Ban biên tập khởi đăng tuyến bài liên quan đến hoạt động điều hành của các lãnh đạo nhà băng qua các thời kỳ để xem vai trò, trách nhiệm của họ đối với các cổ đông và nhà đầu tư suốt năm tháng qua đã gắn bó đầu tư cổ phiếu tin tưởng họ.
Bài 2: 10 năm loay hoay với cổ phiếu mua được 3 ly trà đá của Ngân hàng NCB
Mới đây nhất, ngày 2/10/2019, NCB công bố thay đổi nhân sự cấp cao. Theo đó, Hội đồng Quản trị NCB bổ nhiệm ông Trần Thanh Quang và ông Đỗ Danh Hải đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc kể từ ngày 1/10.
Trước đó, ngày 28/1/2019, ngân hàng NCB cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Đình Tuấn chính thức giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc.
Đáng chú ý, vào tháng 5/2019, đại hội đồng cổ đông thường niên NCB có đợt xáo trộn nhân sự cấp cao, số lượng thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) khi đó giảm còn 6 người.
Cụ thể, đại hội đã chấp thuận đơn từ nhiệm chức Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020 đối với ông Vũ Hồng Nam, bà Nguyễn Thị Mai, ông Lê Hồng Phương. Đồng thời, bầu bổ sung 1 thành viên mới là ông Phạm Thế Hiệp giữ chức vụ quyền Tổng giám đốc kể từ ngày 6/5/2019. Hội đồng quản trị cũng thực hiện thủ tục trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt chức danh Tổng giám đốc NCB đối với ông Phạm Thế Hiệp.
Được biết, ông Lê Hồng Phương về công tác tại NCB từ năm 2015, mới nhận chức Tổng giám đốc NCB kể từ tháng 10/2017, tức được khoảng 19 tháng. Ông Phương từng được đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như: Phó trưởng ban Chiến lược và Phát triển Ngân hàng, Chánh Văn phòng HĐQT và Phó Tổng giám đốc kiêm giám đốc Khối Vận hành, Phó trưởng ban Chiến lược và Phát triển NCB.
Còn ông Vũ Hồng Nam cũng là thành viên HĐQT khá nhiều năm ở NCB. Ông Nam tham gia HĐQT ngân hàng từ năm 2013, giữ chức Chủ tịch.
Bà Nguyễn Thị Mai được bầu vào HĐQT NCB từ năm 2010 cho đến khi bị miễn nhiệm và từng là Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính kiêm nhiệm chức danh Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Khách hàng VIP của NCB.
Có thể thấy, sự thay đổi nhân sự cấp cao tại NCB từ năm 2013 đến nay chưa lúc nào dừng lại. Cụ thể, năm 2013 NCB chứng kiến sự “thay máu” gần như toàn bộ HĐQT sau khi nhóm cổ đông lớn Đặng Thành Tâm rút lui, bán cổ phần cho Tập đoàn Gami (Gami Group) với đại diện là ông Vũ Hồng Nam, là một lãnh đạo của Gami.
Ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Alphanam cũng từng tham gia HĐQT vào năm 2015 nhưng sau đó rút lui.
Đặc biệt, năm 2016, ông Vũ Hồng Nam thôi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, chuyển giao chiếc ghế Chủ tịch cho bà Trần Hải Anh. Tuy nhiên, Ông Vũ Hồng Nam vẫn tham gia vào HĐQT NCB.
Khoảng 1 năm sau, ông Nguyễn Tiến Dũng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị NCB nhiệm kỳ 2015-2020 thay cho bà Trần Hải Anh.
Đến năm 2018, NCB bầu thêm ông Lê Hồng Phương vào HĐQT. Tuy nhiên chỉ sau hơn 1 năm thì ông Phương đã xin thôi chức tại HĐQT.
Sau khi nhóm cổ đông Gami mua lại cổ phần Navibank (nay là NCB), nhân sự lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng này liên tục thay đổi. Đáng ngại là lợi nhuận vẫn chỉ lẹt đẹt vài chục tỉ đồng, còn nợ xấu lớn, giá cổ phiếu dưới mệnh giá… khiến cổ đông cảm thấy bất an. Tuy có cùng quy mô với nhiều ngân hàng khác nhưng lợi nhuận nhiều năm qua của NCB cũng chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn.
Ở nhóm ngân hàng nhỏ, NCB vẫn đang loay hoay tìm lối đi và nhà băng này đang bị tụt lại trong cuộc đua lợi nhuận.
Nói về giá cổ phiếu hiện nay, phiên giao dịch hôm nay cho thấy cổ phiếu của nhà băng này vẫn chỉ dao động ở mức mua được 3 ly trà đá vỉa hè. Nhìn lại quá trình niêm yết năm 2010, sau quá trình vật lộn tái cơ cấu, cổ phiếu ngân hàng TMCP Quốc Dân- NCB (HNX- NVB) vẫn không thoát khỏi cảnh giá rẻ như rau và mỗi năm thiết lập một đáy mới...cho đến tận bây giờ.
Câu hỏi bao giờ thị giá cổ phiếu NVB trên 10.000 đồng?” của các cổ đông đến nay thời gian dài đằng đẵng vẫn chưa thành hiện thực và không lời đáp.
Quay về lịch sử, NCB tiền thân là Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank). Năm 2010, 100 triệu CP Navibank chính thức niêm yết trên HNX với giá 11.900 đồng/CP.
10 năm qua, cổ phiếu NVB ngày càng mất phong độ với nhiều đáy mới được thiết lập. Năm 2016, mức giá 5.200 đồng/CP được coi là “đáy” kể từ khi Navibank niêm yết.
Giá cổ phiếu NVB đi xuống không phải là điều khó hiểu với giới đầu tư. Trong năm 2019, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) thực hiện được 1.158 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 18% so với năm 2018. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng mạnh tới 99% lên gần 51 tỷ đồng.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm lỗ đáng kể từ 22 tỷ của năm trước xuống âm 3 tỷ đồng. Ngoài ra, mua bán chứng khoán đầu tư cũng lật ngược thế cờ từ lỗ 22 tỷ sang lãi gần 32 tỷ đồng.
Đổi lại, kỳ này NCB không còn lãi thuần lớn từ hoạt động khác mà lao dốc tới 98%, xuống vỏn vẹn gần 4 tỷ đồng. Đây cũng là năm mà NCB phải chi tới 324 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng vọt 137% so với năm 2018. Chính điều này đã kéo lợi nhuận trước thuế của NCB giảm 37% xuống còn 55 tỷ đồng. Con số này cách rất xa mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 70 tỷ đồng, tức NCB chỉ thực hiện được gần 79% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Đến thời điểm này, có lẽ khoảng thời gian 10 năm là quá đủ để các cổ đông và nhà đầu tư nên cân nhắc biết lựa chọn có nên tiếp tục gửi gắm thời gian tâm sức và tiền bạc của mình cho các cổ phiếu của nhà băng nữa hay không.
Và trách nhiệm phần nào trong câu chuyện này không thể không nhắc đến vị Chủ tịch cũng như Ban Tổng giám đốc điều hành của nhà băng này.
Niềm tin của các cổ đông có lẽ đã đặt nhầm chỗ nếu như thời gian tới đây ngân hàng này không có đột phá mới trong những bước đi của mình để khỏi tụt lại cuộc đua với các nhà băng đang lao mình hướng đến doanh số tỷ đô như hiện nay. (Còn nữa)