Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 23/11/2024

Hàng giả đi đường chính ngạch, lực lượng chức năng gặp khó

sohuutritue.net.vn 10:51 31/07/2022

Hiện nay, việc quản lý môi trường kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử còn lỏng lẻo khiến việc đưa hàng giả vào lưu thông khá rầm rộ. Lực lượng chức năng cũng gặp khó với những thủ đoạ

Tại tọa đàm "Nhận diện và giải pháp ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại", ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công Thương) cho biết giai đoạn năm 2018, 2019 tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là hàng nhái hàng giả rất nhức nhối. Đến năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát thì tình trạng hàng lậu giảm đi rất nhiều, bởi trước đó các lực lượng làm nhiệm vụ QLTT đã hoạt động rất tích cực. Bắt đầu từ đầu năm 2022, khi dịch COVID-19 được kiểm soát thì tốc độ cũng như quy mô và đặc biệt là tính phức tạp của vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng tăng.

Đặc biệt, ông cho biết từ đầu năm đến nay, phía Trung Quốc vẫn đang cấm biên, hàng hóa không đi qua được những kênh như đường mòn lối mở, mà buộc phải đi chính ngạch. Chính vì vậy nên các đối tượng làm hàng giả đã tìm cách để luồn lách qua kênh chính ngạch, việc sản xuất, rồi thẩm lậu hàng giả vào trong thị trường nội địa cũng rất phức tạp. Ngay trong nội địa vẫn có những đối tượng ở các làng nghề tiếp tục sản xuất hàng giả, tập trung chủ yếu vào đồ thực phẩm.

hang gia

"Cách đây một tháng, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện cơ sở sản xuất mật ong giả ngay trong một hộ gia đình và chỉ bán trên Facebook. Đấy là những thứ rất nguy hiểm đến sức khỏe của người dân" - ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết.

Đánh giá về thực trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại thời gian qua, ông Linh cho biết thêm, tính riêng từ đầu năm 2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tốc độ cũng như quy mô và tính phức tạp của hàng giả đã gia tăng. Hàng giả trước đây chỉ có ở một số sản phẩm mỹ phẩm, đồ gia dụng... nhưng giờ hàng giả xuất hiện cả ở mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp cho đến xăng dầu với tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Ông Linh cũng chỉ ra thực trạng do thị trường phát triển nhiều kênh giới thiệu, quảng bá sản phẩm cùng những cách thức mua sắm dễ dàng cũng tạo điều kiện cho hàng lậu, hàng giả, nhái có cơ hội phát triển, nhất là trên các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử. Lợi dụng dịch vụ chuyển phát, hàng giả được sản xuất và vận chuyển tương đối công khai khiến cho các lực lượng chức năng rất khó đối phó.

Thời gian vừa qua, hoạt động chống hàng nhái, hàng giả đã tập trung vào tuyên truyền nâng cao nhận thức ở các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng. Bên cạnh đó là tăng nặng chế tài xử phạt.

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng hàng giả không phải chỉ là vấn đề lợi nhuận mà còn liên quan đến tâm lý của người tiêu dùng. Người tiêu dùng biết là giả nhưng vẫn mua bởi giá rẻ lại được sở hữu thương hiệu nổi tiếng, nên muốn thay đổi tâm lý và thói quen tiêu dùng. Còn với doanh nghiệp chủ sở hữu các nhãn hiệu hàng hóa chân chính cũng đã phải rất nỗ lực trong việc đấu tranh với hàng giả.

Khuyến cáo tới doanh nghiệp, ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho rằng, sản phẩm của doanh nghiệp phải có đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thương hiệu, nhãn hiệu nhận diện để được cơ quan quản lý nhà nước công nhận và làm căn cứ xử lý trước pháp luật đối với các đối tượng làm giả sản phẩm. Trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp vẫn không đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước. Bởi khi lực lượng chức năng xử lý những trường hợp doanh nghiệp bị làm giả hàng hóa, ngay bản thân doanh nghiệp cũng không chứng minh được sản phẩm chính hãng của mình thì sẽ rất khó.

Theo Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tình trạng mua bán trên các mạng xã hội rất phổ biến, tuy nhiên việc kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng bày bán là rất khó khi mà việc trao đổi, mua bán diễn ra trực tiếp giữa người mua và người bán không thông qua đơn vị kiểm soát chất lượng. Người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại về mua hàng trên mạng chất lượng không như quảng cáo, mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng... ngày càng gia tăng. Trong đó, nhiều địa chỉ bán hàng của cá nhân trên mạng không đăng ký với các cơ quan chức năng nên rất khó trong việc xác minh, xác định tên và địa chỉ người vi phạm. Nhiều trường hợp bị phản ánh đã khóa tài khoản không liên hệ được.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/hang-gia-di-duong-chinh-ngach-luc-luong-chuc-nang-gap-kho-d146664.html

Bạn đang đọc bài viết Hàng giả đi đường chính ngạch, lực lượng chức năng gặp khó tại chuyên mục Cảnh báo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cảnh báo
Bức tranh nợ xấu tại các ngân hàng sớm công bố báo cáo tài chính thể hiện sự trái chiều. Bên cạnh những nhà băng kiểm soát tốt, vẫn có nơi nợ xấu lên tới 10,8%.