Hòa Bình là một tỉnh miền núi, có vị trí quan trọng là cửa ngõ phía Tây Bắc nước ta, tiếp giáp với thành phố Hà Nội và các tỉnh Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Sơn La, Thanh Hóa. Thành phố Hòa Bình là điểm kết nối, điểm dừng chân các tour du lịch từ Hà Nội và các tỉnh đồng bằng đến các tỉnh vùng Tây Bắc và ngược lại.
Giao thông đường bộ tỉnh Hoà Bình rất thuận tiện có các tuyến quốc lộ 6; quốc lộ 15A; quốc lộ 12B; quốc lộ 21; đường Hồ Chí Minh chạy qua; tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình thông xe 10/2018, rút ngắn thời gian di chuyển từ thủ đô Hà Nội và thành phố Hòa Bình còn khoảng 1 giờ ô tô chạy, 100% xã có đường ô tô; đã có 4 tuyến xe buýt hoạt động trên địa bàn tỉnh kết nối đến các khu, điểm du lịch với nhau.
Sông Đà chảy qua địa phận tỉnh Hòa Bình nối liền với tỉnh Sơn La và tỉnh Phú Thọ, có các cảng lớn như cảng Bích Hạ, cảng Ba Cấp, cảng Thung Nai, cảng Bình Thanh. Sông Bôi nối với tỉnh Hà Nam… tạo điều kiện cho giao thông đường thủy và thuận tiện cho các tour du lịch sông nước liên tỉnh.
Hoà Bình được xem là trung tâm văn hoá Mường với bốn Mường nổi tiếng Bi, Vang, Thàng, Động với các dòng tộc quan lang có vị thế quyền lực nổi tiếng: Đinh, Quách, Bạch, Hà và 177 quần thể di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Những nét văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần được lưu truyền và gìn giữ từ đời này qua đời khác qua hơn 63 lễ hội cộng đồng dân tộc được tổ chức hàng năm như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi (huyện Tân Lạc); Lễ hội Đền Bờ (huyện Cao Phong và Đà Bắc); Lễ hội chùa Tiên (huyện Lạc Thủy); Lễ hội Xên Mường (huyện Mai Châu); lễ hội Cồng Chiêng... Phong tục tập quán của người dân đất Mường như “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui” văn hoá ẩm thực với đặc sản là cỗ lá, cơm lam, rượu cần... Nhiều bản làng của người Mường, người Thái trở thành những điểm tham quan du lịch: bản Lác (Mai Châu); bản Lũy, xã Phong Phú (huyện Tân Lạc); bản Trụ, xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình; bản Mường Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong với hàng trăm ngôi nhà sàn còn giữ được nguyên bản từ nhà cửa đến nếp sinh hoạt, hệ thống dẫn nước, cối giã gạo cùng các phong tục tập quán đã và đang trở thành điểm du lịch đầy hấp dẫn, thu hút hàng ngàn lượt khách quốc tế từ Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thuỵ Sỹ, Hàn Quốc.
Bản Lác ( huyện Mai Châu) là một trong những điểm du lịch thú vị và được nhiều du khách lựa chọn cho các chuyến du lịch trải nghiệm |
Hồ Hòa Bình có diện tích mặt nước 8.000 ha, dung tích 9,5 tỷ mét khối nước là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, được ví như một “Vịnh Hạ Long trên núi” gồm 47 hòn đảo lớn nhỏ, có đảo được cải tạo thành khu du lịch hấp dẫn nhiều du khách như: đảo Dừa, đảo Bè Bạn, đảo Cối Xay Gió... điểm thăm quan tâm linh, văn hoá, du lịch nổi tiếng như đền Bờ, động Thác Bờ, vịnh Ngòi Hoa, động Hoa Tiên...Lễ hội đền Bờ diễn ra từ mùng 7/1 âm lịch và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tới thăm quan, làm lễ và thưởng thức những món ăn do chính người dân bản địa nuôi trồng và chế biến như: cá hun khói, rau rừng đồ chấm lòng cá, thịt lợn nướng... Đến nay, hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phát triển thành Khu du lịch Quốc gia.
Vẻ đẹp thiên nhiên của danh lam Hồ Hòa Bình |
Nơi đây có nhiều hang động đẹp nằm ngay giữa núi rừng ngàn thiêng như: quần thể hang động Núi đầu Rồng, huyện Cao Phong; quần thể hang động Chùa Tiên (huyện Lạc Thủy); động Ngòi Hoa, Nam Sơn (huyện Tân Lạc); động Trung Sơn (huyện Lương Sơn). Đây là những địa chỉ cho du khách thích du lịch mạo hiểm như: leo núi, đi bộ, tắm suối. Các điểm thể thao giải trí dù lượn (huyện Lạc Sơn), xe đạp địa hình trên đập thủy điện Hòa Bình đang được du khách trong nước và quốc tế, đơn vị lữ hành ưa thích.
Bốn khu bảo tồn thiên nhiên: Pu Canh (Đà Bắc), Ngọc Sơn-Ngổ Luông (Tân Lạc, Lạc Sơn), Thượng Tiến (Kim Bôi), Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) chứa đựng nhiều gen đa dạng sinh học thực vật và động vật; suối nước khoáng Kim Bôi có nhiệt độ 34- 360 C, với trữ lượng 300 triệu lít/ năm; Quần thể danh lam thắng cảnh khu du lịch chùa Tiên, khu du lịch hồ Hòa Bình; các danh thắng thác Tú Sơn, thác Thăng Thiên, thác Mu; các khu resort 5 sao như: Kim Bôi Resort, Serena Resort, Mai Châu Ecolodge, Mai Châu Villas; sân golf Phượng Hoàng; Dự án cáp treo và khu phức hợp vui chơi giải trí sân Golf xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình; khu du lịch nghỉ dưỡng Mai Đà Resort, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc; khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc; khu đô thị sinh thái, xã Phú Minh - Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn; khu du lịch tâm linh Đại Thiên Cung (huyện Yên Thủy); tuyến du lịch đường thủy liên hồ trên sông Đà (Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu)... Tất cả đều là điểm đến không nên bỏ qua của du khách.
Ngoài ra, đến các homestay tại bản Đá Bia (xã Tiền Phong); bản Ké, xóm Ké (xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc)..., du khách sẽ được tham gia sinh hoạt sản xuất và tìm hiểu đời sống, khám phá trải nghiệm cảnh quan hiếm có ở vùng hồ sông Đà; thưởng thức những món ăn bình dị gắn với cuộc sống của người dân bản địa.
Cuối năm 2018, tỉnh Hòa Bình đã trao Quyết định chủ trương đầu tư về du lịch và bất động sản cho 9 nhà đầu tư, thực hiện 9 dự án; ký Bản ghi nhớ đầu tư với 15 nhà đầu tư, thực hiện 19 dự án trên địa bàn tỉnh với mức đầu tư lên tới 94.000 tỷ đồng. Năm 2019, tỉnh đón gần 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 400 ngàn lượt khách quốc tế, tổng thu từ hoạt động du lịch dự kiến đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, đóng góp không nhỏ cho ngân sách địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đang có 407 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 32 khách sạn, 233 nhà nghỉ và 142 nhà sàn.
Từ ngày 6- 10/12, tại tỉnh Hòa Bình sẽ diễn ra sự kiện Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019. Đây là sự kiện được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa, vùng đất, con người tỉnh Hòa Bình qua đó quảng bá tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.
Trần Thanh (Thực hiện)