Mối nguy hiểm khi dùng ấm siêu tốc sai cách
Theo chia sẻ của chị Phạm Quỳnh Nga (Mỹ Đình, Hà Nội), sau khi đun nước bằng ấm siêu tốc, chị đổ nước vào phích và để lại ấm vào đế đun. Quay ra rửa bát, bỗng dưng chị thấy có khói bốc nghi ngút từ đế ấm rồi chập điện, lửa bùng to từ vị trí ấm. Xung quanh đó có nhiều đồ điện như tủ lạnh, lò vi sóng, lò nướng….
Thấy lửa cháy, mẹ chị vội vàng chạy lại công tắc aptomat rồi dập nguồn. Chị vội vàng dùng nước dội vào đám cháy, may mắn không có thiệt hại đáng kể nào xảy ra.
"Nếu lúc đó cả nhà đang ngủ thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. Đặc biệt là nhà có trẻ con. Nhiều lần cháu đã tự ý bật công tắc ấm đun siêu tốc khi bên trong không có nước, nhưng phát hiện ra ngay nên không sao. Từ giờ tôi sẽ phải rút ổ điện ấm ra sau khi sử dụng, phòng tránh những tai nạn khủng khiếp có thể xảy ra", chị Nga chia sẻ.
Hiện thị trường lưu hành rất nhiều loại bình đun nước siêu tốc với giá cả và chất lượng khác nhau. Người sử dụng đôi khi lại chủ quan coi đó là đồ dùng đơn giản, không tìm hiểu kỹ, dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Thực tế đã không ít vụ tai nạn đau lòng xảy ra liên quan đến bình siêu tốc.
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, nguyên lý của ấm siêu tốc khá đơn giản, giống như một chiếc bếp điện nhưng có dòng điện lớn hơn. Khi cho nước vào ấm, nước sẽ tạo ra áp lực làm lạnh bộ phận đốt nóng phía đáy ấm. Khi bật công tắc điện, bộ phận đốt nóng này sẽ nóng dần lên, dòng điện do đó cũng lớn hơn so với bếp thường. Khi nhiệt độ đạt đến 100 độ C thì rơle nhiệt ở phía tay cầm sẽ giãn nở và tự ngắt điện. Đế của ấm siêu tốc là một vành dây có gờ để ấn rơle với phần tiếp xúc và nối với rơle nhiệt cầm tay. Có lẽ do thiết kế đơn giản như vậy, dễ làm gia công, nên mới có loại ấm giá rất rẻ, chất lượng kém.
PGS.TS. Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng Bộ môn Điện, điện tử, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, bình siêu tốc có dây điện trở nằm dưới đáy bình. Nếu dây điện trở không được cách điện tốt có thể gây hở điện, dẫn đến việc người dùng bị điện giật. Thông thường dây điện trở nằm chính giữa và được cách điện bằng lớp cát thạch anh. Tuy nhiên với những ấm kém chất lượng thì sau một thời gian sử dụng, dây điện trở bị xô lệch sang một bên, nếu người dùng vô tình sờ tay vào vỏ bình sẽ bị điện giật.
Theo ông Thịnh, một nơi dễ gây điện giật là đế bình. "Phần đế này giống như phích cắm điện không bao giờ mất điện nếu người dùng không rút điện ra. Khi nhấc bình đun ra nhưng đế bình vẫn còn cắm điện, khi vô tìm chạm vào kim loại hay trẻ con thò tay vào dễ bị điện giật. Hoặc có thể bị chập cháy như trường hợp nêu trên, nếu không phát hiện ngay rất có thể hỏa hoạn sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp", ông Thịnh lưu ý.
Ngoài ra, người Việt có thói quen ham đồ rẻ, những món đồ dù là thực phẩm tươi sống hay thiết bị điện tử, nếu có giá rẻ, mẫu mã đẹp thì phần lớn mọi người sẽ mua ngay mà chẳng cần quan tâm xuất xứ hay kiểm tra chất lượng của sản phẩm.
Đối với ấm siêu tốc giá rẻ, xuất xứ không rõ ràng, chất lượng kém, không được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Nên một số ấm khi cắm điện, dây điện của ấm không chịu tải nguồn điện của gia đình, nên dẫn đến tình trạng chập mạch, ấm bị cháy nổ.
