Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Cảnh báo tình trạng ô nhiễm vi nhựa trong bầu khí quyển

TDVN 11:00 06/05/2021

Hàng nghìn tấn vi nhựa hiện tại lơ lửng trong không khí, thậm chí di chuyển trong bầu khí quyển Trái Đất tới khắp các lục địa, gây ra những rủi ro tiềm tàng cho hệ sinh thái.

Một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Utah và Đại học Cornell (Mỹ) vừa công bố báo cáo cho thấy, mặc dù phần lớn chất thải nhựa được chôn trong các bãi chôn lấp, đốt hoặc tái chế, nhưng có đến 18% phát tán ra ngoài môi trường. Do các sản phẩm nhựa không dễ phân hủy nên sẽ thường bị phân mảnh thành vi nhựa (những hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm) cho đến khi đủ nhỏ để bị cuốn vào không khí.

Dựa vào dữ liệu vi nhựa trong khí quyển từ miền Tây nước Mỹ được thu thập trong giai đoạn 2017-2019, nhóm nghiên cứu đã ước tính, hằng năm có khoảng 22.000 tấn vi nhựa di chuyển chỉ riêng trong phạm vi nước này.

“Vi nhựa di chuyển trong khí quyển tới khắp mọi nơi trên thế giới. Không nơi nào là an toàn khỏi ô nhiễm vi nhựa. Đó là kết quả từ hoạt động sử dụng nhựa của con người trong những thập kỷ qua”, nhà khoa học Janice Brahney nhấn mạnh.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, tại Mỹ, hoạt động giao thông đường bộ là con đường phát tán nhựa vào không khí phổ biến nhất (chiếm 84%), trong khi số còn lại xuất phát từ đại dương (11%) và bụi đất nông nghiệp (5%). Tuy nhiên, 3 nguồn trên có thể góp phần vào mức độ ô nhiễm vi nhựa khác nhau tùy theo mỗi khu vực địa lý.

Ô nhiễm hạt vi nhựa đang là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu. Ảnh minh họa

Khi xâm nhập vào bầu khí quyển, vi nhựa có thể tồn tại trong không khí tới 6,5 ngày. Đây là khoảng thời gian đủ để chúng di chuyển xuyên lục địa và thậm chí đến cả những nơi chưa hề bị ô nhiễm bởi tác động của con người như Bắc Cực hay Nam Cực. Nghiên cứu cũng liệt kê một số “điểm nóng” về vi nhựa hiện nay bao gồm Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Địa Trung Hải và Bắc Phi.

Trước đó, trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo về sự ô nhiễm đáng kể của bầu khí quyển và yêu cầu nghiên cứu khẩn cấp về các tác động sức khỏe tiềm ẩn đối với con người.

Theo nghiên cứu này, nồng độ ô nhiễm vi mô đã được tìm thấy trong tuyết từ Bắc Cực đến dãy Alps. Nghiên cứu cũng cho thấy tuyết thu giữ các hạt từ không khí khi nó rơi xuống và các mẫu băng trôi trên đại dương từ Greenland đến Svalbard chứa trung bình 1.760 hạt vi nhựa trong mỗi lít nước. Thậm chí nhiều hơn - trung bình 24.600 mỗi lít xuất hiện tại các khu vực châu Âu.

Các nhà khoa học nhận định, gió là một yếu tố chính lan truyền ô nhiễm hạt vi nhựa trên toàn cầu. Trước thực trạng này, các nhà khoa học kêu gọi nghiên cứu về tác dụng của hạt vi nhựa trong không khí đối với sức khỏe con người, chỉ ra một nghiên cứu trước đó đã tìm thấy các hạt trong mô phổi của người ung thư.

Hồi tháng 6/2019, một nghiên cứu khác cho thấy con người ăn ít nhất 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm. Nhiều triệu tấn nhựa bị thải ra môi trường mỗi năm và bị phân hủy thành các hạt nhỏ và sợi không phân hủy sinh học. Những hạt này, được gọi là hạt vi nhựa (microplastic) hiện đã được tìm thấy ở khắp mọi nơi từ vùng núi cao đến đại dương sâu và có thể mang theo hóa chất độc hại và vi khuẩn gây hại.

Các nhà khoa học cho biết thêm, hạt vi nhựa là những mẫu nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm. Ô nhiễm hạt vi nhựa được gây ra chủ yếu do sự phân hủy rác thải nhựa và tình trạng này đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hạt vi nhựa ở trong không khí, đất, sông hồ và kể cả những vùng biển sâu nhất trên thế giới.

Các hạt vi nhựa cũng được tìm thấy trong nước máy, nước đóng chai, hải sản và bia. Chúng cũng được tìm thấy trong các mẫu phân người lần đầu vào tháng 10/2018 – bằng chứng cho thấy con người đã ăn phải hạt vi nhựa. Thực tế, phần lớn thực phẩm và nước uống vẫn chưa được kiểm tra, và nghiên cứu trên chỉ mới ước tính 15% lượng calorie mà con người tiêu thụ.

Theo ViệtQ

Link gốc : http://vietq.vn/canh-bao-tinh-trang-o-nhiem-vi-nhua-trong-bau-khi-quyen-d186500.html

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo tình trạng ô nhiễm vi nhựa trong bầu khí quyển tại chuyên mục Cảnh báo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cảnh báo