Tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc đã kéo theo những vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí đô thị, phát thải khí nhà kính cao và phụ thuộc vào nhập khẩu dầu.
Chính vì vậy, ngay từ năm 2009, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các chính sách khuyến khích người dân sử dụng xe điện, bao gồm trợ cấp giá cả hào phóng. Sau khi lượng người mua tăng lên, các khoản trợ cấp trở nên tốn kém, các nhà hoạch định chính sách bắt đầu đặt trách nhiệm này lên vai các nhà sản xuất ô tô.
Chính sách của quốc gia tỷ dân yêu cầu xe bán ra mỗi năm của các hãng xe trên thị trường phải có tỉ lệ nhất định chạy bằng điện. Đổi lại, các công ty sản xuất xe điện sẽ nhận được các ưu đãi về thuê đất, các khoản vay lãi suất thấp và giảm thuế, được rót vốn từ quỹ đầu tư địa phương và nhận khoản trợ cấp của Nhà nước, nhằm hướng tới mục tiêu xe điện chiếm 40% tổng doanh số bán xe hơi vào năm 2030.
Trái với Mỹ, bảo vệ các công ty cây nhà lá vườn “già nua” như General Motors, Trung Quốc đã khai phóng thị trường bằng cách cung cấp vốn và hậu thuẫn cho các công ty nghiên cứu công nghệ khởi nghiệp tập trung vào xe điện, chip, AI (trí tuệ nhân tạo) và một loạt các lĩnh vực tương lai khác.
Theo ước tính của hãng dữ liệu toàn cầu LMC Automotive, Trung Quốc sẽ sản xuất hơn 8 triệu chiếc ô tô điện mỗi năm vào năm 2028, so với 1 triệu chiếc năm ngoái. Trong khi Châu Âu ước tính chỉ sản xuất được 5,7 triệu chiếc vào thời điểm đó.
Sự tăng tiến vượt bậc của Trung Quốc khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden phải lo ngại, khi ông kêu gọi đẩy mạnh nỗ lực sản xuất xe điện. Trong một chuyến thăm tới nhà máy sản xuất xe buýt điện ở Nam Carolina, ông cảnh báo: "Hiện tại, chúng ta đang chạy sau Trung Quốc”.
Trung Quốc đã có cơ sở hạ tầng ô tô điện, nhờ vào việc triển khai hơn 800.000 trạm sạc công cộng trên toàn quốc do chính phủ hậu thuẫn. Con số này gần như gấp đôi so với phần còn lại của thế giới. Trong khi ở những quốc gia khác, các nhà sản xuất ô tô phải tiếp tục chế tạo một số mẫu hybrid (lai xăng điện) trong vài năm nữa vì hạ tầng sạc chưa theo kịp.
Thành công của Tesla (một công ty của Mỹ chuyên thiết kế, sản xuất và phân phối sản phẩm ô tô điện và linh kiện cho các phương tiện chạy điện) đã trở thành động lực cho các công ty khởi nghiệp xe điện của Trung Quốc như NIO, Xpeng và Li Auto với các mẫu xe điện cao cấp, giá rẻ nhưng chất lượng đáng kể.
Không chỉ nhờ sự trợ giúp của các tập đoàn xe toàn cầu, các hãng xe nội địa Trung Quốc cũng bắt đầu bắt tay vào xây dựng các nhà máy lắp ráp lớn
Alibaba, công ty thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc cùng hai công ty nhà nước đã thành lập một liên doanh ô tô điện với tên IM Motors, dự kiến bắt đầu giao xe vào đầu năm tới.
Tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, Evergrande, cũng lấn sân bằng thương hiệu xe điện Hengchi, với màn ra mắt thị trường chứng khoán đạt mức vốn hóa thị trường gần bằng General Motors của Mỹ. Hãng xe nội địa Geely danh tiếng cũng bắt tay vào kế hoạch phát triển xe điện Zeekr, với kế hoạch giao xe vào tháng 10.
Trung Quốc không chỉ có lợi thế về chính sách mà còn có nền tảng về nguyên liệu sản xuất pin. Quốc gia này kiểm soát 80% công suất tinh chế nguyên liệu thô trên thế giới, với khả năng sản xuất 77% tế bào pin và 60% linh kiện toàn cầu.
