Lời Tòa soạn: Thời gian qua, các cơ quan quản lý đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo và xử phạt những doanh nghiệp có vi phạm trong hoạt động kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng. Theo đó, nhiều cá nhân đơn vị đã thực hiện các thủ đoạn như: Sử dụng các trang web chui, mạng xã hội quảng cáo thổi phồng công dụng; cho nhân viên bán hàng mạo nhận bác sĩ để tư vấn online để dẫn dụ, dọa dẫm đánh vào tâm lý "có bệnh vái tứ phương" của người bệnh; thuê công ty sản xuất một ít sản phẩm theo đúng chất lượng đã đăng ký để mang tính chất "làm mẫu" còn lại tự tổ chức sản xuất với công nghệ và nguyên liệu không đạt chuẩn... cùng muôn vàn chiêu trò để "lách luật" cũng như né tránh nhiệm với khách hàng. Từ thông tin phản ánh của bạn đọc, phóng viên DNVN đã theo dõi, tìm hiểu một hệ thống đứng sau hàng chục sản phẩm hiện đang được quảng cáo và bán tràn lan trên internet.
Sau khi thông tin về những "bác sỹ online" kê đơn, phán bệnh mời chào người tiêu dùng mua thực phẩm chức năng (TPCN) được báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng cũng đã ra quân kiểm tra xử lý, xử phạt thậm chí thu hồi không ít các sản phẩm. Nhưng vấn nạn này vẫn ngày một xuất hiện nhiều hơn với những chiêu thức tinh vi.
Những quảng cáo "nổ" được cắt ghép với hình ảnh các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ danh tiếng tràn lan trên mạng xã hội rất dễ khiến người dân hiểu lầm. |
Kỳ trước, Doanh nhân Việt Nam có đăng tải bài viết “Lật tẩy “chiêu trò” quảng cáo thổi phồng TPBVSK Yakumi có công năng như thuốc chữa bệnh” xoay quanh việc tung hô, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) như một “thần dược” có thể đặc trị dứt điểm bệnh lý dạ dày, đại tràng từ 1-3 liệu trình mà không lo tái phát...
Đáng nói, để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng những người kinh doanh sản phẩm này đã sử dụng các hình ảnh những diễn viên, ca sĩ nổi tiếng, những vị giáo sư, bác sĩ danh tiếng, có sức ảnh hưởng để lồng ghép cắt dán vào các sản phẩm khiến cho người tiêu dùng tin tưởng và hiểu lầm các sản phẩm này có thể chữa được dứt điểm bệnh lý như một “thần dược”.
Theo bản tiếp nhận đăng ký Công bố sản phẩm Cục ATTP (Bộ Y tế) cấp, YAKUMI được cấp phép lưu hành là TPBVSK do Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Phamaco, MST 0107992290, đại diện pháp luật là ông Nguyễn Đình Dương chịu trách nhiệm công bố, có địa chỉ tại P203, tòa nhà 86 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Thế nhưng, ghi nhận thực tế của pv ngày 04/1/2021, Công ty này đang trong tình trạng “vườn không nhà trống” không hề hoạt động tại địa chỉ như đăng ký. Trước những dấu hiệu bất thường trên, PV đã gửi hồ sơ liên quan tới cơ quan Thuế để được sáng tỏ.
P203 tòa nhà 86 Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội - địa chỉ hoạt động của Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Phamaco theo giấy phép. Liệu có phải đang sửa chữa như những gì Công ty này thanh minh với Chi Cục Thuế quận Thanh Xuân, Cục Thuế Hà Nội? |
Đến ngày 5/2/2020, đại diện Phòng tuyên truyền hỗ trợ (HAN) – Cục Thuế Hà Nội cho biết “theo kiểm tra của Chi Cục Thuế quận Thanh Xuân, Công ty này vẫn đang thuê địa chỉ P203, tòa nhà 86 Lê Trọng Tấn đến hết tháng 7/2021. Khi đoàn xuống kiểm tra, họ vẫn hoạt động”. Đại diện Cục Thuế thông tin thêm “phía công ty nói rằng đang sửa lại văn phòng và do phong thủy nên Công ty đang ngồi tạm ở phòng bên cạnh”. Nhưng khi PV hỏi ngồi tạm tại phòng nào thì vị này lại nói “không biết phòng bên phải hay bên trái”.
Tuy nhiên, thực tế theo quan sát của phóng viên, cả phòng bên phải và bên trái đều không có phòng nào gắn biển hiệu tên công ty này hoạt động. Còn tại trụ sở chính (P203) cũng không hề có thông báo nào là văn phòng đang sửa chữa hay Công ty tạm chuyển hoạt động về đâu?
Luật sư Ngô Mạnh Tân – Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội cho biết: Đối với hành vi không treo biển Công ty có thể bị phạt vi phạm hành chính lên đến 15 triệu đồng. Căn cứ khoản 4 Điều 37 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/06/2020 quy định: “4. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành”.
