Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Giữa 'ma trận' bánh trung thu, làm sao chọn được hàng chuẩn?

TDVN 09:34 15/08/2021

Những năm trở gần đây, thị trường xuất hiện nhiều loại bánh trung thu thủ công với nhiều hình thức bắt mắt và có giá thành rẻ hơn bánh trung thu truyền thống.

Đa dạng mẫu mã, chủng loại

Dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết trung thu nhưng ngay tại thời điểm này, trên thị trường đã tràn ngập các loại bánh nướng, bánh dẻo với rất nhiều kiểu dáng phong phú. Ngoài những mẫu bánh trung thu truyền thống còn xuất hiện nhiều loại bánh mới, nhân bánh đa dạng và hương vị độc đáo.

Đặc biệt, tại thị trường trong nước, các sản phẩm bánh trung thu thủ công (handmade) đang nổi lên như một xu hướng (trend) thu hút rất nhiều khách mua hàng. Bánh được quảng cáo là tự làm với hình thức bắt mắt, kiểu dáng phong phú, chất lượng và hương vị mới lạ do đặt làm theo yêu cầu. Hơn hết, bánh trung thu handmade được người tiêu dùng ưa chuộng bởi giá thành rẻ hơn bánh trung thu truyền thống.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, trên một số trang thương mại điện tử, “sàn” bánh trung thu online (trực tuyến) cũng đã khởi động. Nhiều website đang rao bán sản phẩm bánh trung thu với mức giá từ 175.000 đến 250.000 đồng/hộp và ít hẳn các sản phẩm cao cấp tiền triệu như vài năm trước. Đa số những sản phẩm này là bánh làm thủ công (handmade). Bên cạnh bánh đó, bánh trung thu mini nội địa nước ngoài được quảng cáo có giá chỉ từ 2.300 - 3.500 đồng/chiếc "làm mưa, làm gió" trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Trên thực tế, loại bánh gán mác hàng “nội địa”, xách tay đã xuất hiện khá nhiều ở thị trường trong nước. Đặc biệt, mặt hàng này thường được rao bán nhộn nhịp trên mạng xã hội trước mỗi dịp Tết trung thu. Có thể kể đến bánh trung thu nhân trứng chảy từng được nhiều tín đồ “săn lùng” vào dịp Tết trung thu năm ngoái bởi giá bán cực rẻ. Được quảng cáo là “cực phẩm nhân gian” nhưng mức giá chỉ từ 80.000 - 100.000 đồng là có thể mua về 6 chiếc bánh trung thu trứng chảy nội địa Hàn Quốc và rẻ hơn nhiều khi mua bằng kilogam, như nội dung các chủ hàng quảng cáo trên Facebook.

Bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, thích sự mới lạ và “sính” các loại bánh tự làm nên bánh trung thu “handmade” và bánh trung thu gắn mác “nội địa” (thực chất có nguồn gốc từ nước ngoài) vẫn luôn là mặt hàng bán rất chạy. Ngoài ra, nhiều người còn có thể tự do đặt bánh trung thu qua mạng xã hội với yêu cầu từ hình thù đến nhân bánh, hương vị... Điểm chung của các loại bánh này là kiểu mẫu đẹp, bắt mắt, giá thành rẻ... Còn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thì vẫn là “ẩn số” vì các sản phẩm này chưa được quản lý một cách chặt chẽ.

Nhiều loại bánh trung thu handmade được rao bán trên sàn thương mại điện tử Shopee.

Bên cạnh đó, lợi nhuận từ việc sản xuất, kinh doanh bánh trung thu là không nhỏ nên ngày càng xuất hiện nhiều cá nhân, cơ sở chế biến và cung cấp loại thực phẩm này. Đáng chú ý, nhiều người tự tay chế biến các loại bánh trung thu rồi bán qua mạng xã hội nên rất khó để kiểm định hay đánh giá chất lượng sản phẩm. Vì là thế giới “ảo” nên không loại trừ khả năng có những cơ sở sản xuất bánh sử dụng phẩm màu, chất phụ gia, nguyên liệu giá rẻ thậm chí là nhập lậu các sản phẩm bánh không rõ nguồn gốc để buôn bán.

Người tiêu dùng cần cẩn trọng

Theo cảnh báo từ các chuyên gia thực phẩm, hiện có một số loại nguyên liệu, nhân bánh làm sẵn đang được bán ở các khu chợ, cửa hàng bánh không được kiểm soát. Đây cũng chính là vấn đề đáng lo ngại cho người tiêu dùng. Điều nguy hiểm là các chất phụ gia, phẩm màu, chất bảo quản nếu sử dụng quá liều lượng có thể gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, đau bụng... nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.

Theo quy định của Bộ Y tế, bánh trung thu không thể bảo quản ở điều kiện thông thường trong thời gian dài. Việc sản xuất và kinh doanh bánh trung thu nói riêng và các loại hàng hóa, thực phẩm khác nói chung là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Kể cả nhà sản xuất hay cơ sở kinh doanh, buôn bán đều phải tuân thủ nghiêm ngặt điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, với các loại bánh được bảo quản sơ sài, người tiêu dùng có quyền đặt nghi vấn về chất lượng sản phẩm cũng như khâu kiểm soát của cơ quan chức năng.

Thực tế càng chứng minh những rủi ro, nguy cơ từ các loại bánh trung thu "dởm". Bởi vào thời điểm Tết trung thu năm 2020, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5 thuộc Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an Quận Hai Bà Trưng đã tạm giữ 1.000 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất, đang được tập kết ở số nhà 301 Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng. Tất cả sản phẩm này đều không có hoá đơn chứng từ và có nghi vấn về chất lượng.

