Theo các nhà khoa học, nghiên cứu này sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR, tập trung vào 2 loại ung thư là ung thư não và ung thư buồng trứng di căn.
“Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới chứng minh được rằng phương pháp chỉnh sửa gene CRISPR, vốn hoạt động bằng việc cắt đi các DNA, có thể được sử dụng hiệu quả để điều trị ung thư ở động vật”, Giáo sư Dan Peer, chuyên gia về ung thư tại Đại học Tel Aviv cho hay.
Giáo sư Dan Peer cho biết phương pháp này không để lại tác dụng phụ và tế bào ung thư được điều trị theo cách này sẽ không bao giờ hoạt động trở lại. Phương pháp này có thể kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư và một ngày nào đó, sẽ chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân
“Nếu chúng ta có thể áp dụng công nghệ này thì chỉ trong vòng 3 lần điều trị, khối u có thể bị tiêu diệt. Công nghệ này có thể “cắt đứt” hẳn DNA trong các tế bào ung thư và những tế nào đó sẽ không thể tồn tại được. Trong tương lai, phương pháp này sẽ thay thế việc điều trị bằng hóa chất.”, Giáo sư Peer nói.
Được biết, các nhà khoa học đã thử nghiệm công nghệ này trên hàng trăm con chuột và phát hiện ra rằng những con chuột bị ung thư, nếu được điều trị theo phương pháp này, sẽ có tuổi thọ gấp đôi so với nhóm không điều trị và tỉ lệ sống sót của chúng cao hơn 30%.
Giáo sư Peer nói: “Công nghệ này cần được phát triển hơn nữa, nhưng điều quan trọng chính là chúng tôi đã chứng minh được rằng công nghệ này có thể tiêu diệt các tế bào ung thư”. Ông cho biết phương pháp này sẽ được sử dụng trên người trong 2 năm tới.
Trước đó, hồi tháng 7/2020, Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel hóa học 2020 cho hai nhà khoa học nữ Emmanuelle Charpentier và Jennifer A. Doudna đã phát hiện một trong những công cụ sắc bén nhất của công nghệ chỉnh sửa gen, đó là CRISPR/Cas9.
Trong ung thư, các gen sinh ung thư và gen ức chế khối u bị đột biến mang lại cơ hội lớn cho việc sử dụng các phương pháp điều chỉnh bộ gen. Mục tiêu cuối cùng của liệu pháp điều trị ung thư bằng CRISPR/Cas9 là loại bỏ các đột biến ác tính và thay thế chúng bằng chuỗi DNA bình thường.
Việc ứng dụng công nghệ CRISPR/Cas9 gần đây để tạo ra tế bào CAR-T nhằm tấn công các tế bào ác tính mang lại nhiều hi vọng trong các liệu pháp chữa ung thư. Từ đầu năm 2020 đã có hơn 11 thử nghiệm lâm sàng được thực hiện để đánh giá hiệu quả của hệ thống CRISPR/Cas9 trong điều trị ung thư.
Bảo Lâm