Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội thông tin, với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, đợt cao điểm sẽ diễn ra trong khoảng ngày 2/2 đến hết ngày 21/2/2021 vì đây là ngày người lao động tự do và sinh viên bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, về quê chuẩn bị Tết ông Công, ông Táo. Tiếp đó, từ ngày 10/2/2021 cán bộ công nhân viên chức, người lao động ở các cơ quan hành chính, doanh nghiệp bắt đầu đợt nghỉ Tết kéo dài 7 ngày.
Do vậy, dự kiến lượng khách qua các bến xe trong thời gian cao điểm sẽ tăng khoảng 130-150% so với ngày thường. Thậm chí, một số tuyến như Quảng Ninh, Thanh Hoá, Thái Bình, Sơn La, Lào Cai… có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ vào từng thời điểm nhưng lượng xe trên tuyến và xe dự phòng tăng cường vẫn có khả năng vận chuyển hết khách trong ngày. Trong thời gian trước Tết, lượng khách tập trung đông chủ yếu ở các tuyến đường ngắn. Sau thời gian nghỉ Tết, lượng khách lại tăng mạnh trên các tuyến đường dài như: TPHCM, Đà Nẵng, Gia Lai, Buôn Ma Thuột… tập trung tại bến xe Giáp Bát.
Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội dự kiến lượng xe dự phòng tăng cường cho cả đợt là 2.200 xe. Ngoài ra, các tuyến buýt kế cận với tần suất cao cũng làm giảm tải lượng hành khánh liên tỉnh đi các tuyến ngắn.
Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội cũng yêu cầu đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, thực phẩm và vệ sinh môi trường tại các bến xe; các bến xe hướng dẫn đăng ký giá vé cho xe tăng cường; các đơn vị nếu có tăng giá vé một chiều phải gửi đăng ký giá vé và vé trước ngày 25/1/2021.
Ở phía nam, Thông tin từ BQL Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) cho biết, để đảm bảo người dân có vé yên tâm về quê ăn Tết Nguyên đán 2021, bến xe tổ chức bán vé sớm bắt đầu từ ngày 12/1 đến 7/2 cho hành khách đi các ngày 24-28 tháng Chạp.
Bến xe Miền Đông dự báo sản lượng hành khách thông qua Bến xe Miền Đông trong dịp Tết Nguyên đán 2021 giảm 5-10% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khách cao nhất rơi vào các ngày 24 đến 29 tháng Chạp với khoảng 46.000 lượt/ngày (giảm 5.000-7.000 lượt/ngày so với cùng kỳ). Để giải tỏa khách vào những ngày cao điểm, bến xe sẽ bố trí 450 xe tăng cường với khoảng 18.355 chỗ phục vụ khách.
Về giá vé, các tuyến từ Phú Yên trở ra các tỉnh phía bắc và các tuyến thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum; các tuyến thuộc tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; các tuyến thuộc tỉnh Bình Thuận tăng không quá 60% tùy theo từng thời điểm.
Còn các tuyến Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai tăng không quá 40% so với ngày thường.
Giá vé máy bay dịp Tết Nguyên đán năm nay không tăng cao.
Với đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa tung hàng nghìn vé giảm giá 50% cho hành khách đi trên các đoàn tàu cho giai đoạn không cao điểm trước Tết từ ngày 4/1 - 29/1/2021. Sau khi giảm giá, giá vé TPHCM-Nha Trang chỉ từ 160.000 đồng/vé; TPHCM-Đà Nẵng chỉ từ 250.000 đồng/vé. Đặc biệt, giá vé TPHCM-Hà Nội chỉ từ 450.000 đồng/vé.
Theo thống kê của VNR, mặc dù mở bán vé tàu Tết từ 1/10/2021, ngành đường sắt vẫn còn khoảng 80.000 vé trên tuyến Bắc-Nam trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Với vé máy bay, hiện tại, trên các kênh bán vé máy bay trực tuyến, vẫn còn rất nhiều vé giá rẻ, dù là ngày cao điểm trước Tết (từ 9-11/2) hay sau Tết (từ 15-18/2).
Cụ thể, trên chặng Hà Nội-TPHCM, nếu muốn bay ngày 10/2 (tức 29 tháng Chạp), hành khách có thể dễ dàng mua vé của Vietnam Airlines/Pacific Airlines chỉ với giá khoảng 700.000 đồng (đã bao gồm thuế phí) cho chiều đi. Ở chiều ngược lại, trong ngày 16/2 (mùng 5 Tết), mức giá thấp nhất mà khách có thể mua cũng chỉ 1.250.000 đồng. Nếu chọn các chuyến bay do Pacific Airlines khai thác, mức giá này chỉ còn chưa tới 800.000 đồng.
Tương tự, vé của Hãng hàng không Vietjet mà hành khách phải trả cho chiều Hà Nội đi TPHCM trong ngày 29 tháng Chạp khoảng 555.000 đồng (đã bao gồm thuế phí) còn ở chiều ngược lại, giá vé vào khoảng 900.000 đồng. Tuy nhiên, vé máy bay đi đến các điểm du lịch như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang thời điểm hiện nay không rẻ, đặc biệt vào những ngày cao điểm như đi vào mùng 2 Tết (13/2) và về mùng 5 Tết (16/2).