Các nghiên cứu cho thấy, trên thế giới, ngành giao thông vận tải tiêu thụ trên 55% lượng nhiên liệu dầu mỏ và phát thải ra khoảng 25% tổng lượng CO2 toàn cầu. Trong đó, tỷ lệ này từ các phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 17%. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong lĩnh vực giao thông vận tải, xe điện được đánh giá có ưu thế hơn cả bởi loại phương tiện này không phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, hiệu suất sử dụng năng lượng cao, dễ tích hợp các tính năng hỗ trợ lái xe hiện đại, xe tự lái.
Thị trường xe điện thế giới những năm qua đã có bước nhảy vọt. Năm 2021 số lượng xe điện là 17 triệu xe, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019. Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8 năm 2022 cả nước đã có gần 3 nghìn ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với lượng ô tô điện của năm 2019. Đến nay, cả nước cũng có gần 1,8 triệu mô tô - xe máy điện hoạt động, phục vụ nhu cầu dân sinh hàng ngày.
Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của xe điện, một vấn đề quan trọng được đặt ra là làm sao để đảm bảo an toàn phương tiện trong quá trình nạp năng lượng. Việc xây dựng các trụ sạc, trạm sạc theo tiêu chuẩn nào để đảm bảo an toàn cũng là một vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.
Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ GTVT) cho hay, trách nhiệm ban hành quy định quản lý, quy chuẩn/tiêu chuẩn về hệ thống trạm sạc thuộc về Bộ Công thương. Theo Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, khi chưa có quy chuẩn/tiêu chuẩn quốc gia thì tuỳ theo công nghệ, bí quyết, quy định riêng của từng hãng, các doanh nghiệp sẽ tìm những tiêu chuẩn trên thế giới để áp dụng. Toàn bộ yêu cầu về điện, đấu nối, vận tải điện, an toàn điện, hoàn toàn đã có tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để vận hành an toàn.
Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ GTVT.
Liên quan thắc mắc về việc có cần bổ sung thêm quy chuẩn riêng cho xe điện hay không, ông Phạm Minh Thành, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho hay, xe điện tương tự như các dòng xe khác (xe xăng, diezen, CNG…) cũng phải đảm bảo các điều kiện an toàn và tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Bản chất của hai dòng xe này chỉ khác nhau về nguồn năng lượng.
Trong quá trình phát triển, khi hình thành dòng xe mới, phân loại mới thì sẽ là dòng xe tự lái, khi đó không còn vô lăng nữa. Đây là vấn đề rất đau đầu sau này sẽ quản lý thế nào. Hiện tại, Quy chuẩn 09 của Bộ GTVT ban hành đã đáp ứng được các quy định liên quan đến việc kiểm soát an toàn kỹ thuật về môi trường với xe ô tô điện. Chúng tôi đã thử nghiệm và chứng nhận được phương tiện này từ năm 2014.
Tuy nhiên, quá trình phát triển đối với xe điện quá nhanh, theo lộ trình chúng tôi sẽ đề xuất sửa đổi Quy chuẩn 09 theo hướng bổ sung thêm các quy định về công nghệ, định hướng phân loại phương tiện, công nghệ hỗ trợ tính năng lái tự động, phân loại phương tiện theo cấp độ tự động lái.
Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VINFAST cho biết, trong quá trình xây dựng trạm sạc, doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn. Đại diện doanh nghiệp cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ có quy chuẩn/tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống/thiết bị bảo vệ trạm sạc. Do đó, trong quá trình xây dựng, VINFAST phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn khác như về vấn đề pháp lý, việc hướng dẫn lắp đặt trạm sạc ở mỗi địa phương cụ thể khác nhau, nguồn điện/mức độ cung cấp điện không đồng đều… "Hiện nay, chúng tôi đang tập trung vào sản xuất trạm sạc cho ô tô điện. Với xe máy, việc sạc tại nhà đơn giản nên chưa tích hợp chung với ô tô. Trong tương lai, VINFAST sẽ phát triển trạm sạc để có thể tích hợp cả xe ô tô và xe máy điện", ông Thắng nói.