Michael Dunne, giám đốc điều hành của ZoZo Go, công ty tư vấn chuyên về ngành công nghiệp ô tô điện ở châu Á, cho biết triển vọng ngành đang trở nên rõ ràng: “Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thống trị toàn cầu về sản xuất ô tô điện”.
Các ống xả ở Mỹ đóng một vai trò lớn đối với sự nóng lên toàn cầu. Vào năm 2019, giao thông vận tải ở đất nước này là nguyên nhân gây nên 29% lượng khí thải mà con người tạo ra, nhiều nhất trong các lĩnh vực do cơ quan Bảo vệ Môi trường theo dõi. Mỹ cũng là quốc gia phát thải carbon lớn thứ hai thế giới.
Hơn bất kỳ quốc gia nào, Mỹ muốn xóa bỏ tiếng xấu để vươn mình trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản xuất xe điện.
Phổ cập xe điện được thúc đẩy bởi chính phủ Mỹ, chính quyền một số tiểu bang và địa phương. Năm 2011, cựu Tổng thống Barack Obama đã đặt mục tiêu Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên có 1 triệu xe điện trên đường vào năm 2015.
Kể từ năm 2014, Washington DC và 37 tiểu bang đã thiết lập các ưu đãi và miễn thuế, phí cho xe điện và xe hybrid, như đậu xe miễn phí và đi vào làn đường dành cho phương tiện ưu tiên.
Ông Obama cam kết viện trợ liên bang 2,4 tỷ USD để hỗ trợ phát triển các loại xe điện và pin thế hệ mới; 1,5 tỷ USD tài trợ cho các nhà sản xuất tại Mỹ sản xuất pin công suất cao và các thành phần liên quan; tài trợ tới 500 triệu USD cho các nhà sản xuất có trụ sở tại Mỹ sản xuất các bộ phận thiết yếu cho xe điện, như động cơ điện; và lên đến 400 triệu USD để thúc đẩy cơ sở hạ tầng di động điện khác như trạm sạc cho xe tải, đường ray điện và đào tạo cho kỹ thuật viên chế tạo và sửa chữa xe điện.
Các đạo luật về năng lượng sạch của Mỹ năm 2008, 2009 cũng cho phép các hãng xe trong nước được cấp tín dụng thuế từ 2500-7500 USD cho mỗi xe điện đủ tiêu chuẩn bán ra. Động lực này đã thúc đẩy doanh số bán xe diện tăng dần qua các năm. Tính đến tháng 12/2020, tổng doanh số bán hàng cộng dồn tại Mỹ đạt 1,74 triệu xe.
Mỹ là quốc gia có mẫu xe điện bán chạy nhất mọi thời đại với sản phẩm đến từ Tesla của tỷ phú Elon Musk. Tính đến hết năm 2020, Tesla Model 3 là mẫu bán được khoảng 395.600 chiếc, đứng thứ hai là Tesla Model S với khoảng 172.400 chiếc và mẫu hybrid Chevrolet Volt với 157.125 chiếc.
Kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2,65 nghìn tỷ USD của chính quyền Joe Biden đã phân bổ 174 tỷ USD phát triển ngành công nghiệp xe điện của Mỹ. Kế hoạch này đang kêu gọi lắp đặt 500.000 trạm sạc công cộng, chiết khấu tại điểm bán hàng cho người tiêu dùng và điện khí hóa đội xe liên bang với 650.000 phương tiện thuộc sở hữu của chính phủ Mỹ.
Nhưng kế hoạch tham vọng này của Mỹ đang đi kèm với thách thức, khi quá trình điện khí hóa chậm chạp, chuỗi cung ứng sản xuất và nguyên liệu của nước này tỏ ra hụt hơi trước đối thủ Trung Quốc.
Ưu thế của Mỹ lúc này là Tesla, công ty đang dẫn đầu về công nghệ xe điện tự lái, với doanh thu 31,5 tỷ USD trong năm 2020 và là hình mẫu của nhiều công ty khởi nghiệp xe điện trên thế giới.