Không những thế, các ấm siêu tốc chất lượng kém còn rất nhanh hỏng chỉ sau vài lần sử dụng, có thể là hỏng chế độ tự ngắt điện, hỏng nút đóng, mở nắp ấm, hỏng công tắc đun nước… Các ấm siêu tốc dỏm còn tốn điện khi hoạt động hơn do đun mãi nước không sôi hay không tự ngắt điện.
Sử dụng ấm siêu tốc sao cho đúng và an toàn?
Vì vậy, để sử dụng bình an toàn, ông Thịnh lưu ý, người dùng nên sử dụng những loại bình có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Trong quá trình sử dụng thường xuyên kiểm tra xem sau khi nước sôi chừng một phút bình có tự ngắt điện hay không. Nếu chức năng tự ngắt bị hỏng thì không nên sử dụng bình nữa vì không cẩn thận dễ gây cháy bình và cháy lan sang các vật dụng khác.
Nhiều người nghĩ rằng, sử dụng ấm đun siêu tốc liên tục sẽ "lợi dụng" được lúc ấm đang nóng để giảm thời gian đun, đồng nghĩa sẽ tiết kiệm điện hơn. Nhưng nguyên tắc này chỉ phù hợp với ấm đun thông thường, sử dụng bếp củi, bếp gas chứ không áp dụng được với ấm siêu tốc. Lý do là thanh rơ le của ấm siêu tốc rất mỏng, dễ bị nóng chảy nếu sử dụng ấm siêu tốc để đun liên tục. Công suất của ấm đun siêu tốc lúc đun lên tới 2.000W và nếu bạn đun liên tục rất dễ làm cho rơ le bị nóng chảy dẫn đến thiệt bị đứt mạch, gây chập, cháy… Để sử dụng ấm đun siêu tốc bền, sau mỗi lần đun, bạn nên cho nước lạnh vào ấm và để từ 15 - 20 phút, khi ấy tiếp điểm rơ le nguội đi, bạn hãy đun tiếp.
Khi sử dụng, nên đổ đúng mực nước cho phép, nếu bạn đổ nước quá ít sẽ làm bình bị đóng cặn hoặc bị cháy, còn nếu đổ nước vượt qua giới hạn cao nhất khi nước sôi dễ tràn ra ngoài gây chập điện và cháy bình rất nguy hiểm. Chỉ dùng bình đun siêu tốc để đun nước, không cho thức ăn hay gia vị vào bình, không được đun sữa. Không bật bình đun khi nắp đang mở vì như vậy chức năng tự ngắt sẽ không thể hoạt động. Ngoài ra, không nên di chuyển bình đun khi đang hoạt động. Khi sử dụng xong phải đổ hết nước ra khỏi bình vì nếu ngâm bình đun siêu tốc trong chất lỏng một thời gian dài sẽ nhanh bị hỏng.
Khi ấm bị đóng cặn sẽ làm giảm khả năng nhận nhiệt từ mâm nhiệt, khiến thời gian đun nước lâu hơn. Ngoài ra, cặn bám quá nhiều có thể khiến rơ le cảm biến nhiệt hỏng khiến ấm đun tự ngắt ngay cả khi nước chưa được đun sôi. Vì vậy, sau 1 thời gian dùng, cần làm sạch bên trong bình, tẩy sạch các cặn bám để sử dụng an toàn và tăng độ bền cho bình
Theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành có 7 loại thiết bị điện và điện tử gồm: Bàn là, lò vi sóng, lò nướng điện, dây và cáp điện, máy sấy khô tay, bình pha trà và cà phê, ấm điện loại dùng que đun chìm trong nước phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và dán tem hợp quy (CR) khi đưa ra thị trường. Nhưng trên thị trường, ngay cả các siêu thị, loại ấm siêu tốc siêu rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng/chiếc, không tem nhãn, bán nhan nhản. Trong khi tâm lý người mua thì luôn thích rẻ.
Theo các chuyên gia, với các loại ấm giá rẻ, sử dụng các linh kiện rẻ, không đảm bảo chất lượng thì rất dễ dẫn đến chập cháy. Ví dụ như mâm điện chỉ làm bằng lớp kim loại mỏng, rơle không tự ngắt là ấp sẽ bị chập, cháy khét.
Danh mục sản phẩm thiết bị điện và điện tử phải được chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy
- Dụng cụ điện đun nước nóng tức thời phải phù hợp với quy định tại TCVN 5699-2-35:2007 (IEC 60335-2-35 :2005) Thiết bị điện gia dụng và thiết bị điện tương tự. Yêu cầu cụ thể đối với bình đun nước nóng nhanh.
