Cơ giới hóa để phát triển nông nghiệp. |
Không chấp nhận nhìn thành quả khó nhọc của người nông dân bị đổ xuống sông xuống biển, nhiều cá nhân, tổ chức ở các địa phương thực hiện chiến dịch kêu gọi “giải cứu” nông sản như là động thái chia sẻ với người nông dân trong hoàn cảnh khó khăn này. Điều này là cần thiết và phù hợp trong thời điểm khó khăn hiện nay, giúp người nông dân giảm phần nào thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, phương án này chỉ mang tính tình thế. Thực tế cho thấy, không phải chỉ đến khi những ảnh hưởng của dịch Covid-19 mới dẫn đến ùn ứ, dư thừa hàng nông sản mà trong nhiều năm qua, việc “giải cứu” nông sản đã diễn ra ở nhiều nơi, nhiều thời điểm khác nhau khiến biện pháp giải quyết đầu ra cho nông sản thông qua “giải cứu” đã trở nên quen thuộc. Điệp khúc được mùa rớt giá đến hẹn lại tái diễn khiến nông dân ngao ngán vì dẫu sản phẩm có bán được cũng không bù đắp nổi chi phí sản xuất họ đã bỏ ra.
Tất nhiên, dịch Covid-19 cũng là một trong những tác nhân tác động xấu đến ngành nông nghiệp. Nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc ùn ứ nông sản, không tiêu thụ được là do công tác nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp của nước ta còn nhiều hạn chế. Người sản xuất thiếu thông tin hoặc không được cung cấp thông tin kịp thời, thiếu sự hướng dẫn, tư vấn, khuyến cáo của các cơ quan chức năng trong quá trình sản xuất, dẫn đến tại nhiều địa phương, nông dân vẫn sản xuất hàng hóa theo kiểu “tù mù”, theo phong trào mà không có định hướng, chiến lược cụ thể.
Theo đó, thay vì tìm hiểu thông tin thị trường, địa chỉ tiêu thụ sản phẩm rồi mới đầu tư sản xuất, thì hiện nay thấy một loại nông sản nào đó được giá bà con nông dân đổ xô vào sản xuất, dẫn đến dư thừa và thường xuyên bị các tiểu thương ép giá, buộc phải bán tống bán tháo, thậm chí đổ bỏ.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến nông sản Việt dù đã có nhiều cố gắng nhưng chưa xứng với tiềm năng, lợi thế trong đó không thể không kể đến lý do vẫn coi nhẹ khâu chế biến, vẫn chỉ đơn thuần là xuất khẩu nông sản tươi vì vậy, câu chuyện nông sản cần giải cứu vẫn cứ tái diễn. Theo Bộ NNPTNT, hiện nhiều doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng; khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm mùa vụ như rau quả, gây tổn thất sau thu hoạch. Ngoài ra, trình độ công nghệ chế biến nhìn chung ở mức độ trung bình của thế giới; sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp, chiếm khoảng 70-85%. Do vậy, Bộ NNPTNT đã đặt mục tiêu “Việt Nam phải đẩy mạnh nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp” được xác định là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản.
Trong 2 tháng liên tiếp, tháng 2 và tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì 2 hội nghị để tìm hướng đi cho nông sản. Cùng đó, để gỡ khó cho nông sản Việt trước tác động tiêu cực từ bệnh dịch thời gian qua, Bộ Công thương đã yêu cầu toàn bộ Thương vụ ở nước ngoài tổ chức ngay các hoạt động tìm kiếm, kết nối với các khách hàng mới để góp phần chuyển hướng xuất khẩu mặt hàng nông sản sang một số thị trường khác, đặc biệt là trái cây. Bộ Công thương đã lập tổ công tác đánh giá lại quy mô khối lượng ách tắc, xác định địa bàn thị trường có tiềm năng, dư địa để tìm kiếm đầu mối thúc đẩy tiêu thụ.
Điều đáng mừng là những giải pháp gỡ khó cho nông sản Việt đã phát huy hiệu quả bước đầu. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, tính đến hết 17/3 đã có 2.084 xe hàng hóa, trái cây, nông sản được thông quan qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Cùng đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, đã cử nhiều đoàn đi các nước như Mỹ, Nga, Brazil, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Nhật Bản,... để tìm kiếm thị trường cho nông sản Việt Nam. Ngành nông nghiệp đang tích cực tái cơ cấu, đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tránh phụ thuộc quá vào một thị trường nào đó.
Các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và đời sống của nông dân, nhất là tìm giải pháp hữu hiệu trong việc tìm đầu ra cho nông sản một cách bền vững, đòi hỏi các bộ, ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương phải phối hợp khắc phục những nguyên nhân đang kìm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp. Trên cơ sở đó xây dựng giải pháp căn cơ, có tính khả thi để tìm đầu ra vững chắc cho nông sản kể cả thị trường trong và ngoài nước.
Theo Đại đoàn kết