Hà Nội, Thứ Hai Ngày 09/09/2024

Thị trường ngày 17/7: Giá dầu giảm, vàng tuột mốc 1.800 USD, giá thịt lợn lên cao nhất

TDVN 10:22 17/07/2020

Giá hàng hóa trên thị trường quốc tế biến động mạnh trong phiên vừa qua, theo đó dầu giảm hơn 1%, cacao xuống thấp nhất 2 năm, gạo Thái Lan thấp nhất 4 tháng trong khi giá đồng trở lại mức cao nhất

Dầu giảm do OPEC+ có ý định tăng sản lượng trong khi số ca nhiễm virus corona tiếp tục tăng

Giá dầu giảm 1% trong phiên vừa qua sau khi OPEC+ nhất trí nới lỏng những hạn chế về nguồn cung, giữa bối cảnh số ca nhiễm virus corona ở Mỹ tiếp tục tăng.

Kết thúc phiên 16/7, dầu Brent giảm 42 US cent, tương đương 1%, xuống 43,37 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 45 US cent (1,1%) xuống 40,75 USD/thùng.

Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Fatih Birol, ngày 15/7 cho biết, thị trường dầu toàn cầu đang cân bằng trở lại, và dự báo giá sẽ duy trì ở mức khoảng 40 USD/thùng trong những tháng tới.

Tuy nhiên, OPEC+ cùng ngày đã đồng ý thu hẹp quy mô cắt giảm sản lượng đi 2 triệu thùng/ngày còn 7,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng 8 đến hết năm 2020. Trong khi đó, làn sóng Covid-19 thứ 2 cản trở giá dầu tăng. Số ca nhiễm virus mới tiếp tục nhiều lên ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là Mỹ. Đã có gần 600.000 người trên toàn cầu tử vong vì virus này.

Vàng giảm do USD mạnh lên và ECB hoãn bổ sung kích thích kinh tế

Giá vàng đã giảm xuống dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce trong phiên vừa qua do USD mạnh lên và Ngân hàng trung ương Châu Âu giữ nguyên chính sách tiền tệ hiện tại, khiến nhiều nhà đầu tư lại hứng khởi với những điểm đầu tư khác ngoài vàng.

Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.796 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 8/2020 giảm 0,7% xuống 1.800 USD/ounce.

Đồng USD tăng 0,3% trong phiên này, khiến giá vàng trở nên đắt đỏ hơn nếu mua bằng các tiền tệ khác ngoài USD.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 16/7 đã quyết định giữ nguyên các loại lãi suất chủ chốt ở các mức từ -0,5% đến 0,25% cũng như chương trình mua trái phiếu trị giá hơn 1.300 tỷ euro (tương đương 1.500 tỷ USD) và sẽ tiếp tục cung cấp hàng loạt khoản tín dụng "giá rẻ" cho các ngân hàng ở châu Âu. Bên cạnh đó, ECB quyết định hoãn đưa ra các biện pháp hỗ trợ kinh tế mới sau khi đã triển khai một số gói kích thích kinh tế trong thời gian qua, qua đó giúp duy trì chi phí đi vay của các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở mức tương đương giai đoạn trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Giá vàng – vốn được coi là tài sản an toàn chống lại lạm phát – đã tăng liên tiếp trong thời gian qua nhờ các biện pháp kích thích mạnh mẽ và lãi suất ở mức thấp, mặc dù còn nhiều bất đồng trong dự đoán về lạm phát trong tương lai.

Tuy nhiên, Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metal cho biết, sự gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc và sự gia tăng các ca nhiễm coronavirus ở một số nền kinh tế lớn sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng vững hoặc tăng.

Sắt, thép giảm do lo ngại nhu cầu sẽ yếu đi

Giá sắt thép trên thị trường Trung Quốc giảm trong phiên vừa qua do dự báo thời tiết sẽ khiến nhu cầu yếu đi, nhưng đà giảm được hạn chế bởi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng trở lại.

Kết thúc phiên giao dịch, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên giảm 0,8% xuống 827 CNY (118,18 USD)/tấn. Sau những trận mưa, nhiệt độ sẽ tăng lên và điều đó có thể sẽ hạn chế nhu cầu thép, kéo theo nhu cầu sắt giảm.

