Sau lùm xùm về việc giá của hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 cao hơn với thực tế, cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra, làm rõ nghi vấn việc mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đội giá nhiều tỷ đồng.
Giá của nhiều thiết bị cao bất thường
Theo tìm hiểu của PV, ngày 7/9/2016, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 2399 phê duyệt dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Thái Bình. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 309,333 tỷ đồng, trong đó chi phí thiết bị là 300,665 tỷ đồng với 83 hạng mục thiết bị được đề xuất mua sắm mới 100%, tiên tiến và đồng bộ.
Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt đề án vay vốn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) để đầu tư mua sắm trang thiết bị tại bệnh viện này. Theo đó, BVĐK tỉnh Thái Bình tự chủ 15% vốn (khoảng 46 tỷ đồng), số còn lại 263 tỉ đồng vay từ Ngân hàng Vietinbank, dự kiến trả trong 10 năm.
Đáng chú ý, Quyết định số 2399 chỉ định đích danh Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và đầu tư xây dựng Nam Việt (Công ty Nam Việt) là đơn vị tư vấn lập Dự án.
Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Công ty Nam Việt có trụ sở tại TP Phủ Lý (Hà Nam), ngành nghề kinh doanh không có một chữ nào liên quan đến trang thiết bị y tế. Mặc dù vậy, thông qua tư vấn của doanh nghiệp này, đến nay toàn bộ hai giai đoạn của dự án mua sắm trang thiết bị y tế, gồm toàn bộ các thiết bị công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại đã được BVĐK tỉnh Thái Bình hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Để có tiền trả nợ ngân hàng, từ ngày 18/4/2019, BVĐK tỉnh Thái Bình đã có Tờ trình số 228 gửi Sở Y tế Thái Bình đề nghị được tăng giá một số dịch vụ y tế thực hiện trên những trang thiết bị có giá trị lớn như dịch vụ chụp can thiệp mạch và hệ thống xạ trị.
Ngay hôm sau, này 19/4/2019, Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã ban hành Văn bản 308 chấp thuận cho Bệnh viện ĐK tỉnh nâng giá dịch vụ y tế. Và từ đó, giá dịch vụ tại bệnh viện này được điều chỉnh tăng, có những dịch vụ bị đội thêm tới 2,5 triệu đồng/lần so với giá quy định của Nhà nước.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhiều trang thiết bị có giá trị hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng có biểu hiện đội giá.
Cụ thể, theo Tờ trình số 228, máy chụp mạch DSA 1 bình diện của hãng Philips được BVĐK tỉnh Thái Bình mua năm 2017 với giá 30,7 tỷ đồng. Nhưng cũng tại chính bệnh viện này, theo Quyết định số 909/QĐ-NORRED.TB của Ban quản lý Dự án Norred, một chiếc máy chụp mạch DSA tương tự được mua năm 2019, lại chỉ có giá 13,1 tỉ đồng.
Tiếp đến là hệ thống máy chụp CT 16 lát hãng Siemens - Somato Scope, bệnh viện mua với giá 14,4 tỷ đồng nhưng ở một bệnh viện khác, vẫn hệ thống này thì giá trị chỉ bằng một nửa.
Đặc biệt, cũng theo Tờ trình số 228, hệ thống máy xạ trị hãng sản xuất Elekta - Thụy Điển và Máy chụp CT 32 lát trong xạ trị, BVĐK tỉnh Thái Bình mua với giá khoảng 100 tỷ đồng. Nhưng theo tìm hiểu của PV, thì hệ thống này ở một số bệnh viện khác giá chỉ khoảng trên dưới 60 tỷ đồng.
Bệnh viện Đa khoa Thái Bình nói gì?
Liên quan đến các nghi vấn đội giá mua sắm trang thiết bị trên, bà Trần Khánh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BVĐK tỉnh Thái Bình giải thích việc “máy chụp mạch DSA 1 bệnh viện Thái Bình mua hơn 30 tỷ nhưng trong dự án Norred lại chỉ có giá 13,1 tỷ đồng” là do “dự án Norred được mua sắm cho toàn quốc, chứ không phải chỉ một bệnh viện tỉnh hay đa khoa nào đó nên có thể mua số lượng lớn sẽ rẻ hơn. Hơn nữa một chiếc máy đi kèm theo đó là các phụ kiện và thời gian bảo hành, bảo dưỡng khác nhau nên tất nhiên giá khác nhau”.
Liên quan đến vụ việc, BVĐK Thái Bình đã có báo cáo gửi Sở Y tế Thái Bình. PV Báo Giao thông đã liên hệ với Chánh văn phòng Sở Y tế Thái Bình, đặt lịch làm việc với lãnh đạo Sở. Tuy nhiên, đã gần 1 tháng qua phóng viên vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi của Sở Y tế Thái Bình.
Ông Nguyễn Đức Thái, Phó giám đốc BVĐK tỉnh Thái Bình cho rằng, do hai máy mua ở hai thời điểm khác nhau, máy sản xuất ở các nước khác nhau nên giá cũng chênh nhau. “Một máy mua năm 2017, một cái năm 2019 cho nên giá cũng khác nhau. Với lại dự án Norred mua cùng một lúc 30 - 40 chiếc nên giá phải khác khi mua 1 chiếc”, ông Thái nói.
Về những nghi vấn hệ thống máy chụp CT16 lát hãng Siemens - Somato Scope; hệ thống máy xạ trị hãng sản xuất Elekta - Thụy Điển và máy chụp CT32 lát trong xạ trị bị đội giá lên hàng chục tỷ đồng, đại diện BVĐK tỉnh Thái Bình không trả lời.
“Các bạn hỏi đến thế thôi, để cho cơ quan điều tra họ vào cuộc đưa ra kết luận chính xác. Bản thân tôi là bác sỹ, không phải là chuyên gia về lĩnh vực đó, lại không phụ trách mảng này nên rất khó trả lời”, ông Thái nói.
Về việc giá dịch vụ tăng cao gấp nhiều lần so với quy định, bà Thu cho biết, thực tế bệnh viện có nâng giá hai dịch vụ chụp can thiệp tim mạch và xạ trị.
Bản thân các trang thiết bị để tiến hành các biện pháp can thiệp mạch và xạ trị này không phải được mua sắm từ nguồn vốn của Nhà nước, nên bệnh viện đã xây dựng các đề xuất để có thể phụ thu thêm. “Sau đó bộ phận tham mưu đã đề nghị Ban giám đốc Bệnh viện dừng việc phụ thu và chờ kết luận của cơ quan chức năng”, bà Thu thông tin.
Ông Nguyễn Đức Thái, Phó giám đốc Bệnh viện ĐK Thái Bình nói ngắn gọn: “Hiện Công an tỉnh Thái Bình đã vào cuộc điều tra, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ, cung cấp các hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra”.