Cây xanh được xem như là lá phổi của Trái Đất, giúp duy trì sự sống trên hành tinh của chúng ta. Nó cung cấp oxy giúp cho quá trình hô hấp ở con người diễn ra, từ đó, sự sống mới được duy trì. Tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gây tác động lớn thì càng thấy vai trò quan trọng của việc trồng cây, bảo vệ và phát triển rừng.
Ấn Độ những ngày kinh hoàng
Theo báo India Times, những ngày qua, nhu cầu oxy y tế ở Ấn Độ tăng vọt, cung không đủ cầu do số ca Covid-19 nặng phải nhập viện mỗi lúc một đông. Nhiều bệnh viện đã phát lời cầu cứu để có oxy dùng cho bệnh nhân nhưng vẫn phải chứng kiến nhiều người qua đời vì ngạt thở trong sự bất lực.
Giàn hỏa thiêu tập thể những người chết vì Covid-19 tại New Delhi, Ấn Độ. |
Làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Ấn Độ đang diễn ra thảm khốc chưa từng thấy. Nhiều gia đình và bệnh nhân phải van xin được sử dụng bình dưỡng khí bên ngoài các bệnh viện. Nhiều trường hợp chết trước cửa bệnh viện trong khi chờ đợi được cấp cứu.
Tại các nghĩa trang thành phố như New Delhi, nơi ghi nhận số ca bệnh cao nhất mỗi ngày, những chiếc xe cấp cứu nối đuôi nhau xếp hàng chờ đưa thi thể đi hỏa táng. Nhiều khu vực chôn cất trong các thành phố đang quá tải, trong khi những giàn hỏa táng rực lửa cả ngày lẫn đêm.
Mới đây ngày 28/4 Chính quyền thủ đô New Delhi phải yêu cầu chặt cây trong các công viên thành phố để lấy củi hỏa táng bệnh nhân Covid-19, trong bối cảnh dịch bệnh đang tàn phá hệ thống y tế mỏng manh của Ấn Độ.
Số thi thể nạn nhân Covid-19 tại thủ đô New Delhi hiện nhiều đến mức, các nhà chức trách đã nhận được yêu cầu về việc cho phép chặt cây trong công viên để lấy củi thiêu xác. Ước tính tại New Delhi, trung bình 4 phút có 1 người chết vì Covid-19. |
Để ghi nhớ trải nghiệm đau thương này, một bệnh viện ở thành phố Nagpur, bang Maharashtra, đã đề nghị bệnh nhân Covid-19 may mắn vượt qua cửa tử hãy về nhà trồng cây xanh để trả lại lượng oxy đã dùng.
"Bà đã dùng 1.44.000 lít oxy để phục hồi. Bây giờ hãy trồng 10 cây xanh để trả nó lại cho tự nhiên". Đây là lời yêu cầu trong giấy xuất viện của một nữ bệnh nhân 41 tuổi, người đã nằm 1 tuần trong phòng chăm sóc đặc biệt.
Bệnh nhân tỏ ra xúc động: "Tôi đã quyết tâm trồng và chăm sóc thậm chí hơn 10 cây xanh trong năm nay. Covid-19 đã giúp tôi nhận ra oxy chúng ta xài miễn phí từ tự nhiên quý giá đến chừng nào".
Bác sĩ Rajesh Swarnakar - giám đốc bệnh viện - nhận xét rằng mọi người không hiểu giá trị của oxy cho đến khi sự sống treo lơ lửng, không đủ oxy để thở.
"Chúng ta luôn xem tự nhiên là thứ hiển nhiên (để xài). Đây là lúc thích hợp nhất để mọi người nhận ra tầm quan trọng của việc trồng cây, để có oxy và lọc bầu không khí ô nhiễm xung quanh" - ông nói.
Ý tưởng trên nhận được sự hưởng ứng lớn từ người Ấn trên mạng xã hội, họ xem đây là một bài học quý giá mà Covid-19 đã mang lại.
Một người lớn trung bình hít thở khoảng 7-8 lít không khí mỗi phút, hoặc 11.000 lít mỗi ngày - tương đương với 550 lít oxy tinh khiết. Một bệnh nhân Covid-19 nặng dùng máy thở phải cần lượng oxy gấp nhiều lần như thế.
Cần tái tạo lá phổi xanh ngay lập tức
Mỗi năm thế giới thải ra khoảng 40 tỉ tấn khí CO2 vào khí quyển. May mắn, Trái Đất của chúng ta có rừng nhiệt đới Amazon, “lá phổi xanh” giúp Trái Đất hấp thụ 2 tỉ tấn CO2 mỗi năm (chiếm 5% lượng khí thải). Bởi vậy rừng nhiệt đới Amazon chính là một nhân tố sống còn trong việc ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. Song hơn 83.329 đám cháy trong những năm gần đây đã đưa rừng nhiệt đới Amazon vào tình trạng đáng báo động. Ước tính rằng nếu 20% đến 25% rừng bị phá hủy, mùa khô sẽ kéo dài đủ để biến Amazon không còn là một khu rừng mà sẽ biến thành thảo nguyên.
Việc trồng thêm cây xanh sẽ góp phần khắc phục sự tàn phá, khai thác rừng bừa bãi, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt; trồng thêm cây xanh sẽ góp phần tạo ra một tiềm năng của cải vật chất to lớn cho đời sống của mỗi gia đình và xã hội. Đối với các thành phố, trung tâm công nghiệp, trồng thêm cây xanh còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giữ cho không khí trong lành. Rõ ràng, đây là việc làm hết sức cần thiết.
Tại các nước phát triển như Việt Nam, Ấn Độ trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Mỗi năm đất nước phải dành một diện tích đáng kể để phát triển công nghiệp, đô thị. Cùng với quá trình này, chất lượng môi trường cũng đang ngày càng suy giảm đến mức báo động, những ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự nóng lên của Trái Đất và mực nước biển dâng là một trong những thách thức môi trường lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI.
Trong những năm qua, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, để lại hậu quả rất nặng nề. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đã trở thành một xu thế chủ đạo, yêu cầu sống còn của mỗi quốc gia - dân tộc.
Hơn lúc nào hết, cây xanh có vai trò vô cùng quan trọng. Cây xanh là để bảo vệ môi trường và cải thiện không gian sống quanh ta, ngoài các biện pháp giảm thiểu nguồn ô nhiễm thì việc trồng và bảo vệ cây xanh có vai trò vô cùng quan trọng.
Trái Đất mà thiếu đi cây xanh chắc chắn sẽ trở thành một nơi u ám, ô nhiễm, hạn hán ngập lụt triền miên. Không có cây xanh sự sống của con người sẽ chấm dứt.