Hà Nội, Thứ Tư Ngày 18/09/2024

Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu, trái cây Việt đua nhau giảm giá sốc

TDVN 18:43 07/12/2019

Hàng loạt trái cây xuất khẩu của Việt Nam giảm giá mạnh trong tháng qua, đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu đi Trung Quốc bị siết chặt.

Giá trái cây lao dốc

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,5 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính trong 10 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam lớn nhất, chiếm gần 67%, đạt 2,08 tỷ USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Tiếp đến là thị trường Mỹ (chiếm 4%), Hàn Quốc (chiếm 3,4%), Nhật Bản (chiếm 3,2%)… Ngoài ra, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Lào, Hồng Kông, Đài Loan, Hà Lan…

Xuất khẩu hàng rau quả trong 10 tháng 2019 giảm mạnh do giá trị xuất khẩu nhiều nông sản chính giảm mạnh như thanh long, sâu riêng, măng cụt, dừa, nhãn, ớt, dưa hấu, nấm hương… Đặc biệt, mặt hàng thanh long chỉ đạt kim ngạch 974 triệu USD (chiếm 31,3% tỷ trọng xuất khẩu), giảm 8,9%, sầu riêng đạt gần 760 triệu USD (chiếm 6,9%), giảm 17,4%...

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, giá nhiều loại trái cây cũng giảm rõ rệt. Cụ thể, tháng 11/2019 là thời điểm thu hoạch xong vụ sầu riêng năm 2019 tại Đắk Lắk, tuy nhiên so với những năm trước, giá sầu riêng năm nay đã giảm khoảng 20.000 đồng/kg.

Nguyên nhân chính là từ giữa năm 2019, Trung Quốc đã siết chặt hoạt động nhập khẩu trong khi đó sầu riêng là mặt hàng chưa được phép xuất khẩu chính ngạch. Năm nay, giá sầu riêng đầu vụ được thương lái thu mua ở mức 40.000 đồng/kg, đến cuối vụ giá mới được 55.000 – 60.000 đồng/kg.

Tương tự, giá chanh leo cũng có xu hướng đi xuống, hiện chỉ dao động từ 7.000-8.000 đồng/kg đối với chanh loại A, B. Riêng những loại chanh xấu (chiếm từ 30-35% sản lượng), giá tại thời điểm này chỉ còn khoảng 2.000-4.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá thanh long tại các nhà vườn ở Bình Thuận từ đầu vụ chong đèn nghịch mùa 2019 đến nay luôn ở dưới mức 10.000 đồng/kg. Cao điểm từ đầu tháng đến nay, giá chỉ còn ở mức 5.000-7.000 đồng/kg. Kéo theo đó, không chỉ các hộ nông dân có thanh long đang chín mà những hộ đang chong đèn đón lứa bán vụ Tết Nguyên đán cũng đang trong tâm lý lo ngại.

Đáng chú ý, hơn một tháng qua, nhiều chủ vựa thay vì đóng hàng đi xuất khẩu thì đã phải lựa chọn thị trường trong nước để tiêu thụ.

Tương tự, giá mít Thái tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL giảm khoảng 50% so với cách nay hơn 1 tháng và đang ở mức thấp nhất trong gần 4 tháng qua.

Tại Cần Thơ và nhiều tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Hậu Giang, mít loại 1 (từ 9 kg/trái trở lên) có giá 20.000-21.000 đồng/kg; mít loại 2 (từ 6kg đến dưới 9kg/trái) có giá 11.000-12.000 đồng/kg; còn mít loại 3 có giá khoảng 9.000 đồng/kg.

Chất lượng chính là rào cản

Theo VietnamNet, trước đó, chia sẻ về vấn đề chuyển hướng xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc, tại tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường Trung Quốc” tổ chức giữa tháng 11, bà Mai Thị Ánh Tuyết - ĐBQH An Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế cho biết, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc mới đáp ứng thị trường cấp thấp. Thế nên, khi Trung Quốc nâng cao chất lượng vệ sinh ATTP, chúng ta bị tác động ngay. Bằng chứng, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm từ 2018 đến nay.

Hiện nay, phần lớn nông sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng không cao. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến lạc hậu nên chất lượng nông sản không bảo đảm, không đáp ứng được những yêu cầu đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng của đối tác. Điều đáng tiếc chính là nhiều sản phẩm nông sản đặc sản của Việt Nam chưa được người tiêu dùng nước ngoài biết đến, vì xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp trung gian nước ngoài hoặc gia công chế biến cho các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài. Cũng vì thiếu thương hiệu mà nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi thị trường thế giới có biến động.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, việc chuyển đổi chính sách nhập khẩu của Trung Quốc là xu thế tất yếu của việc phát triển nền kinh tế. Chúng ta phải nhìn nhận lại thị trường để có những thay đổi về tư duy và nhận thức từ xuất khẩu nông sản tiểu ngạch, coi thị trường Trung Quốc là “giá rẻ, dễ tính” sang tư duy sản xuất nông sản thương phẩm có chất lượng cao, có trách nhiệm xã hội theo tiêu chuẩn hợp đồng, được giao thương qua đường xuất khẩu chính ngạch, vào các siêu thị và trung tâm thương mại của Trung Quốc. Chỉ khi nào hàng hóa nông sản của Việt Nam đứng vào chuỗi cung ứng đó, thì xuất khẩu chính ngạch mới thành công.

Theo Bộ Công thương, nguyên nhân dẫn đến việc xây dựng thương hiệu nông sản của Việt Nam gặp khó khăn là do chất lượng sản phẩm không đồng đều, không ổn định, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường... Từ đó, làm ảnh hưởng đến thương hiệu, giá trị thương hiệu của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam.

Bảo My (T.H)/Theo Tài chính DN

Bạn đang đọc bài viết Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu, trái cây Việt đua nhau giảm giá sốc tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường