Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Cảnh báo vaccine COVID-19 giả được mời chào tràn lan trên mạng

CHẤT LƯỢNG VN 09:39 21/01/2021

Lợi dụng tâm lý sợ bệnh của người dân, những đối tượng lừa đảo đã lập ra nhiều trang web để lừa bán các loại vaccine COVID-19 giả mạo.

Hiện nay, đã có 40 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 được phân phối trên toàn cầu. Tuy nhiên, có tới 90% số vaccine này được lưu trữ tại 10 quốc gia. Vì vậy, người dân tại nhiều nước cảm thấy nôn nóng và mong muốn sở hữu vaccine trong thời gian nhanh nhất có thể.

Lợi dụng tâm lý này của người dân các nước, một số đối tượng lừa đảo đã nhanh chóng vào cuộc và tiến hành các chiêu trò "dụ dỗ" người dùng mua vaccine. Kể từ tháng 11/2020, số lượng trang web về vaccine COVID-19 đã tăng vọt. Nhiều người đã nhận được những đường link dẫn tới những trang web chợ đen này trong email hay hòm thư spam hay các ứng dụng.

Tinh vi hơn, khi người dùng nhắn tin hỏi các những người bán ẩn danh này về việc mua vaccine, người mua sẽ nhận được câu trả lời: "Chỉ cần trả 0,01 Bitcoin, tức gần 400 USD, là có liều vaccine đủ dùng cho 1 người". Nhiều người nhẹ dạ cả tin đã trả tiền, nhưng không nhận được sản phẩm. Tuy nhiên, dù cho có nhận được sản phẩm thì chúng cũng là đồ giả và có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.

"Những người điều chế vaccine giả không hề có kiến thức về dịch tễ, về quá trình điều chế vaccine an toàn và hiệu quả. Họ có thể trộn nước hoặc chất lỏng nào đó nhìn na ná vaccine và dán một cái nhãn của một hãng dược nào đó lên", ông Mansoor Amiji, Giáo sư khoa học dược, Trường Đại học North Eastern, nhận định.

Thậm chí, với vaccine của Pfizer - một công ty dược phẩm lớn của Mỹ, nhiệt độ cần thiết để bảo quản là -70oC. Tuy nhiên, nhiều người bán đã nói dối khách mua rằng chỉ cần bảo quản ở -10oC trong ngăn đá tủ lạnh là được.

Theo nhận định của Cơ quan An ninh Mỹ, thị trường vaccine giả mạo mang lại những sự nguy hại khôn lường đối với người dân các quốc gia trên thế giới.

Qua điều tra, Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng đã phát hiện nhiều email chào hàng, hay quảng cáo spam thậm chí còn chào bán vaccine nhái dán nhãn Pfizer hay Moderna, với giá lên tới hơn 1.500 USD. Quy mô của những chiêu trò lừa đảo này không chỉ dừng ở đó. Gần đây nhất, Bộ An ninh nội địa Mỹ đã triệt phá một website giả mạo hãng dược Moderna, vừa quảng cáo vaccine COVID-19 giả, vừa lây lan phần mềm độc hại.

"Bộ An ninh nội địa Mỹ đã điều tra 68.000 website có dấu hiệu khả nghi liên quan tới những chiêu trò lừa đảo về COVID-19", ông Steve Francis, Bộ An ninh nội địa Mỹ, cho biết.

Liên quan tới vấn đề trên, Pfizer chưa có bình luận gì, nhưng Moderna khẳng định họ mới chỉ bán vaccine cho các chính phủ, đi kèm với đó là các chỉ dẫn và sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia y tế. Điều đó có nghĩa là vaccine bán trôi nổi trên mạng cho các cá nhân người tiêu dùng riêng lẻ nhiều khả năng là đồ giả.

Link gốc : http://vietq.vn/canh-bao-vaccine-covid-19-gia-tran-lan-tren-mang-d183003.html

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo vaccine COVID-19 giả được mời chào tràn lan trên mạng tại chuyên mục Cảnh báo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cảnh báo