Giấy chứng nhận mà bạn đọc cung cấp cho tòa soạn mang tên Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thực phẩm Thái Anh (địa chỉ tại 112 Đường 11, khu phố 4, Phường Phước Bình, Quận 9, TP. HCM).
Qua tìm hiểu của phóng viên, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thực phẩm Thái Anh là ông Nguyễn Viết Cường (sinh năm 1981, quê Hà Tĩnh). Doanh nghiệp này chính thức hoạt động ngày 27/11/2014 với ngành nghề chính là bán buôn thực phẩm (cụ thể là bán buôn thịt và các sản phẩm từ thịt; bán buôn thủy sản; bán buôn rau, quả).
Theo hình ảnh giấy chứng nhận (đã được xác nhận là giả) mà bạn đọc cung cấp cho tòa soạn, quy trình thực hành sản xuất của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thực phẩm Thái Anh được chứng nhận phù hợp với TCVN 4653/QĐ-BNN-CN thực hành tốt quy trình chăn nuôi (VietGap).
Địa chỉ tiến hành đánh giá trước khi chứng nhận là tại ấp Hòa Bình, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Các sản phẩm trong diện đánh giá gồm gia súc (heo thịt, heo nái) với diện tích 1.200 m2, sản lượng 1080 con/179 tấn/năm và gia cầm (gà thịt, gà đẻ trứng) với diện tích 1.420 m2, sản lượng 36.000 còn/136 tấn/năm.
Hình ảnh bạn đọc cung cấp cho thấy giấy chứng nhận được cấp bởi Công ty Cổ phần chứng nhận và giám định TPP. Tuy nhiên, khi phóng viên Chất lượng Việt Nam Online gọi điện xác minh, đại diện của TPP cho biết, công ty này không có năng lực và không được phép tiến hành chứng nhận VietGap về lĩnh vực chăn nuôi.
Thêm vào đó, TPP cũng không cấp chứng nhận cho doanh nghiệp nào có tên là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thực phẩm Thái Anh. Điều này đồng nghĩa với việc giấy chứng nhận mà bạn đọc cung cấp (mang tên Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thực phẩm Thái Anh) là giả, không có hiệu lực.
Để làm rõ hơn sự việc, phóng viên đã liên hệ với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thực phẩm Thái Anh theo số điện thoại ghi trong giấy chứng nhận mà bạn đọc cung cấp. Tuy nhiên, không có ai nhấc máy. Tìm kiếm trên internet cũng chỉ thấy một vài thông tin cơ bản về doanh nghiệp này chứ không có hình ảnh hay website chính thức của công ty.
Căn cứ điều 19 thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt quy định về xử lý vi phạm của cơ sở sản xuất như sau:
Cảnh cáo bằng văn bản đến cơ sở sản xuất khi phát hiện cơ sở sản xuất có điểm không phù hợp theo yêu cầu của VietGAP. Khi bị cảnh cáo, cơ sở sản xuất phải thoả thuận với tổ chức chứng nhận về thời hạn khắc phục điểm không phù hợp và phải có hành động khắc phục đúng thời hạn. Sau khi khắc phục điểm không phù hợp, cơ sở sản xuất phải báo cáo bằng văn bản về tổ chức chứng nhận.
Đình chỉ hiệu lực của Giấy chứng nhận VietGAP và quy định thời hạn để cơ sở sản xuất khắc phục điểm không phù hợp trong trường hợp cơ sở sản xuất bị cảnh cáo nhưng không có hành động khắc phục đúng thời hạn. Thời hạn để khắc phục điểm không phù hợp không quá 06 (sáu) tháng kể từ thời điểm Quyết định đình chỉ có hiệu lực.
Giấy chứng nhận VietGAP bị hủy bỏ trong trường hợp sau đây: Không có hành động khắc phục điểm không phù hợp đúng thời hạn sau khi bị đình chỉ chứng nhận VietGAP; Xin hoãn giám sát của tổ chức chứng nhận 02 (hai) lần liên tiếp không có lý do chính đáng; Sử dụng logo VietGAP, logo hoặc dấu hiệu của tổ chức chứng nhận không đúng với quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc nội dung văn bản ủy quyền của tổ chức chứng nhận; Trong thời gian thực hiện các hành động khắc phục kể từ ngày Quyết định hủy bỏ Giấy chứng nhận VietGAP có hiệu lực cơ sở sản xuất không được đăng ký chứng nhận VietGAP. Sau khi khắc phục xong muốn chứng nhận VietGAP thì phải đăng ký lại.
Trường hợp vi phạm của cơ sở sản xuất do cơ quan kiểm tra, thanh tra phát hiện và yêu cầu xử lý thì tổ chức chứng nhận phải thông báo cho cơ quan kiểm tra, thanh tra ngay sau khi ký quyết định xử lý.
Bên cạnh đó, căn cứ điều 341 Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định đối với hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức có thể truy cứu trách nhiệm hình sự cụ thể như sau:
“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.
Trước những thông tin phản ánh trên, đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ NN&PTNT vào cuộc kiểm tra, xác minh và xử lý sai phạm (nếu có), tránh trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng giấy chứng nhận giả để lừa đảo người tiêu dùng, thu lợi bất chính.