Trong nghiên cứu, 16 người đàn ông được chia ra làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất ăn sáng với khẩu phần 1,5 gram carbohydrate/kg trong lượng cơ thể. Nhóm thứ hai chỉ uống nước, theo Runner’s World.
Hai tiếng sau, họ được yêu cầu thực hiện 4 hiệp squat và nâng tạ ngực, 10 cái/hiệp. Trọng lượng tập nặng nhất là 90% trọng lượng tạ tối đa mỗi người có thể nâng.
Những người tham gia cũng ghi lại mức độ đói, no, thèm ăn và những gì họ cảm nhận vào lúc trước, trong và sau khi ăn sáng.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ở nhóm ăn sáng đầy đủ, họ có thể squat và nâng tạ với số lần nhiều hơn đáng kể so với nhóm không ăn sáng.
Cụ thể, nhóm này tập squat với số lần nhiều hơn 15%, đẩy ngực nhiều hơn 6%. Dù nghiên cứu thực hiện ở nam giới nhưng các nhà khoa học tin rằng kết quả cũng tương tự nếu thực hiện trên phụ nữ.Hiện vẫn chưa thể đưa ra lời giải thích chuẩn xác cho hiện tượng này. Nguyên nhân rất có thể là do bữa ăn sáng đã giúp tăng đáng kể lượng glycogen dự trữ trong gan và cơ bắp. Điều này có nghĩa là glycogen sẽ cung cấp nhiều năng lượng hơn cho cơ thể khi tập luyện, Runner’s World dẫn lời tiến sĩ Lewis James, chuyên gia khoa học thể thao tại Đại học Loughborough (Anh) và là một trong những tác giả của nghiên cứu.
Không ăn sáng không chỉ khiến cơ thể thiếu năng lượng, mà còn gây mất tập trung vì đói. Chính điều này đã góp phần khiến sức mạnh, sức bền của những người không ăn sáng đều bị giảm đáng kể trong phòng gym.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý là những người tham gia đều có thói quen ăn sáng. Do đó, việc chỉ uống nước mà không ăn sáng có thể ảnh hưởng đến họ nhiều hơn những người thường xuyên nhịn ăn sáng.
Với những người có thói quen bỏ bữa sáng, kết quả có thể khác. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn khuyến cáo những người muốn đạt hiệu suất tập luyện cao thì hãy ăn sáng.
Bữa ăn này của họ phải cân bằng với carbohydrate, protein và hạn chế chất béo. Chất béo sẽ dễ gây khó tiêu.
Theo Runner’s World.