Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lợn diễn ra sáng nay (30/3), tại Hà Nội.
Khống chế thành công dịch tả lợn châu Phi
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tính đến nay, đã có 99% số xã dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã qua 30 ngày; có 41 tỉnh, thành phố không tái phát dịch. Hiện chỉ còn 106 xã (chiếm khoảng 1% tổng số xã của cả nước) của 22 tỉnh, thành phố chưa qua 30 ngày. Từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh DTLCP chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không áp dụng hoặc có áp dụng nhưng chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh phòng dịch, an toàn sinh học.
Về tình hình tái đàn lợn, theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi và thú y của các địa phương, đến ngày 10/3/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh DTLCP (khoảng 31 triệu con vào tháng 12/2018). Trong đó, đàn lợn nái còn 2,72 triệu con, bao gồm 109 nghìn con cụ kỵ, ông bà, cơ bản đáp ứng nhu cầu giống để tái đàn lợn.
Với cơ sở vật chất sẵn có và năng lực sản xuất thức ăn, chăn nuôi an toàn sinh học, từ tháng 1/2020, các địa phương đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn. Tốc độ tăng đàn bình quân 3 tháng đầu năm 2020 tăng 6,2%. Dự kiến, tổng sản lượng thịt lợn năm nay phấn đấu đạt 3,9 triệu tấn; trong quý I đạt 811 nghìn tấn; quý II đạt 950 nghìn tấn, quý III đạt hơn 1 triệu tấn và quý IV đạt 1,083 triệu tấn.
Như vậy, đến cuối quý II, đầu quý III nguồn cung từ chăn nuôi đã đáp ứng được khoảng trên dưới 90% nhu cầu thịt lợn. Đến cuối quý III và quý IV sẽ đáp ứng đủ nhu cầu như mức cao nhất tháng 12/2018 trước khi DTLCP bùng phát.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lợn. (Ảnh: VG) |
Phải giảm giá thịt lợn xuống mức hợp lý
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lợn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần triển khai các giải pháp đồng bộ để đưa giá thịt lợn xuống mức 60 nghìn đồng/kg lợn hơi vào tháng 4 này.
Vì vậy, để thực hiện được nhiệm vụ này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp, địa phương,… cần chung tay, góp sức. Trước hết, cần tập trung tăng nguồn cung thịt lợn phù hợp với nhu cầu của thị trường. Muốn vậy, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược phát triển ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn. Đồng thời, tăng mạnh đàn lợn trong thời gian tới nhưng không làm mất cân đối cung cầu, từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người chăn nuôi có kế hoạch cụ thể.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp để kiểm soát tốt dịch bệnh, đặc biệt là DTLCP khi dịch này chưa có vắc xin phòng bệnh. “Nếu chúng ta chủ quan với vấn đề này, chúng ta sẽ thất bại” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị cần xây dựng kế hoạch nhập khẩu và triển khai ngay để tăng nguồn cung, góp phần giảm giá thịt lợn. Với vấn đề này, đề nghị Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cần phối hợp để thực hiện.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu cần đảm bảo cung ứng đủ thịt lợn trong mùa dịch, không để tình trạng thiếu, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Cùng với đó, cần có giải pháp hạ giá thành chăn nuôi lợn, trước hết tái cấu trúc theo hướng công nghiệp, sản xuất theo chuỗi. Trong đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở chăn nuôi tập trung phải là chủ lực, động lực cho phát triển. Từ đó, cung cấp dịch vụ đầu vào, giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi,… Đồng thời, cần tổ chức tốt công tác về thị trường.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp cam kết, trước mắt đưa giá thịt lợn hơi từ 75 nghìn đồng/kg xuống mức 70 nghìn từ ngày 1 tháng 4/2020. Đồng thời, theo Bộ NN&PTNT, lộ trình đến cuối quý II và quý III sẽ xuống mức 65 nghìn đến 60 nghìn đồng/kg./.