Không chỉ tại Hà Nội, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh cũng tiến hành thu giữ 6.200 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ bên trong các tải dứa. Toàn bộ số bánh không có bất cứ giấy tờ của cơ quan quản lý chuyên ngành chứng minh đủ điều kiện về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, hàng hóa đều do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài.

Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Tụ, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng bán hàng online (trong đó có bán bánh trung thu online) mà ngành chức năng chưa kiểm soát được. Vị này khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng khi chọn lựa để có được sản phẩm chất lượng, an toàn.

Người dùng cần chú ý các tiêu chí như nhãn mác, sản phẩm phải ghi nguồn gốc rõ ràng gồm tên nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng và bảo quản... Sản phẩm có ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, tốt nhất là sử dụng sản phẩm mới xuất xưởng. Về chất lượng, lựa chọn sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không có mùi khác lạ. Ngoài ra, người dân tuyệt đối không ăn bánh quá hạn để không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Còn theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, việc bánh trung thu online giảm giá ồ ạt dù chưa đến ngày Rằm Trung thu xảy ra thời gian qua chỉ là chiêu trò. Cụ thể, người bán lợi dụng tính ham rẻ, thích hàng khuyến mãi của người tiêu dùng Việt để nâng giá lên cao vút rồi giảm.

Không ít mặt hàng bánh trung được gán mác "nội địa" nhưng bản chất lại là sản phẩm từ nước ngoài, rất khó để truy xuất nguồn gốc và chất lượng.

Ông Phú cho biết: “Không bao giờ có chuyện bánh trung thu giảm giá tới 50% khi chưa đến Rằm. Mọi năm thời điểm này thị trường bắt đầu sôi động, các nhà sản xuất tập trung đẩy mạnh bán hàng và giữ giá. Đối với người tiêu dùng mà lựa chọn những sản phẩm này tôi cho rằng họ rất kém tinh tế”. Ngoài ra, ông Phú cho rằng có rất nhiều loại bánh rao bán tràn lan trên mạng được gắn mác giảm giá tới 50 - 60% đều là các sản phẩm gia công, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đăng kí kinh doanh, không có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Phú nhận định, việc bánh trung thu kém chất lượng tràn lan trên mạng xã hội là trách nhiệm của Quản lý Thị trường. Cũng theo ông, để hạn chế việc bán hàng kiểu này phải tăng cường kiểm tra tận gốc, nơi sản xuất để tránh hàng giả, hàng nhái được đưa ồ ạt ra thị trường.

Bánh trung thu đảm bảo chất lượng phải tuân theo tiêu chuẩn nào?

Năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đối với bánh trung thu gồm bánh nướng (TCVN 12940:2020) và bánh dẻo (TCVN 12941:2020).

Theo tiêu chuẩn quốc gia kể trên, đối với bánh trung thu, việc sử dụng đường phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong TCVN 6958 (tiêu chuẩn áp dụng cho đường tinh luyện sản xuất trực tiếp từ mía, từ đường thô hoặc các nguyên liệu khác), hoặc TCVN 7968 (tiêu chuẩn áp dụng cho các loại đường dùng được sử dụng mà không cần chế biến tiếp theo, bao gồm các loại đường được bán trực tiếp cho người tiêu dùng và đường được sử dụng như là thành phần trong thực phẩm) CODEX STAN 212;

Bột mì phải đáp ứng quy định trong TCVN 4359 (CODEX STAN 152) áp dụng cho bột mỳ sử dụng trực tiếp làm thực phẩm, được chế biến từ hạt lúa mì thông thường; dầu ăn phải đáp ứng quy định trong TCVN 7597:2018. Đồng thời, các nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật và thực vật được sử dụng để làm nhân bánh trung thu (đậu, hạt sen, nấm, mỡ lợn, thịt, thủy sản, trứng, mật ong...) phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm...

Theo TS. Ngô Thị Ngọc Hà – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, các tiêu chuẩn quy định theo Tiêu chuẩn Việt Nam sẽ giúp cơ sở sản xuất có căn cứ để công bố sản phẩm theo quy định nêu trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm; giúp cơ quan quản lý có căn cứ để kiểm soát sản phẩm và giúp người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm có chất lượng thích hợp. Thông qua đó, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và quyền lợi nhà sản xuất chân chính.

Về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, các vi sinh vật và độc tố từ vi sinh vật (chủ yếu là độc tố vi nấm) là mối nguy hiện hữu trong sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo, các vụ ngộ độc bánh qua thống kê và xét nghiệm đều từ nguyên nhân này. Các nguyên liệu chế biến bánh theo Luật An toàn thực phẩm đều phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, bao gồm cả kim loại nặng.

"Trước đây, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể áp dụng cho sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo, nên việc quản lý chất lượng được vận dụng từ văn bản của các bộ chuyên ngành. Hiện nay, tiêu chuẩn quốc gia đã được công bố sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho hoạt động quản lý sản phẩm này”, TS Ngô Thị Ngọc Hà nói.

Theo VietQ

Link gốc : https://vietq.vn/giua-ma-tran-banh-trung-thu-lam-sao-chon-duoc-hang-chuan-d190028.html

Bạn đang đọc bài viết Giữa 'ma trận' bánh trung thu, làm sao chọn được hàng chuẩn? tại chuyên mục Sản phẩm dịch vụ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Sản phẩm dịch vụ