Bên cạnh sản lượng trái chín đang ít dần thì việc các bên liên quan tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ ngoài Trung Quốc đã giúp giá loại trái cây này tăng đột biến.
Sau khi được nhiều thương lái liên tiếp tìm đến vườn hỏi mua, sáng 18/2, anh Trương Bá Toàn thôn Xuân Điền, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc đã bán 900 tấn thanh long trong vườn. Mấy ngày trước, anh chỉ ước lứa thanh long này có thể bán với giá khoảng 10.000 đồng/kg để mong huề vốn thì nay thương lái hỏi mua với giá đến 15.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Thuận, giá thanh long đã liên tục tăng mạnh, lên đến gấp 3 lần so với cách đây mấy ngày. |
Anh Toàn chia sẻ: “Tôi cảm thấy hết sức may mắn. Vì giá thanh long này thì không ai có thể canh trước được. Thậm chí lứa này trước đó tôi chuẩn bị tinh thần là bán với giá rất thấp, chứ không nghĩ lại được giá như vậy".
Từ ngày 16/2 đến nay, giá thanh long tại Bình Thuận liên tiếp tăng chóng mặt. Trước đó 3 ngày, nhiều chủ vườn còn lo lắng vì trái chín đỏ cây nhưng không ai mua thì nay giá đã lên gấp ba lần, từ 5.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg, thậm chí là 18.000 đồng/kg với loại tốt.
Chị Nguyễn Thị Hiền – một thương lái thu mua tại huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Giá chỉ tăng 2 - 3 hôm nay. Từ 5.000, 6.000 đồng rồi mỗi ngày lên hai ba giá. Cứ hôm trước hỏi mua một giá hôm sau lại tăng gấp đôi”.
Sáng 18/2, anh Trương Bá Toàn thôn Xuân Điền, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc đã bán 900 tấn thanh long trong vườn |
Theo ghi nhận, nguồn thanh long đang chín tại Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc đã giảm đáng kể so với trước đó. Sản lượng ít, trong khi nhu cầu của các thương lái đang rất cao khiến giá thanh long tăng đột biến.
Ngoài ra, theo ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận, trong thời gian giao thương với phía Trung Quốc gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì địa phương đã chủ động mở thị trường tiêu thụ.
Từ đầu tháng 2/2019 đến nay, trái thanh long Bình Thuận đã tiếp cận được với thị trường các nước như: Ấn Độ, Singapores, Canada, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất…cũng giúp cho giá thanh long tăng mạnh.
Tỉnh Bình Thuận cũng đã kết nối với các đơn vị phân phối để thúc đẩy sản lượng tiêu thụ trong nước nhằm tìm đầu ra ổn định cho loại trái cây này, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc./.
Theo VOV.VN