Chiều 8.3, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội tiếp tục phiên họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã; xã, phường thị trấn về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi họp, lãnh đạo quận Đống Đa cho biết, tính đến thời điểm này, trên địa bàn quận không có trường hợp F0. Hiện quận Đống Đa cũng đã xét nghiệm cho các trường hợp có liên quan đến vùng dịch và nguy cơ mắc COVID-19.
Về các giải pháp để đảm bảo công tác phòng chống dịch, lãnh đạo quận Đống Đa thông tin, đơn vị tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân thực hiện đúng các yêu cầu phòng dịch cần thiết. Đồng thời tích cực triển khai, yêu cầu các cơ quan đơn vị, người dân khai báo y tế thông qua phần mềm QR- Code.
“Các tổ COVID-19 cộng đồng của quận tiếp tục hoạt động, giám sát người từ vùng dịch, người nước ngoài sinh sống trên địa bàn quận. Tiếp tục duy trì tạm dừng hoạt động các hàng quán karaoke, quán bar, di tích đền chùa và có xử lý 1 quán karaoke cố tình hoạt động trên địa bàn dù chưa được phép”, lãnh đạo quận Đống Đa cho hay.
Cùng với các giải pháp trên, quận Đống Đa cũng tăng cường xử lý vi phạm giao thông, hàng ăn, hàng quán vỉa hè, các khu vực phát sinh đều được xử lý kịp thời.
Tiếp đó, ông Trương Quang Việt – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cho biết, bắt đầu từ sáng mai (9.3), hoạt động tiêm vaccine bắt đầu diễn ra tại bệnh viện Thanh Nhàn và ưu tiên tiêm cho các cán bộ, nhân viên y tế thuộc nhóm có nguy cơ cao.
Ông Việt cho biết, tổng số lượng vaccine tiêm cho Hà Nội trong đợt 1 là hơn 8.000 liều, Sở Y tế đang đề xuất chuyển từ kho trung ương về kho lưu trữ Hà Nội để chủ động hoạt động tiêm chủng. Theo ông Việt, đến nay, CDC Hà Nội mới nhận được danh sách của 10 đơn vị y tế, TTYT trên địa bàn.
Do đó, ông Việt đề nghị các đơn vị khác thuộc nhóm ưu tiên tiêm vaccine đợt 1 khẩn trương gửi danh sách để sớm tiến hành tiêm vaccine.
Kết luận cuộc họp, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng BCĐ đánh giá cao sự vào cuộc của BCĐ, các địa phương trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua cũng như việc tập trung điều kiện để các hoạt động trở lại bình thường trong tình hình mới.
Ông Dũng nhận định, dịch bệnh trên thế giới tiếp tục gia tăng, tình hình trong nước cơ bản được khống chế, song, vẫn xuất hiện các ca bệnh mới.
Qua đó, lãnh đạo thành phố cho rằng nguy cơ, rủi ro dịch bệnh của Hà Nội trong thời gian tới vẫn cao bởi các lý do: Hoạt động nhập cảnh trái phép còn diễn ra tại một số địa phương; các chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam; các trường Đại học, Cao đẳng chuẩn bị đón sinh viên các tỉnh trở lại học tập và sinh sống…
Ông Dũng lưu ý, với trách nhiệm của địa phương, thành phố chủ động nắm bắt và làm việc với các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn để có các giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi sinh viên quay lại trường…
Ông đề nghị, lãnh đạo sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, để người dân nắm được chủ trương phòng chống dịch của Thành phố.
Liên quan đến đề nghị của UBND quận Hoàn Kiếm về việc mở cửa trở lại phố đi bộ, ông Dũng thống nhất cho phép mở cửa phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm từ ngày 12.3. Tuy nhiên phải đảm bảo yêu cầu thực hiện nghiêm phòng, chống dịch và siết chặt kiểm tra các vi phạm.
Riêng với nội dung tiêm chủng vaccine, ông Dũng đề nghị các địa phương đề xuất danh sách, đối tượng người tiêm chủng đợt đầu theo quan điểm: công bằng, công khai, đúng đối tượng. Đồng thời, công tác tiêm chủng phải bảo đảm an toàn, hiệu quả như bảo quản vaccine, công tác triển khai phải theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ông cũng đề nghị, sở, ban ngành tiếp tục căn cứ tình hình dịch bệnh tiếp tục chủ động, đề xuất nới lỏng phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục triển khai vừa chống dịch và phát triển kinh tế.