Thống kê tình hình phát hành trái phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong tháng 1/2020 ghi nhận 106 đợt đăng ký chào bán với tổng giá trị 18.223 ỷ đồng. Trong đó, số đợt thành công là 102 đợt với tổng giá trị phát hành thực tế 11.603 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhóm bất động sản lần đầu tiên vượt nhóm ngân hàng để đứng đầu quy mô huy động trong tháng đầu năm nay với tổng tỷ trọng hơn 75%, tương đương 8.703 tỷ đồng, kyù hạn trung bình 4,79 năm. Nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng 4,18% với giá trị gần 485 tỷ đồng, kỳ hạn dài hơn với mức quân bình 8,42 năm.
Theo Công ty chứng khoán SSI, tình trạng tăng trưởng lượng doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu cũng dễ hiểu khi từ năm 2020, tỷ lệ cho vay đối với lĩnh vực này tiếp tục bị siết chặt sau thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước. Đây là động thái của NHNN để ngành bất động sản giảm bớt sự lệ thuộc vào ngân hàng.
Tuy nhiên, theo thống kê, lãi suất bình quân phát hành trái phiếu bất động sản là 11,78%/năm với kỳ hạn bình quân là 5 năm. Có khoảng lãi lên tới 13%/năm, cao hơn mặt bằng chung và lãi cao cũng đồng nghĩa với rủi ro cao.
Rủi ro cao khiến ngày càng có nhiều đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp thất bại. Riêng tháng 1/2020, tổng giá trị phát hành thực tế chỉ chiếm 63% tổng giá trị đăng ký.
Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Eurowindow Holding mới đây công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm. Quy mô dự kiến phát hành là 250 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, lãi suất 11%/năm. Mặc dù vậy, đợt phát hành thất bại khi không thu hút được nhà đầu tư nào tham gia.
Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn IDI mới đây cũng công bố không thu hút được nhà đầu tư nào cho đợt phát hành trái phiếu trị giá 30 tỷ đồng dù lãi suất được đẩy lên cao tới 12%/năm.
Năm 2019, có tổng cộng 217 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu, với kỳ hạn bình quân là 4,08 năm. Ngân hàng là nhóm phát hành trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất, với giá trị đạt 22.165 tỷ đồng, chiếm 40,5%, theo sau là nhóm doanh nghiệp bất động sản, phát hành 6.789 tỷ đồng, chiếm 12,4%.
Với kết quả phát kết quả trên, năm 2019 tiếp tục cho thấy đà phát triển mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nếu theo mục tiêu Chính phủ đề ra, dự kiến dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030, thì từ năm 2018 và nối tiếp năm 2019 đã đạt trên 10% GDP.
Sự tăng trưởng nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến Bộ tài chính phải lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư. Mới nhất, Bộ Tài chính cũng vừa hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP với nhiều quy định nhằm quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Nghị định mới bổ sung nhiều quy định chặt chẽ hơn về phạm vi phát hành trái phiếu, khối lượng cũng như tần suất phát hành trái phiếu, minh bạch công bố thông tin,… với mục tiêu lành mạnh hóa hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Dự thảo Nghị định được xây dựng và ban hành theo quy trình thủ tục rút gọn để sớm triển khai thực hiện.
Theo The Leader