Trong khi đó, các ông lớn công nghệ Mỹ cũng đang nhắm tới thị trường béo bở này, với những thông tin cho thấy Apple đang muốn thử sức thông qua con đường hợp tác với Hyundai.
Tờ Scroll của Ấn Độ cho biết, nước này dự kiến sẽ thu lợi nhuận lớn và đa dạng từ áp dụng xây dựng hệ sinh thái di động điện (e-mobility). Theo chương trình Make In India, sản xuất xe điện và các thành phần liên quan dự kiến sẽ giúp tăng tỷ trọng sản xuất trong GDP của Ấn Độ lên 25% vào năm 2022.
Việc vận hành xe điện trên quy mô lớn được cho là sẽ giúp Ấn Độ tiết kiệm 60 tỷ USD nhập khẩu dầu vào năm 2030, trong bối cảnh 82% nhu cầu dầu hiện tại của nước này được đáp ứng nguồn nhập khẩu.
Ngoài ra, điện khí hóa sẽ giúp giảm lượng khí thải từ các phương tiện giao thông, một yếu tố chính gây ô nhiễm không khí, gây tổn thất trung bình 3% GDP mỗi năm của quốc gia Nam Á này.
Bởi vậy, không bất ngờ khi Ấn Độ đang ngày càng thúc đẩy các chính sách phối hợp ở cấp quốc gia để tạo cú hích cho e-mobility, đặc biệt là việc phê chuẩn thỏa thuận khí hậu Paris.
Kế hoạch Sứ mệnh Di động Điện Quốc gia (NEMMP) 2020 và đề án Áp dụng và Sản xuất Xe hybrid và Xe điện (FAME) đều được công bố với tham vọng về một tương lai chỉ còn lại ô tô chạy điện vào năm 2030. Ngoài ra, thuế suất hàng hóa dịch vụ của Ấn Độ đề ra với xe điện cũng thấp hơn so với các sản phẩm khác (12%).
Ấn Độ kỳ vọng vào năm 2030 đường phố sẽ chỉ còn xe điện
Nhà sản xuất xe điện giá trị nhất thế giới, Tesla, hiện đang chuẩn bị ra mắt sản phẩm của hãng tại Ấn Độ trong năm nay, là bằng chứng cho thấy tiềm năng và lợi ích của xe điện ở quốc gia Nam Á là không hề nhỏ.
Trong khi đó, tại Anh, việc chính phủ cam kết ngừng bán tất cả các loại ô tô không chạy điện, bao gồm cả xăng, dầu diesel và xe hybrid từ năm 2035, đã nhấn mạnh quyết tâm của nước này với chiến lược “Road to Zero” – hướng tới mục tiêu phương tiện giao thông không phát thải vào năm 2050.
Nhu cầu về xe điện đang tăng cao ở Anh với số lượng đăng ký mới đã tăng hơn 160.000 từ năm 2013 đến năm 2018. Ngành công nghiệp mới ước tính có giá trị hơn 6 tỷ bảng Anh (7,8 tỷ USD) vào năm 2025.
Tại Na Uy, quốc gia vốn làm giàu dựa trên nhiên liệu hóa thạch, năm ngoái nước này đã trở thành đất nước đầu tiên trên thế giới có doanh số bán ô tô điện vượt qua ô tô chạy bằng xăng, dầu diesel và động cơ hybrid.
Xe điện chiếm hơn 54% tổng số xe mới được bán tại Na Uy vào năm 2020, một kỷ lục toàn cầu, khi cách đây một thập kỷ con số này chỉ là 1%. Chặng đường vẫn còn dài nhưng Na Uy được kỳ vọng chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu của chính phủ đặt ra vào năm 2016, ngừng bán tất cả các loại xe động cơ đốt trong vào năm 2025.
Na Uy phấn đấu có thể ngừng bán tất cả các loại xe động cơ đốt trong vào năm 2025
Pháp và Anh từng là những quốc gia tiên phong về xe điện vào cuối thế kỷ 19, với những khách hàng sành điệu sử dụng chúng cho những chuyến đi ngắn quanh thành phố. Tuy nhiên, vào đầu những năm 1900, việc phát hiện trữ lượng dầu dồi dào và các mạng lưới cao tốc mở rộng đã khiến năng lượng điện trở nên yếu thế.
