Hà Nội, Thứ Tư Ngày 04/12/2024

Na Uy sẽ không cạnh tranh thương hiệu hải sản với Việt Nam

Đỗ Hiền - ViệtQ 19:50 01/03/2023

Hôm qua 28/2/2023, Hội thảo Na Uy - Việt Nam: Cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã diễn ra.

Hôm qua 28/2/2023, Hội thảo Na Uy - Việt Nam: Cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã diễn ra. Hội thảo do Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Đây được coi là dấu ấn quan trọng trong hơn 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971.

Hội thảo Việt Nam - Na Uy: Cơ hội hợp tác trong nuôi trồng và xuất khẩu thủy hải sản.

Tham dự hội thảo có sự góp mặt của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy Erling Rimestad và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, và các quan chức bộ, ban, ngành, đại diện doanh nghiệp 2 nước.

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Erling Rimestad nói: "Na Uy và Việt Nam cùng quan tâm tới phát triển công bằng và bền vững nghề cá và ngành thủy sản trong bối cảnh các thách thức toàn cầu đang gia tăng, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Đổi mới công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng để đảm bảo thành công. Nhiều cơ hội mới cũng mở ra từ đây để làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác truyền thống của chúng ta".

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy - ông Erling RimestadErling Rimestad.

Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken cho biết: "Na Uy tự hào về quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản, nuôi trồng thủy sản và hàng hải”.

Trên cơ sở đó, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của NSC Ông Asbjørn Warvik Rørtveit cũng nhấn mạnh: Cốt lõi của ngành nuôi trồng thủy sản Na Uy là sự kết hợp giữa kiến thức truyền thống và khoa học hiện đại, coi bảo vệ môi trường là tiêu chí quan trọng". “Trong năm 2023, Hội đồng Hải sản Na Uy sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại tại Việt Nam. Bất cứ nhà nhập khẩu nào của Việt Nam cũng có thể đăng ký sử dụng thương hiệu Seafood from Norway cho các sản phẩm của mình”.

Phân tích về điểm tương đồng giữa thủy sản giữa hai nước và tiềm năng phát triển, đại diện Hội đồng Hải sản Na Uy nhấn mạnh, hai nước Việt Nam và Na Uy đều có điểm chung là đường bờ biển dài tương tự nhau. Na Uy và Việt Nam đều là những quốc gia xuất khẩu thủy hải sản hàng đầu thế giới. Na Uy là quốc gia có ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tiên phong thế giới với các giá trị cốt lõi là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường song song với việc không ngừng nâng cao giá trị kinh tế và uy tín của thủy sản quốc gia trên toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và có trách nhiệm. Do vậy, Na Uy có nhiều bài học hữu ích trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành để chia sẻ với Việt Nam nhằm giúp các hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững hơn và phát thải carbon thấp hơn”.

Trong bài phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự hỗ trợ của Na Uy dành cho Bộ NN&PTNT, đặc biệt ngành thủy sản trong hơn 30 năm qua, từ xây dựng khung pháp lý, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và nâng cao năng lực. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: "Hội thảo lần này là cơ hội để hai bên làm sâu sắc hơn quan hệ song phương trong lĩnh vực nuôi biển công nghiệp và thúc đẩy thương mại thủy sản, hiện thực hóa các lĩnh vực hợp tác nêu trong Ý định thư mà hai Bên đã ký vào tháng 5/2021".

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - ông Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội thảo.

Cũng tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng đã cập nhật những thông tin về thành tựu trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm vừa qua; đồng thời chia sẻ những chính sách, chiến lược, định hướng phát triển ngành thủy sản Việt Nam nhằm phát triển hiệu quả, bền vững ngành công nghiệp nuôi biển trong những thập kỷ tới.

Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT Trần Đình Luân cho biết, Việt Nam trong thời gian tới muốn chuyển đổi từ mô hình nuôi trồng thủy sản truyền thống sang nuôi trồng thủy sản theo quy mô công nghiệp, chú trọng đến chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường tiêu thụ. Ông bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm của Na Uy trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm nuôi biển công nghiệp của Việt Nam từ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu cá hồi của Na Uy.

Năm 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản tại Việt Nam tăng 4,1% so với năm 2021; tổng sản lượng đạt 9,026 triệu tấn, tăng 2,7% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với năm 2021, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu sản phẩm thủy sản lớn thứ 3 trên thế giới.

Bạn đang đọc bài viết Na Uy sẽ không cạnh tranh thương hiệu hải sản với Việt Nam tại chuyên mục Tiêu dùng thông minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng thông minh