- Dụng cụ điện đun nước và chứa nước nóng phải phù hợp với quy định tại TCVN 5699-2-21:2007 (IEC 60335-2-21:2004) Thiết bị điện gia dụng và thiết bị điện tương tự. Yêu cầu cụ thể đối với bình đun nước nóng có dự trữ.
- Máy sấy tóc và các dụng cụ làm đầu khác phải phù hợp với quy định tại TCVN 5699-2-23:2007(IEC 60335-2-23 :2005) Thiết bị điện gia dụng và thiết bị điện tương tự. Yêu cầu cụ thể đối với thiết bị dùng để chăm sóc da hoặc tóc.
- Ấm đun nước phải phù hợp với quy định tại TCVN 5699-2-15:2007 (IEC 60335-2-15 :2005) Thiết bị điện gia dụng và thiết bị điện tương tự. Yêu cầu cụ thể đối với thiết bị đun chất lỏng.
- Nồi cơm điện phải phù hợp với quy định tại TCVN 5699-2-15:2007 (IEC 60335-2-15 :2005) Thiết bị điện gia dụng và thiết bị điện tương tự. Yêu cầu cụ thể đối với thiết bị đun chất lỏng.
- Quạt điện phải phù hợp với quy định tại TCVN 5699-2-80:2007 (IEC 60335-2-80:2005) Thiết bị điện gia dụng và thiết bị điện tương tự. Yêu cầu cụ thể đối với quạt điện.
- Bàn là điện phải phù hợp với quy định tại TCVN 5699-2-3:2006 (IEC 60335-2-3 :2005) Thiết bị điện gia dụng và thiết bị điện tương tự. Yêu cầu cụ thể đối với bàn là điện.
- Lò vi sóng phải phù hợp với quy định tại TCVN 5699-2-25:2007 (IEC 60335-2-25 :2005) Thiết bị điện gia dụng và thiết bị điện tương tự. Yêu cầu cụ thể đối với lò vi sóng, lò vi sóng kết hợp.
- Lò nướng điện, vỉ nướng điện (loại di động) phải phù hợp với quy định tại TCVN 5699-2-9:2004 (IEC 60335-2-9:2002, Adm.1:2004) Thiết bị điện gia dụng và thiết bị điện tương tự. Yêu cầu cụ thể đối với lò nướng, lò nướng bánh mỳ và các thiết bị di động tương tự dùng cho nấu ăn.
- Dây điện bọc nhựa PVC có điện áp danh định đến và bằng 450/750V phải phù hợp với quy định tại TCVN 6610-1:2007 (IEC 60227-1 :1998) Cáp cách điện bằng polyvinyl clorua có điện áp danh định đến và bằng 450/750V. Phần 1: Yêu cầu chung, TCVN 6610-3:2000 (IEC 60227-3 :1997) Cáp cách điện bằng polyvinyl clorua có điện áp danh định đến và bằng 450/750V. Phần 3: Cáp không có vỏ bọc dùng để lắp đặt cố định, TCVN 6610-4:2000 (IEC 60227-4 :1992, Adm.1:1997) Cáp cách điện bằng polyvinyl clorua có điện áp danh định đến và bằng 450/750V. Phần 4 : Cáp có vỏ bọc dùng để lắp đặt cố định , TCVN 6610-5:2007 (IEC 60227-5:2003) Cáp cách điện bằng polyvinyl clorua có điện áp danh định đến và bằng 450/750V. Phần 5: Cáp (dây) mềm.
- Dụng cụ điện đun nước nóng kiểu nhúng phải phù hợp với quy định tại TCVN 5699-2-74:2005 (IEC 60335-2-74:2002) Thiết bị điện gia dụng và thiết bị điện tương tự. Yêu cầu cụ thể đối với que đun điện.
- Dụng cụ pha chè hoặc cà phê phải phù hợp với quy định tại TCVN 5699-2-15:2007 (IEC 60335-2-15:2005) Thiết bị điện gia dụng và thiết bị điện tương tự. Yêu cầu cụ thể đối với thiết bị đun chất lỏng.
- Máy sấy khô tay phải phù hợp với quy định tại TCVN 5699-2-23:2007 (IEC 60335-2-23 :2005) Thiết bị điện gia dụng và thiết bị điện tương tự. An toàn. Phần 2-23: Yêu cầu cụ thể đối với thiết bị để chăm sóc da hoặc tóc.
Theo ViệtQ