Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, dệt may là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, chính những tác động này lại tạo ra động lực và xu hướng phát triển mới, theo đó “xanh hóa” sản xuất đã và đang trở thành yêu cầu cấp thiết đối với mỗi doanh nghiệp dệt may.
Giới chuyên gia nhận định, ngành dệt may Việt Nam hiện đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới đã ký. Trong các FTA này đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Do vậy, “xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà doanh nghiệp bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Nhiều doanh nghiệp khi được hỏi cũng cho rằng, họ sẵn sàng triển khai các phương án hướng đến việc phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường,...
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hiện nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đều phải tuân thủ yêu cầu liên quan “xanh hóa” trong sản xuất như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường, cắt giảm phát thải.
“Nếu doanh nghiệp không có những giải pháp thay đổi trong sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững, sạch hơn, tiết kiệm nước và các nguồn tài nguyên, sử dụng nguyên liệu thân thiện và an toàn với môi trường, doanh nghiệp sẽ mất lợi thế cạnh tranh, thậm chí đứng trước nguy cơ bị mất đơn hàng”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.
Xu hướng toàn cầu hiện nay cũng cho thấy, các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới - đối tác đặt đơn hàng của ngành dệt may Việt Nam - đang chuyển sang ưu tiên các “doanh nghiệp xanh”. Những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên có nguy cơ bị ngừng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đặt hàng.
Về phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty may mặc TAL Việt Nam James Phillips cho biết, hơn 250 nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường đối với nhà cung cấp. Vì vậy, yêu cầu các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cung cấp và gia công cho các nhãn hàng này cần phải thực hiện sản xuất theo hướng “xanh hóa” một cách có hiệu quả, có lợi nhuận và phát triển.
Đồng thời, việc phát triển theo hướng “xanh hóa” ngành dệt may không chỉ đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn của nhãn hàng đề ra, mà đây cũng là tiêu chí quan trọng để được ngân hàng “rót” vốn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.