Giá thép cây trong phiên vừa qua (kỳ hạn tháng 10) giảm 1% xuống 3,703 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng giảm 0,8% xuống 3.735 CNY/tấn.

Các nhà máy thép Trung Quốc vẫn ưa chuộng quặng sắt nhập khẩu chất lượng cao vì đối với nhiều nhà máy thì giá những loại quặng đó vẫn tương đối phù hợp để họ mua, sau đó dùng pha trộn với quặng chất lượng thấp hơn.

Đồng quay lại mức cao nhất 2 năm

Giá đồng tăng trở lại trong phiên vừa qua sau khi số liệu cho thấy sản xuất của các nhà máy Trung Quốc tăng, mặc dù các số liệu về kinh tế của nước này cho thấy tình hình trong ngắn hạn sẽ còn nhiều bất ổn.

Kết thúc phiên, trên sàn London (LME), giá đồng tăng 0,8% lên 6.435 USD/tấn, gần sát mức cao nhất 2 năm của ngày 13/7 (6.633 USD/tấn).

Trung Quốc công bố GDP quý II/2020 đạt 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sản lượng công nghiệp tăng.

Mỹ tuyên bố sẽ không loại trừ các biện pháp trừng phạt tiếp theo đối với các quan chức hàng đầu Trung Quốc về việc liên quan đến Hongkong, đồng thời cũng cho biết đang nghiên cứu mức độ rủi ro về an ninh quốc gia đến từ các ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Quốc như TikTok và WeChat. Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả những đối xử như vậy của Washington.

Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy các nhà phân tích dự báo giá đồng trung bình trong quý IV/2020 sẽ trung bình 6.173 USD/tấn. Nguồn cung khan hiếm sẽ kéo dài xu hướng tăng của giá đồng. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều yếu tố nguy cơ làm giảm giá.

Than tăng giá

Giá tham chiếu than nhiệt của Trung Quốc tuần qua tăng nhẹ. Chỉ số giá than nhiệt vịnh Bột Hải

(BSPI) – tổng hợp giá than ở các cảng biển chính thuộc miền bắc Trung Quốc – ngày 15/7 đạt 546 CNY (78,03 USD)/tấn, tăng 1 CNY so với tuần trước. Nguồn cung than chất lượng thấp theo các hợp đồng dài hạn hiện vẫn đang dồi dào.

Sản lượng than của Trung Quốc tháng 6/2020 giảm 1,2% so với cùng tháng năm ngoái, chỉ đạt 330 triệu tấn. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, sản lượng đạt 1,81 tỷ tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cacao thấp nhất 2 năm

Giá cacao giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 2 năm do số liệu cho thấy nhu cầu từ Châu Âu trong quý II giảm mạnh và dự báo nguồn cung vụ mới sẽ hồi phục.

Cacao kỳ hạn tháng 9 trên sàn London phiên vừa qua có lúc giảm xuống chỉ còn 1.525 GBP/tấn – thấp nhất kể từ tháng 10/2018. Tuy nhiên, kết thúc phiên, giá hồi phục và tăng 0,5% lên 1.541 GBP/tấn.

Xay nghiền cacao ở Châu Âu trong quý 2 đã giảm 8,9% so với cùng quý năm trước, chỉ đạt 314.108 tấn – mức thấp nhất 5 năm. Số liệu về xay nghiền cacao của Mỹ và Châu Á sẽ được công bố trong ngày 17/7.

Giá thịt lợn tại Thái Lan cao nhất 10 năm

Giá thịt lợn tại Thái Lan hiện đã tăng lên mức cao nhất 10 năm, 170-180 THB/kg bởi nhu cầu trong nước gia tăng khi các trường học và doanh nghiệp mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 và xuất khẩu tăng sang các nước láng giềng như Trung Quốc, Việt Nam và Lào.

Theo các nhà chăn nuôi Thái Lan, giá lợn hơi tại cổng trại hiện không quá 79 THB/kg (không cao hơn nhiều so với mức 72 THB hồi đầu năm 2020). Tuy nhiên, các thương lái nước này đang trả giá 86-87 THB/kg. Do đó, giá bán thịt lợn ở các cửa hàng đã tăng mạnh, thêm 20 THB/kg.

