Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

3 kịch bản cho ngành dệt may bứt phá năm 2022

TDVN 16:45 21/12/2021

Dù dịch Covid-19 tác động và ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất của ngành, đặc biệt trong quý III/2021, nhưng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đã vượt lên khó khăn duy trì đà tăng trưởng tốt.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Theo Vitas, trong năm 2021 và nhất là thời gian cao điểm dịch Covid-19 lần thứ 4, các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu bị đứt gãy, nhiều nhà máy tại khu vực phía Nam phải đóng cửa. Cùng với đó, việc thực hiện sản xuất theo phương án 3 tại chỗ; công tác xét nghiệm, tiêm vaccine cho người lao động, logistics tăng giá và có lúc bị gián đoạn đã khiến chi phí của các DN tăng cao, ảnh hưởng lớn đến việc giữ ổn định đơn hàng, đảm bảo tiến độ hợp đồng xuất khẩu cũng như doanh thu trong năm của ngành dệt may.

Năm 2021, ngành dệt may gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19.

Nói về những khó khăn của ngành dệt may trong năm 2021, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng, năm 2021 cực kỳ thách thức đối với các ngành công nghiệp nói chung, trong đó có công nghiệp dệt may Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh và điều kiện giãn cách xã hội của các DN khu vực phía Nam suốt 4 tháng quý II và III, việc thiếu nguyên phụ liệu và dịch chuyển đơn hàng đã tạo ra áp lực cực kỳ lớn cho các DN dệt may khu vực phía Nam.

Trước những thách thức cùng những khó khăn trước mắt, Vitas đã đưa ra 3 kịch bản cho tăng trưởng của ngành dệt may trong năm 2022. Cụ thể, nếu tình hình dịch bệnh được cơ bản kiểm soát trong quý I năm 2022, kịch bản tích cực nhất kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 41,5 - 42,5 tỷ USD; kịch bản trung bình xuất khẩu đạt 40-41 tỷ USD nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp đến giữa năm 2022; kịch bản kém tích cực nhất là khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành dự kiến sẽ chỉ đạt 38-39 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo các kịch bản đã được ngành dệt may đưa ra, Vitas kiến nghị Nhà nước tiếp tục triển khai chiến lược vaccine, đây được coi là giải pháp căn cơ để các DN phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới. Cùng với đó, Nhà nước cần mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ, sửa đổi quy định còn bất cập giảm gánh nặng chi phí cho DN, bỏ hạn chế thời gian làm thêm 400 giờ/năm. Ngành dệt may cũng mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do, ứng dụng công nghệ 4.0 để hiện đại hóa sản xuất, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu.

Theo Đại đoàn kết

Link gốc : http://daidoanket.vn/3-kich-ban-cho-nganh-det-may-but-pha-nam-2022-5675837.html

Bạn đang đọc bài viết 3 kịch bản cho ngành dệt may bứt phá năm 2022 tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường
Mặc dù lượng hàng hóa phục vụ Tết năm 2022 khá dồi dào, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết tại nhiều cửa hàng, chợ truyền thống, tiểu thương khá e dè trong việc đặt hàng, trữ hàng.