Ban biên tập khởi đăng tuyến bài liên quan đến hoạt động điều hành của các lãnh đạo nhà băng qua các thời kỳ để xem vai trò, trách nhiệm của họ đối với các cổ đông và nhà đầu tư suốt năm tháng qua đã gắn bó đầu tư cổ phiếu tin tưởng họ.
Bài 3: Bài toán chưa có lời giải ở Ngân hàng Bảo Việt (BaoVietBank)
Giữa tháng 9/2019, ngân hàng này cũng có sự thay đổi trong bộ máy nhân sự cấp cao. Cụ thể, ngày 13/9/2019, Hội đồng Quản trị ngân hàng đã bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thanh Hường đảm nhận chức vụ Quyền Tổng giám đốc.
Bất ổn nhân sự
Bà Nguyễn Thị Thanh Hường gia nhập BaoVietBank từ tháng 3/2017 và từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại ngân hàng như Quyền Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản lý Rủi ro.
Theo giới thiệu của ngân hàng, bà Nguyễn Thị Thanh Hường sinh năm 1970, là Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng của Trường Đại học Paris Dauphine và có 24 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Ngân hàng.
Trước khi gia nhập BaoViet Bank, Bà Hường từng giữ vị trí quản lý tại Khối Khách hàng Doanh nghiệp của Ngân hàng Quốc tế (VIB) và quản lý tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank).
Trong hai năm trở lại đây, vị trí quyền tổng giám đốc được chuyển giao qua 3 người. Trước đó, từ 2017 đến tháng 11/2018 ông Tôn Quốc Bình đảm nhận vị trí ghế nóng, sau đó từ giữa tháng 11/2018 đến lượt ông Phạm Nguyễn Thế Phong, và bây giờ là bà Nguyễn Thị Thanh Hường.
Bên cạnh vị trí quyền tổng giám đốc của bà Hường, đội ngũ lãnh đạo của BaoViet Bank đang có 6 phó tổng giám đốc.
Quyền TGĐ Nguyễn Thị Thanh Hường |
Vị trí lãnh đạo cấp cao không ổn định nên không ngạc nhiên khi BaoViet Bank có kết quả thua kém so với rất nhiều đối thủ trên thị trường.
Hiện tại, trên sàn OTC, giá chào mua - bán chỉ loanh quanh từ 3-6 nghìn đồng/cổ phiếu. Mức giá chênh nhau khá nhiều song lại chỉ đủ để mua được 1 bó rau ngoài chợ hiện nay. Điều này khiến các cổ đông không ít lần hoang mang.
Kinh doanh cũng phập phù
Nhà đầu tư không mặn mà với cổ phiếu BaoViet Bank vì ngân hàng này có kết quả kinh doanh không được tốt và bất ổn. Cụ thể:
Báo cáo tài chính quý 3/2019 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bảo Việt (BaovietBank) cho biết, tính đến thời điểm cuối kỳ, tổng tài sản của ngân hàng đạt 53.662 tỷ đồng, giảm hơn 2.200 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Dư nợ cho vay khách hàng cuối quý 3 ở mức 24.721 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng cho vay âm 3,98%. Trong đó, nợ xấu chiếm 1.088 tỷ đồng, tăng so với mức 1.023 tỷ đồng hồi đầu năm. Do đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay đã tăng từ 3,9% lên 4,4% vào cuối quý 3 vừa qua.
Tiền gửi của khách hàng cũng đã giảm từ 27.042 tỷ đồng đầu kỳ xuống còn 25.810 tỷ đồng, tương đương giảm 4,5%.
Về kết quả kinh doanh, riêng trong quý 3/2019, thu nhập lãi thuần của Baovietbank đạt 216,9 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và mua bán chứng khoán kinh doanh cũng lần lượt tăng mạnh tới 45% và 148%, kéo lợi nhuận thuần từ hoạt động của ngân hàng đi lên.
Thế nhưng, ngân hàng lại tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 143 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái là 61,2 tỷ) khiến lợi nhuận trước thuế giảm 22%, đạt 7,1 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Baovietbank đạt 18,4 tỷ đồng, sụt giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính đến cuối tháng 9-2019, đây là NH có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống và huy động, cho vay đều tăng trưởng âm.
Trong khi đó, báo cáo tài chính bán niên năm 2019 đã được soát xét cho thấy, thu nhập lãi thuần trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 398,2 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, hoạt động dịch vụ cũng khởi sắc mang lại lãi thuần hơn 43 tỷ đồng, tăng 53%.
Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán của BaoVietBank lại sụt giảm mạnh. So với cùng kỳ năm ngoái, lãi thuần từ 2 mảng này lần lượt giảm tới 75% và 98%.
Cùng với chi phí hoạt động gia tăng dẫn tới lợi nhuận trước thuế của nhà băng này trong nửa đầu năm chỉ đạt 11,2 tỷ đồng, sụt giảm 53%. Lợi nhuận sau thuế đạt 10,5 tỷ đồng, giảm 42%.
Tổng tài sản có cuối kỳ ở mức 52.159 tỷ đồng, giảm hơn 3.700 tỷ trong vòng 6 tháng.
Rõ ràng, hoạt động tài chính thất thường, thiếu ổn định đã khiến cho hoạt động của ngân hàng đánh mất niềm tin vào các nhà đầu tư.
Tính đến hết tháng 6/2019, ngân hàng chỉ có hai cổ đông lớn gồm Tập đoàn Bảo Việt và CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) với tỉ lệ nắm giữ tương ứng là 49,5% và 14% vốn điều lệ. Đây cũng là hai cổ đông sáng lập của ngân hàng.
Ngoài ra, CTCP Tập đoàn HIPT cũng sở hữu 2,28% vốn điều lệ của BaoViet Bank.
BaoViet Bank được thành lập từ năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu là 1.500 tỉ đồng. Trong đó tỉ lệ vốn góp của các cổ đông sáng lập gồm Tập đoàn Bảo Việt là 52%, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là 8% và CMC góp 9,9%.
Trong khi đó, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC (mã CK: CMG) đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Ngân hàng Bảo Việt (BVB).
Hiện nay thương hiệu BaoVietBank cũng nhạt nhòa trên thị trường tài chính NH vì mạng lưới khá ít, NH cũng không đẩy mạnh phương thức NH hiện đại, NH số theo xu hướng chung.
Bù lại BaoVietBank lại tích cực áp dụng mặt bằng lãi suất cao để huy động vốn. Các cá nhân khi gửi tiền VNĐ tại BaoViet Bank có thể nhận mức lãi suất cao nhất lên đến 8,2%/năm; còn doanh nghiệp là 7,4%/năm. Tuy vậy, thương hiệu không mạnh có thể cũng là nguyên nhân khiến huy động vốn của NH cũng gặp khó khăn.
Nhìn bức tranh tổng quát này, có lẽ nhà đầu tư tự biết cân nhắc nên làm gì với cổ phiếu của nhà băng này. (Còn nữa)
Kỳ tới: Câu chuyện cổ phiếu èo ọt và bài học gia đình trị ở Nam Á Bank