Quảng Ninh họp phiên thường kỳ tháng 4. |
Ngày 28/4, UBND tỉnh Quảng Ninh họp thường kỳ để đánh giá về kết quả thực hiện các mặt nhiệm vụ công tác tháng 4/2021.
4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6,65% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng khi tăng 38,18% cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13,6% cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 4,8% cùng kỳ; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 20,7% cùng kỳ.
Hoạt động phát triển doanh nghiệp có bước khởi sắc, số đơn vị thành lập mới tăng 131% cùng kỳ, số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 60%. Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu cả nước 4 năm liên tiếp về Chỉ số PCI; là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua được mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây. Tỉnh Quảng Ninh cũng lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số PAPI.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chỉ số phát triển ngành khai khoáng giảm 1,22% cùng kỳ; sản xuất phân phối điện tăng thấp; tổng lượng khách du lịch giảm 8% cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước 4 tháng chưa đạt tiến độ dự toán; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng; việc hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án khởi công mới năm 2021 còn chậm, không đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của UBND tỉnh…
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội mặc dù chưa đạt được như kịch bản, tuy nhiên vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định, tăng trưởng 9,02% cao hơn mức bình quân cả nước; số doanh nghiệp tăng thêm có nhiều khởi sắc; công tác chuẩn bị cho bầu cử triển khai bài bản, trách nhiệm, đúng quy định...
Song bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn những khó khăn, hạn chế, nhất là trong lĩnh vực khai khoáng, du lịch giảm mạnh; thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư chưa hiệu quả... sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng chung của toàn tỉnh trong quý II cũng như 6 tháng đầu năm.
Trong tháng 5, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các đơn vị, địa phương phải chủ động, xây dựng kịch bản ứng phó, tích cực kiểm tra công tác phòng dịch tại cơ sở, rà soát, chuẩn bị cơ sở cách ly, vật tư thiết bị y tế. Các đơn vị, cơ sở không có phương án phòng dịch, không đảm bảo tiêu chí sẽ không được phép hoạt động. Quyết tâm giữ vững địa bàn, đảm bảo an toàn xã hội và công tác bầu cử.
Đối với phát triển kinh tế, bám sát kịch bản tăng trưởng của tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH và thu ngân sách nhà nước, phấn đấu đạt, vượt chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng kinh tế quý II năm 2021 đề ra (với mục tiêu tăng trưởng quý II là 9,5%, 6 tháng tăng 9,3%, thu ngân sách đạt 23.914 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt các thị trường thiết yếu; tập trung hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu. Trong đó phối hợp chặt chẽ với ngành than để giải quyết dứt điểm khó khăn ngành khai khoáng.
Ông Nguyễn Tường Văn cũng yêu cầu đẩy nhanh hiệu quả thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai các thủ tục pháp lý, sớm đưa các dự án vào sản xuất để tăng trưởng xuất khẩu.
Đối với công tác đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách, cần triển khai đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực này bằng những dự án mới, động lực. Về thu, chi ngân sách cần có báo cáo tiến độ cụ thể; ra soát, đánh giá, đưa ra mục tiêu và lộ trình đảm bảo kế hoạch thu, chi ngân sách quý II năm 2021 theo đúng kịch bản đã đề ra…