Cuối năm, đặc biệt là giáp Tết Nguyên đán, hạt dẻ khá hút khách. Cũng chính vì được ưa chuộng nên một lượng lớn hạt dẻ từ Trung Quốc nhanh chóng tràn vào Việt Nam chiếm lĩnh thị trường và được gắn với nhiều mác khác nhau. Hạt dẻ Trung Quốc 50-60.000 đồng/kg gắn mác hạt dẻ Trùng Khánh, Sapa thổi giá cao gấp 3.
Theo ghi nhận, hiện mức giá trên thị trường phổ biến từ 50.000-60.000 đồng/kg đối với hạt dẻ sống, hạt đã khía là 65.000-70.000 đồng/kg. Còn hạt đã rang nóng là 80.000-100.000 đồng/kg. Thậm chí có nơi rao bán 200.000 đồng/kg.
Loại hạt dẻ được rao bán đều là loại hạt dẻ to, bóng bẩy, đẹp mắt, ruột vàng và để được khoảng 3 tháng nếu cấp đông. Hạt dẻ ăn có vị béo, ngậy bùi bở nên được rất nhiều người ưa thích. Song, hạt dẻ trên thị trường hiện nay đều là hàng Trung Quốc nhưng lại được gắn mác Lào Cai, Cao Bằng để dễ bán và bán giá cao hơn.
Chị Mai Anh, một thương lái chuyên cung cấp hạt dẻ cho biết, hạt dẻ chị đang bán là hạt dẻ Lào Cai, giá 80.000 đồng/kg. “Hạt dẻ chị nhập từ Lào Cai, ăn ngon và thơm chứ không như hàng 50 nghìn đâu”, chị này quảng cáo. Cũng theo chị Mai Anh , chị lấy hạt dẻ ở Lạng Sơn, mỗi lần nhập khoảng 3 tạ sống với giá 45.000-50.000 đồng một kg (chưa bao gồm phí vận chuyển). Do đó, chị bán giá 80.000 đồng mỗi kg. Không rõ về nguồn gốc xuất xứ nhưng chị kể, đơn vị nhập sỉ báo là hàng Sapa. Tương tự, cô Bích, một đầu nậu khác cũng chuyên cung cấp hạt dẻ cho biết, chỉ bán hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng) với giá 200 nghìn đồng/kg.
“Hàng tôi bán dám khẳng định chắc nịch một câu đây là hàng chuẩn, xịn chứ không phải hàng Trung Quốc. Hạt dẻ Trùng Khánh hiếm nên có giá đắt, nó có vị ngọt bùi tự nhiên, phần ruột đầy đặn, mềm bở, thơm ngậy khác với hạt dẻ Trung Quốc. Hơn nữa, hạt dẻ Trung Quốc muốn có quanh năm là trước khi thu hoạch phun thuốc 3 lần (trước khi ra hoa, đang ra hoa, và khi ra quả), khi luộc chín không có mùi thơm”, cô Bích cam kết. Là đầu mối chuyên sỉ hạt dẻ ở Lạng Sơn, anh Tuấn vừa nhập khoảng 20 tấn phân phối cho các khách sỉ ở 2 miền Nam Bắc. Năm nay giá hạt dẻ thấp hơn so với mọi năm.
Anh Hòa cũng cho biết, hạt dẻ Trung Quốc về Việt Nam đang chiếm tới 80% lượng hàng vì giá rẻ, chất lượng cũng ổn định. Theo anh Tuấn, các đầu mối gắn mác Sapa, Thái Lan để tăng giá bán chứ hàng này số lượng không nhiều. Hạt dẻ Sapa đa phần được người dân nhặt về để dành ăn chứ không bán.
Còn hàng Thái Lan, giá cao nên ít đầu mối nhập. Trong khi đó, hạt dẻ Trung Quốc mẫu mã đẹp, bùi, ngon lại giá cả hợp lý nên người mua chuộng. Trong khi đó, hạt dẻ Trùng Khánh quả nhỏ và không to đều như hạt dẻ Trung Quốc, hơn nữa mùa hạt dẻ Trùng Khánh chỉ kéo dài sau mùa thu hoạch hơn một tháng, từ tháng 8 đến tháng 9 (âm lịch).
Hạt dẻ tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng được bà con trồng theo lối quảng canh, không chăm sóc, đầu tư bài bản nên sản lượng thấp. Hơn nữa việc thu hoạch cũng theo kiểu nhặt các hạt rơi xuống gốc cây nên không được nhiều. Vì thế, hạt dẻ còn không đủ để bán, người dân ở Cao Bằng chưa chắc đã mua được hạt dẻ Trùng Khánh chứ đừng nói là bán tràn lan khắp ở Hà Nội, các tỉnh thành. Được biết, năm 2001, khi tỉnh Cao Bằng phê duyệt Dự án trồng hạt dẻ ở 3 huyện Trùng Khánh, Quảng Uyên, Hạ Lang với tổng diện tích 2.500 ha.
Tuy nhiên, dự án đã thất bại do cách làm thiếu khoa học, thiếu tính thực tế. Hiện nay những hộ trồng hạt dẻ không nhiều, đến vụ không kịp đem ra chợ bán vì tư thương, người quen thị trấn đặt mua hết tại vườn.
Chi tiết trên tờ Tiêu Dùng - KTĐT.
Phúc Lâm