Hà Nội, Thứ Tư Ngày 09/10/2024

Kiểm soát chặt, chặn xăng dầu kém chất lượng lưu thông ra thị trường

TDVN 19:03 05/07/2021

Trước thực trạng nhiều vụ việc buôn lậu, sản xuất xăng dầu kém chất lượng, các Bộ, ngành, cơ quan cần phối hợp và có giải pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng này.

Nhiều vụ buôn lậu, làm giả xăng dầu lớn được phát hiện

Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an), đầu tháng 2/2021, dư luận rất quan tâm đến vụ án về xăng dầu xảy ra ở Đồng Nai. Trong cuộc họp ngày 18/3/2021, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng đã quyết định đưa vụ án vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng theo dõi và chỉ đạo.

Về vụ án, ngày 8/2/2021, cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố vụ án buôn lậu; sản xuất, buôn lậu hàng giả; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ… Đến ngày 31/3, cơ quan công an khởi tố 52 bị can về tội buôn lậu, 1 bị can về tội nhận hối lộ. Vật chứng thu giữ gồm 14 tàu thủy, 10 xe bồn, 13 ôtô, hàng triệu lít xăng và hóa chất pha chế xăng giả, trên 123 tỷ đồng tiền mặt, 15 sổ tiết kiệm, 91 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cơ quan công an cũng niêm phong nhiều bến thủy nội địa, hàng chục cây xăng, bồn chứa xăng, phong tỏa kê biên hàng chục tài khoản ngân hàng của các đối tượng, với số tiền phong tỏa lên tới hơn 200 tỷ đồng.

“Vụ án này cho thấy hoạt động buôn lậu diễn ra rất lâu, trên quy mô rộng, thủ đoạn tinh vi có sự tham gia của một cá nhân, tổ chức trong hệ thống, có bảo kê nên khó khăn trong phá án”, người phát ngôn Bộ Công an nhận định.

Còn theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, hiện nay, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng pha trộn, tiêu thụ xăng dầu giả, kém chất lượng tiếp tục xảy ra trên một số tuyến, địa bàn trọng điểm. Điển hình là vụ việc phát hiện pha chế xăng giả xảy ra tại Công ty TNHH TMVT xăng dầu 89, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu).

Bộ đội Biên phòng Bà Rịa-Vũng Tàu lấy mẫu vật chứng của việc pha chế xăng giả.

Cụ thể, theo thông tin từ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các lực lượng chức năng của đơn vị này đã kết thúc chuyên án triệt phá đường dây sản xuất xăng giả xảy ra tại TP.Vũng Tàu.

Trước đó, rạng sáng 31/10, lực lượng biên phòng mật phục, đột kích kiểm tra một kho hàng trên đường Phước Thắng, phường 12, TP Vũng Tàu, phát hiện trên xe bồn biển số 84C-033.72 đang bơm hút chất lỏng từ bồn dưới đất lên xe, trong xe có khoảng 2.000 lít chất lỏng và trong kho có hơn 70.000 lít chất lỏng.

Chủ kho hàng là Nguyễn Văn Nhân (sinh năm 1985, giám đốc Công ty TNHH TMVT xăng dầu 89) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, hợp pháp của hàng hóa. Bước đầu, BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định kho hàng trên là địa điểm pha trộn, làm xăng giả để tiêu thụ.

Có năm người liên quan gồm: Nguyễn Văn Nhân, Lê Văn Nguyên (sinh năm 1977, giám đốc một công ty xăng dầu ở TP.HCM), Nguyễn Minh Chiến (tài xế, sinh năm 1995, trú Cầu Ngang, Trà Vinh), Nguyễn Đình Ngọc (sinh năm 1975, trú huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Đỗ Hồng Sơn (sinh 1992, trú huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Cụ thể theo lời khai ban đầu, trước đây kho hàng trên được ông Nguyễn Văn Nhân sử dụng làm bãi đậu xe bồn, vận chuyển xăng dầu. Nhưng từ đầu tháng 9/2020, Nhân và Lê Văn Nguyên (có góp vốn trong Công ty TNHH TMVT xăng dầu 89) đã bàn bạc và thống nhất sử dụng địa điểm trên làm nơi pha chế xăng giả, đưa đi tiêu thụ.

Theo đó, xăng giả thường được pha theo tỉ lệ bảy phần xăng thật trộn với ba phần hóa chất là chất "toluene" và chất tạo màu. Hai hóa chất này được mua tại chợ Kim Biên, TP.HCM và thị xã Phú Mỹ. Từ đầu tháng 9 đến khi bị phát hiện, đường dây này đã nhiều lần pha trộn làm xăng giả và bước đầu Lê Văn Nguyên khai nhận đã bán xăng giả cho khách hàng ở Thuận An (Bình Dương) và Đồng Nai.

Không chỉ trên đất liền, thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, song buôn lậu xăng dầu trên tuyến biển của Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng vận chuyển trái phép mặt hàng xăng dầu trên biển có chiều hướng gia tăng trong dịp cuối năm.

Lợi dụng giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá xăng dầu tại các nước trong khu vực và thế giới, một số đối tượng, ngư dân hành nghề đánh cá trên biển đã biến các tàu, hầm chứa cá, nước đá… thành các khoang chứa xăng dầu với số lượng lớn nhằm trục lợi, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Theo đó, từ cuối năm 2020, tình hình buôn lậu xăng dầu trên vùng biển Tây Nam có chiều hướng tăng so với cùng kỳ. Tình trạng các chủ phương tiện đánh bắt hải sản trên biển biến tàu cá thành tàu chứa xăng dầu để trục lợi diễn ra phổ biến ở tuyến biển này. Đây được xem là một trong những thủ đoạn mới đang gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra và xử lý của các lực lượng chức năng.