Ngày nay, sau hơn một thế kỷ, ô tô chạy bằng động cơ diesel và xăng gây ô nhiễm vẫn thống trị doanh số bán hàng trên toàn cầu nhưng đã có những dấu hiệu về sự khởi đầu đáng khích lệ cho một tương lai di động điện lâu dài.
Với đà tăng trưởng sẵn có cùng các chương trình thúc đẩy năng lượng xanh của nhiều cường quốc, dự kiến sẽ có 230 triệu xe điện trên đường phố vào năm 2030, chiếm 12% tổng số phương tiện giao thông đường bộ, theo số liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
2020 là năm đột phá đối với ngành công nghiệp xe điện, khi châu Âu lần đầu vượt Trung Quốc trở thành trung tâm của thị trường ô tô điện toàn cầu. Trong doanh số bán ô tô điện toàn cầu là 3 triệu, đăng ký ở châu Âu đã tăng hơn gấp đôi lên 1,4 triệu, trong khi ở Trung Quốc, con số này tăng lên 1,2 triệu.
Số lượng các mẫu xe điện có mặt trên thị trường cũng đạt con số 370, với giá pin giảm đã thúc đẩy người tiêu dùng chi nhiều hơn 50% cho ô tô điện vào năm ngoái, tương đương 120 tỷ USD.
Các chính phủ cũng tiếp tục khuyến khích quá trình chuyển đổi sang xe điện, chi 14 tỷ USD cho các ưu đãi mua trực tiếp và khấu trừ thuế, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước dịch bệnh, nhiều quốc gia đã tăng cường các chính sách quan trọng về tiêu chuẩn khí thải CO2 và tiêu chuẩn về phương tiện không phát thải (ZEV). Vào cuối năm 2020, hơn 20 quốc gia đã công bố lệnh cấm bán ô tô động cơ đốt trong và yêu cầu các phương tiện mới có tiêu chuẩn không phát thải.
Một số quốc gia châu Âu đã khuyến khích mua sắm và quảng bá xe điện trong các kế hoạch phục hồi kinh tế sau Covid-19. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ duy trì trợ giá cho chương trình Xe năng lượng mới (NEV) sau năm 2022, để bảo vệ doanh số bán xe điện khỏi suy thoái kinh tế.
...
Theo giới phân tích, khi thu nhập một quốc gia ở ngưỡng 3.500 - 4.000 USD/người/năm, với mật độ 50 ô tô/1.000 dân là bước vào giai đoạn ô tô hóa.
Theo nhận định này thì Việt Nam sắp bước vào giai đoạn ô tô hoá. Năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD. Dân số Việt Nam hiện đạt 97,9 triệu người. Theo cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến hết năm 2020, Việt Nam có 4,18 triệu ô tô đang lưu hành, bình quân đạt khoảng 41 ô tô/1.000 dân (bao gồm cả xe tải, xe buýt).
Theo bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), xu hướng chuyển sang xe điện đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, trong khi nền công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn loay hoay với xe xăng. “Nếu cứ theo xe xăng thì không biết đến bao giờ Việt Nam mới đuổi kịp thế giới. Vì thế, đi tắt lên thẳng xe điện là một lựa chọn đúng của các nhà sản xuất ô tô tại thời điểm này”, bà Bình nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng tiểu ban Kỹ thuật, hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) – lại có nhận định thận trọng hơn. Ví von quá trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện ở Việt Nam giống câu chuyện bếp điện từ đã tốt và rẻ lắm rồi nhưng vẫn có người dân dùng bếp gas, thậm bí bếp than tổ ong, ông Hiếu cho rằng, câu chuyện xe điện cần quá trình chứ không thể nhanh được.
“Các nước tiên tiến hiện có một khái niệm là 30/30. Tức là đến năm 2030 thì có 30% lượng xe tiêu thụ là xe điện, tức là 70% xe ô tô còn lại vẫn là xe xăng. Các nước Âu Mỹ vẫn cần lộ trình 10 - 15 năm để người dân, người dùng chấp nhận xe điện song song tồn tại cùng xe xăng. Đây là vấn đề xã hội, không đơn thuần là chuyện kinh tế”, ông Hiếu nói.