Gạo Thái Lan thấp nhất 4 tháng, gạo Việt Nam cao nhất hơn 1 tháng

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng do nhu cầu yếu và đồng baht cũng giảm giá so với USD, trong khi giá gạo Việt Nam tăng lên mức cao nhất gần 1 tháng do nhu cầu mạnh từ Cuba và Malaysia, còn gạo Ấn Độ vững trong bối cảnh nông dân mở rộng diện tích trồng lúa vụ Hè.

Ngày 16/7, gạo 5% tấm của Thái Lan giá 440–455 USD/tấn, thấp nhất kể từ cuối tháng 2/2020, so với mức 455-485 cách đó một tuần; gạo cùng loại của Việt Nam tăng tiếp lên 435 – 457 USD/tấn, mức cao nhất kể từ 8/6/2020, so với 425 – 457 USD/tấn cách đây một tuần; trong khi gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá vững ở 377 – 382 USD/tấn.

ĐBSCL đang thu hoạch lúa, trong khi nguồn cung gạo mới của Thái Lan sẽ có trên thị trường vào đầu tháng tới. Do đó, giá gạo sắp tới dự báo sẽ chịu áp lực giảm.

Cà phê tăng giá

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 1,15 US cent (1,2%) lên 98,35 US cent/lb, trong khi robusta giao cùng kỳ hạn tăng 17 USD, tương đương 1,4%, lên 1.243 USD/tấn.

Xu hướng tăng khó bền vững vì nhu cầu trên thị trường đang có dấu hiệu yếu đi, tồn trữ cà phê xanh ở Mỹ tăng 3 tháng liên tiếp và tháng 6 lần đầu tiên vượt 7 triệu bao kể từ tháng 10/2019 (1 bao = 60 kg)

Tại Châu Á, giá cà phê Việt Nam ổn định so với tuần trước do nhu cầu yếu, trong khi mức cộng giá cà phê Indonesia giảm vì nguồn cung tăng.

Tại Tây Nguyên, cà phê nhân xô được bán giá 32.000 đồng (1,38 USD)/kg, không thay đổi so với cách đây một tuần. Cà phê robusta loại 2 của Việt Nam (5% đen, vỡ) giá cộng 200 – 220 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 của sàn London, giảm so với + 240 USD/tấn cách đây một tuần. Mức cộng cà phê Indonesia cũng giảm từ 300 – 325 USD/tấn tuần trước xuống 250 – 280 USD/tấn trong tuần này.

Nguồn cung cà phê ở Việt Nam lúc này không còn nhiều nhưng giá khó tăng vì khách hàng đang tập trung vào mua cà phê Brazil –nước đang trong vụ thu hoạch.

Chỉ số giá lương thực thế giới tăng tháng đầu tiên trong năm 2020

Chỉ số giá lương thực thế giới – do Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp quốc (FAO) công bố - tháng 6/2020 tăng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020 sau nhiều tháng liên tiếp giảm do dịch Covid-19.

Cụ thể, chỉ số giá rổ lương thực (ngũ cốc, hạt có dầu, sản phẩm sữa, thịt và đường) trung bình đạt 93,2 điểm trong tháng 6/2020, tăng 2,4% so với tháng 5.

Mặc dù vậy, FAO nhận định thị trường lương thực, thực phẩm vẫn còn nhiều bấp bênh do tiêu thụ có thể giảm khi kinh tế suy thoái bởi dịch bệnh.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 17/7

Theo CafeF

Link gốc : https://cafef.vn/thi-truong-ngay-17-7-gia-dau-giam-vang-tuot-moc-1800-usd-gia-thit-lon-len-cao-nhat-10-nam-20200717073745158.chn

Bạn đang đọc bài viết Thị trường ngày 17/7: Giá dầu giảm, vàng tuột mốc 1.800 USD, giá thịt lợn lên cao nhất tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường
Vàng thế giới giao dịch tuần mới với đà tăng trở lại mốc 1.800 USD/ounce, trong khi vàng trong nước sáng nay cũng cao hơn 100.000-150.000 đồng so với cuối tuần trước.