Theo thống kê của Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiến hành kiểm tra, tiếp nhận, xử lý 74 vụ/77 lượt tàu trong nước, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 71/72 lượt tàu với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 1.489.300.000 đồng, tịch thu 1.484.364 lít dầu DO, bán phát tài sản tịch thu nộp ngân sách nhà nước hơn 15 tỷ đồng.

Riêng thực hiện tháng hành động cao điểm (tháng 6) về phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật, lực lượng chức năng Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện, kiểm tra và bắt giữ 3 vụ/3 tàu vận chuyển trái phép với khoảng gần 200.000 lít dầu DO không hóa đơn, chứng từ, các vụ việc đang được điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm, có nguy cơ gian lận, thất thoát, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Do đó cần có sự đánh giá cân nhắc nhiều mặt và xem xét kỹ lưỡng để đánh giá trước mắt và lâu dài.

Thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Bộ Công thương hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động: nhập khẩu xăng dầu và nguyên liệu; xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu; tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu và nguyên liệu; gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu. Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hoạt động: nhập khẩu xăng dầu và nguyên liệu; xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu; tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan xăng dầu và nguyên liệu; gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu.

Cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường. Ảnh minh họa

Thương nhân kinh doanh xăng dầu phải thực hiện các yêu cầu về quản lý đo lường, chất lượng xăng dầu theo quy định của pháp luật hiện hành trong quá trình nhập khẩu, sản xuất, pha chế, tồn trữ, vận chuyển và bán cho người tiêu dùng; chịu trách nhiệm và liên đới chịu trách nhiệm về đo lường, chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối thuộc mình quản lý.

Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm định, kiểm tra, kiểm soát các thiết bị đo lường theo quy định hiện hành của pháp luật về đo lường, quản lý chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu để điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu chất lượng, phương pháp thử phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước, tiêu chuẩn của các nước trong khu vực và quốc tế; chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp; tiến hành thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài để bảo đảm đáp ứng yêu cầu kịp thời, nhanh chóng, chính xác và thuận lợi cho công tác kiểm tra.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công thương phân tích kỹ, toàn diện xung quanh đề xuất quy định cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu nếu có hoạt động sản xuất được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục TCĐLCL) cho biết, theo quy định pháp luật, xăng dầu sản xuất, pha chế trước khi đưa vào lưu thông phải phải được chứng nhận, công bố phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; xăng dầu nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng, đánh giá sự phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước thông quan.

Xăng dầu nhập khẩu chính ngạch, xăng dầu sản xuất, pha chế (được đăng ký cơ sở pha chế theo quy định của pháp luật) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường đều được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng. Từ năm 2017 đến nay, Tổng cục TĐC (Cục QLCL, các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định) thực hiện kiểm tra về xăng dầu nhập khẩu mỗi năm hàng ngàn lô xăng dầu nhập khẩu, tổng khối lượng trên chục tỷ lít xăng dầu phù hợp QCVN được nhập khẩu đưa vào lưu thông.

Hằng năm qua kiểm tra trên thị trường các cơ quan kiểm tra, thanh tra của Ngành KH&CN từ TW- ĐP đã phát hiện các trường hợp vi phạm chất lương xăng dầu không phù hợp QCVN, tạm dừng lưu thông, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với hàng chục ngàn lít xăng dầu, phạt tiền thu nộp ngân sách hàng tỷ đồng. Thời gian gần đây, qua kiểm tra, kiểm soát lực lương chức năng đã phát hiện một số cơ sở thuộc đường dây nhập lậu, sản xuất, pha chế trái phép xăng dầu đã và đang được xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường không bảo đảm chất lượng là do xăng dầu nhập lậu hoặc do các cơ sở kinh doanh trái phép gian lận pha thêm dung môi, hóa chất vào xăng dầu. Do đó, để đảm bảo chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và có hiệu quả của các Bộ, Ngành, Ban chỉ đạo 389 quốc gia về chống hàng giả và gian lận thương mại, Chính quyền địa phương...

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đơn vị theo chức năng nhiệm vụ tăng cường công tác khảo sát về chất lượng xăng dầu và tiến hành kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm về chất lượng xăng dầu; Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các VBQPPL liên quan quản lý đo lường chất lượng xăng dầu. (Hiện đang sửa đổi bổ sung Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về TCĐLCL, sửa đổi bổ sung QCVN về xăng dầu…).

Bộ Công thương siết chặt quản lý đối với dung môi, hoá chất trong nhập khẩu, lưu thông và sử dụng để tránh việc gian lận sử dụng dung môi pha chế xăng dầu trái phép.

Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và chính quyền các địa phương tổ chức tốt công tác phòng chống buôn lậu, đặc biệt là xăng dầu; chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu về nguồn gốc hàng hóa, hóa đơn chứng từ, hợp đồng mua bán nhằm phát hiện kịp thời các cơ sở kinh doanh xăng dầu nhập lậu, xăng dầu giả… Bộ Tài chính bố trí đủ kinh phí cho hoạt động khảo sát, kiểm tra chất lượng hàng hóa nói chung và chất lượng xăng dầu nói riêng.

Theo VietQ

Link gốc : http://vietq.vn/kiem-soat-chat-chan-xang-dau-kem-chat-luong-luu-thong-ra-thi-truong-d188652.html

Bạn đang đọc bài viết Kiểm soát chặt, chặn xăng dầu kém chất lượng lưu thông ra thị trường tại chuyên mục Sản phẩm dịch vụ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Sản phẩm dịch vụ