Như vậy, doanh nghiệp có nghĩa vụ gắn tên tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện. Tên doanh nghiệp được gắn trên biển hiệu công ty, đây là nghĩa vụ bắt buộc, công ty nào không thực hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Điểm C khoản 2 điều 34 nghị định số 50/2016/NĐ-CP quy định: “2.Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: c) Không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; không viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; Thêm vào đó, công ty vi phạm còn buộc phải gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp theo quy định.
Đáng chú ý, một nhân viên kinh doanh cho thuê văn phòng tại tòa nhà này chia sẻ, căn phòng P203 đang được thông báo cho thuê vì đã trống hàng tháng, tại thời điểm phóng viên có mặt tại P203 thì tại đây không hề có dấy hiệu nào đang sửa chữa và cũng không hề có ai sửa chữa, hoạt động gì.
Trước những thực tế trên, dư luận không khỏi hoài nghi về việc có hay không Công ty này đăng ký hoạt động kiểu chống đối nhằm qua mặt sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng? Để rộng đường dư luận, vào ngày 19/4 PV đã có mặt tại tòa nhà 86 Lê Trong Tấn nhưng toàn bộ các căn phòng tại đây này không hề có phòng nào gắn biển tên Công ty PHAMACO. Tại phòng 203 hiện không còn biển phòng mà chỉ có biển "PHÒNG ĐÀO TẠO" và phòng bên cạnh là "PHÒNG GIÁM ĐỐC" của Công ty cổ phần phát triển đầu tư Bất Động sản Tân Hoàng Gia đang hoạt động.
Tìm hiểu được biết, không chỉ có TPBVSK YAKUMI do ông Dương chịu trách nhiệm mới sử dụng các “chiêu trò” kiểu này mà hàng loạt các TPBVSK khác cũng đang được hô biến như “thần dược”, được các "bác sỹ online" phán bệnh, bốc thuốc tràn lan ở khắp các trang mạng xã hội với hàng loạt các công ty, sản phẩm có tên gọi vô cùng "bắt tai".
Cụ thể là CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM LOCIFA, MST 0109094662, địa chỉ tại P204 tầng 2, số 86 Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) với sản phẩm TPBVSK ZAWA được quảng cáo rầm rộ tại rất nhiều các website khác nhau như website http://zawa.livebuy.biz là “ZAWA sản phẩm sinh lý dạng nước đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ số 1 của Nhật Bản”; 28.000 khách hàng của chúng tôi cảm thấy hài lòng trong chuyện “chăn gối” sau khi sử dụng sản phẩm Zawa hay như website zawaplus.vn “lộ trình điều trị 30 ngày cho phong độ đink kow”,... Cùng hàng loạt các hình ảnh ca sĩ, diễn viên tên tuổi, các bác sĩ danh tiếng được đính kèm khiến người tiêu dùng tưởng thật, hiểu lầm là thuốc.
Hình ảnh Sản phẩm từ lò sản xuất TPBVSK của ông Nguyễn Đình Dương được quảng cáo hết sức phô trương, trái với thuần phong mỹ tục. |
Cũng tương tự như Công ty TNHH Thương mại Phamaco, CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM LOCIFA cũng không hề hoạt động tại địa chỉ đăng ký trên giấy phép. Theo ghi nhận thực tế của PV ngày 04/1/2021, đang hoạt động tại P204 tòa nhà 86 Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội là FOREX LỘC PHÁT TEAM chứ không có công ty nào là CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM LOCIFA.
Liên quan tới Công ty LOCIFA, ngày 5/2/2021 đại diện Phòng tuyên truyền hỗ trợ - Cục Thuế Hà Nội cho biết, Công ty này không hề hoạt động tại địa chỉ như đã đăng ký trên giấy phép, “CCT quận Thanh Xuân đang làm thủ tục ra thông báo NNT không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký theo quy định.”
Theo giấy phép đăng ký đây là trụ sở hoạt động của Công ty cổ phần Dược phẩm Locifa. Nhưng thông tin từ vị đại diện Cục Thuế Hà Nội thì Locifa không hề hoạt động tại địa chỉ trên. |
Cũng liên quan tới các sản phẩm thuộc các Công ty do ông Nguyễn Đình Dương là người đại diện pháp luật, chịu trách nhiệm công bố. Trước đó, có TPBVSK ĐÀO THI và KVOIMEN thuộc Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế Medicom (ông Nguyễn Đình Dương là người đại diện pháp luật) đã bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt 100.000.000 đồng do vi phạm pháp luật.
Liệu rằng các thành phần thảo dược, các công năng thực tế của mỗi sản phẩm này có được đảm bảo đúng như những gì sản phẩm này đang được quảng cáo trên các trang mạng xã hội hay đó chỉ là các chiêu trò tinh vi, kỹ xảo “bình mới rượu cũ thay tên đổi mã sản phẩm, tên công ty nhằm qua mặt cơ quan chức năng, lừa dối người tiêu dùng... để trục lợi cá nhân? Rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra, xử lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng có người tiêu dùng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.