Hà Nội, Thứ Ba Ngày 28/01/2025

Sữa Alica Sure Canxi quảng cáo sai công dụng, chất lượng trên mạng xã hội?

TDVN 14:24 11/10/2024

Dù chỉ là thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt nhưng sản phẩm Alica Sure Canxi lại quảng cáo như “thần dược” điều trị bệnh xương khớp là có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.

Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt là thực phẩm dùng cho người ăn kiêng, người già và các đối tượng đặc biệt khác theo quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX). Đây là thực phẩm được chế biến hoặc phối trộn theo công thức đặc biệt nhằm đáp ứng yêu cầu về chế độ ăn đặc thù theo thể trạng hoặc tình trạng bệnh lý và các rối loạn cụ thể của người sử dụng. Thành phần thực phẩm này phải khác biệt rõ rệt với thành phần thực phẩm thông thường cùng bản chất (nếu có). Thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt tiếng Anh là “Food for Special Dietary Uses”.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt. Trường hợp công bố thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, cá nhân, tổ chức sản xuất phải đảm bảo yêu cầu quy định tại Điều 12 Thông tư 43/2014/TT-BYT. Ngoài ra, căn cứ Điều 26 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt cần đăng ký nội dung trước khi quảng cáo.

Đối với quy định quảng cáo sản phẩm, theo khoản 1, 2, 3 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm ngoài việc phải tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo còn phải tuân thủ quy định sau: Trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành.

Nội dung quảng cáo phải phù hợp công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Thời gian qua, tòa soạn Chất lượng Việt Nam nhận được phản ánh của độc giả về sữa Alica Sure Canxi đang quảng cáo sai công dụng trên mạng xã hội. Trước thông tin trên, PV đã tìm hiểu và ghi nhận nội dung phản ánh là có căn cứ.

Sản phẩm Alica Sure Canxi.

Theo đó, tại trang https://www.alicasure.site/, quảng cáo sản phẩm Alica Sure Canxi như “thần dược” trị bệnh xương khớp. Mở đầu quảng cáo, tổ chức kinh doanh giới thiệu sản phẩm này đạt thương hiệu hàng đầu châu Á năm 2024 cùng cam kết “dứt đau xương khớp hiệu quả sau 10 ngày”.

Cũng tại trang web trên, sữa Alica Sure Canxi được quảng cáo với lời có cánh như là sự kết hợp đỉnh cao giữa đông y và tây y hiện đại, 100% sữa non nhập khẩu từ Hoa Kỳ với công dụng giải quyết dứt điểm các tình trạng bệnh như: tê bì tay, khớp kêu lục cục, thoái hóa đốt sống cổ, đốt sống lưng, thoát vị đĩa đệm, khô khớp, viêm khớp, thoát vị đĩa đệm...

Sản phẩm Alica Sure Canxi quảng cáo sai công dụng?

Ngoài ra, tổ chức kinh doanh còn khẳng định chỉ cần sử dụng 3 ly mỗi ngày sẽ cải thiện đau nhức xương khớp, ngăn chặn biến chứng xương khớp... không gây tích nước, tác dụng phụ.

Để nâng cao uy tín, tổ chức kinh doanh sản phẩm Alica Sure Canxi còn sử dụng hình ảnh TS. BS Phạm Hòa Lan - nguyên Chủ nhiệm khu nghiên cứu thuốc và trang thiết bị y tế Bộ Quốc phòng để quảng cáo sản phẩm. Thậm chí, đơn vị này còn đăng tải hình ảnh người nước ngoài mặc áo blouse giới thiệu là chuyên gia chia sẻ “Alica Sure Canxi là sản phẩm đi đầu trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý xương khớp”.

Chính những quảng cáo trên khiến người tiêu dùng tin tưởng và chi tiền mua sản phẩm mà không biết rằng công dụng nêu trên hoàn toàn không đúng. Không những vậy, không có cơ quan chức năng nào cấp phép cho những quảng cáo trên.

Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm Alica Sure Canxi do Công ty TNHH Dược phẩm dưỡng sinh Phúc An Khang phân phối độc quyền. Để có thông tin khách quan, PV Chất lượng Việt Nam đã liên hệ tới đơn vị này nhưng không nhận được phản hồi. Do đó, tòa soạn khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng, tìm hiểu kỹ khi chi tiền mua sử dụng.

Đối chiếu quy định pháp luật, Khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này;

Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này”.

Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015. "Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Theo TS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), dù quảng cáo sữa với bất kể hình thức nào, nếu đưa thông tin sai sự thật đều là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt là khi sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để có thể mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. Đây là những hành vi pháp luật đã nghiêm cấm. Trong Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP cũng nêu rõ về vấn đề này.

Theo TS Trần Việt Nga, đối với những nhóm phải đăng ký bản công bố sản phẩm, trước khi quảng cáo, nhóm này phải được xác nhận nội dung quảng cáo, tức là muốn quảng cáo nội dung gì thì phải gửi nội dung đó lên cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kiểm soát. Nếu nhận được giấy xác nhận nội dung quảng cáo kèm theo nội dung được duyệt thì mới được quảng cáo. Đơn vị phát hành quảng cáo cũng chỉ được phép phát hành nội dung mà Cục An toàn thực phẩm đã phê duyệt.

Theo VietQ

Link gốc : https://vietq.vn/sua-alica-sure-canxi-quang-cao-sai-cong-dung-tren-mang-xa-hoi-d226232.html

Bạn đang đọc bài viết Sữa Alica Sure Canxi quảng cáo sai công dụng, chất lượng trên mạng xã hội? tại chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng