thuộc vào chợ truyền thống, chợ đầu mối |
"Dự trữ, chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu trong hệ thống đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân theo mức độ cao nhất của dịch Covid-19", công văn nêu rõ.
Bên cạnh đó, Vụ cũng yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục tăng cường thực hiện các phương thức bán hàng trực tuyến để phục vụ tối đa nhu cầu nhân dân trong điều kiện dịch bệnh phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội.
Đồng thời, để đảm bảo vận chuyển thông suốt hàng hóa thiết yếu, doanh nghiệp cần có phương án tổ chức đội xe, lái xe đảm bảo an toàn dịch bệnh để ra, vào vùng dịch theo đúng quy định của ngành y tế và giao thông vận tải.
Đề nghị các Bộ, ngành chung tay tháo gỡ khó khăn
Chiều cùng ngày, Thứ trưởng bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã ký Công văn hỏa tốc đến bộ Y tế và bộ Giao thông vận tải, đẩy mạnh phối hợp với các Bộ, ngành để tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu.
Cụ thể, công văn nêu rõ việc đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố có dịch khác ở phía Nam (trong điều kiện phải cách ly, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16), bộ Y tế, bộ Giao thông vận tải đã ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn hoạt động vận chuyển hàng hóa góp phần quan trọng tạo điều kiện cho việc vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa để phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Nguồn cung tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang gặp nhiều khó khăn |
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, qua theo dõi, chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong hoạt động này, bộ Công Thương nhận được báo cáo của sở Công Thương TP.HCM, một số địa phương (Lâm Đồng, Tiền Giang, Cần Thơ…) và một số doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường hiện còn một số khó khăn, vướng mắc làm chậm việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu như sau:
Quy định tại Công văn số 5389 của bộ Y tế về việc tiếp nhận đối với người từ TP. HCM về địa phương yêu cầu “Tất cả người về từ TP.HCM phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong vòng 7 ngày kể từ ngày về địa phương”, đã gây khó khăn cho một số đơn vị phân phối của TP.HCM có nguồn hàng nằm ở tỉnh lân cận và ảnh hưởng chuỗi cung ứng hàng hóa khác của các hệ thống phân phối.
Hoạt động kiểm tra kiểm soát phòng chống dịch Covid 19 tại các trạm thu phí, chốt, trạm kiểm soát còn diễn ra tình trạng ùn tắc kéo dài dẫn đến xe vận chuyển hàng hóa cung cấp cho TP. HCM và các tỉnh phía Nam bị chậm, hàng hóa giảm phẩm cấp, hỏng, không kịp giao hàng.
Nguyên nhân của vướng mắc trên do công tác xét nghiệm chưa có sự điều phối, thống nhất giữa TP. HCM và các tỉnh dẫn đến kéo dài thời gian lấy Giấy chứng nhận tại các điểm xét nghiệm; Việc yêu cầu kết quả âm tính của lái xe khi vào TP.HCM gây tăng chi phí bán hàng, thời gian dẫn đến tăng chi phí bán hàng của doanh nghiệp; Tình trạng bị động trong công tác điều phối xe vận chuyển hàng hóa do khâu kiểm soát Giấy chứng nhận âm tính thủ công gây ùn tắc hàng hóa, không đảm bảo quy định 5K..
Để tháo gỡ nhưng khó khăn nêu trên, bộ Công Thương đề nghị bộ Y tế quy định, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và thống nhất với các tỉnh, thành phố về địa điểm xét nghiệm Covid 19, bổ sung các điểm xét nghiệm nhanh tại các chốt, trạm kiểm soát.
Nghiên cứu, xem xét, thống nhất yêu cầu xét nghiệm nhanh (thời gian hiệu lực 3 ngày) cho phép các lái xe, phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu và người áp tải đi về trong ngày phục vụ chương trình bình ổn thị trường tại TP. HCM và các tỉnh Phía Nam để các địa phương, doanh nghiệp cùng thực hiện.
Yêu cầu bộ Giao thông vận tải phối hợp với bộ Công an có phương án rút ngắn thời gian phương tiện vận chuyển và người áp tải hàng hóa (khi có đầy đủ giấy tờ phòng chống dịch theo quy định) làm các thủ tục kiểm tra tại các chốt, trạm kiểm soát.
Bên cạnh việc tạo "luồng xanh" có phương án tạo luồng “ưu tiên đặc biệt” để các phương tiện vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu giữa các địa phương thuộc Chương trình Bình ổn thị trường (trong và ngoài vùng có dịch), được lưu thông nhanh nhất, kịp thời phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Trước đó, tại cuộc họp khẩn của bộ Công Thương vào chiều 7/7, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã nêu thực tế tại TP.HCM, chợ đầu mối và các chợ truyền thống đang giữ vai trò chủ đạo, với 70% lượng hàng hóa cung ứng cho toàn thành phố.
Khi các chợ này đóng cửa sẽ tác động và gây áp lực đáng kể cho cho các trung tâm thương mại, siêu thị vốn chỉ đáp ứng được 30% lượng cung ứng hàng hóa. Do đó, việc mở các điểm bán lưu động sẽ giúp giảm áp lực cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang bị quả tải.
Theo Người Đưa Tin