Ngày nay, chất lượng sản phẩm, hàng hoá không (SPHH) những là thước đo quan trọng khẳng định sự tồn tại của doanh nghiệp mà còn là chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, thương mại và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chất lượng SPHH liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, tài sản và môi trường.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông, trao đổi hàng hóa, các nước cũng cần ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, không bảo đảm an toàn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích quốc gia. Để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, những năm gần đây, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá nước ta không ngừng được hoàn thiện.
Để nâng cao hiệu lực điều chỉnh của pháp luật với các quan hệ xã hội về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tương xứng với vai trò quan trọng của nó trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhà nước đã ban hành Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 (có hiệu lực từ 01/1/2007) và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 (có hiệu lực từ 1/8/2008). Đây là các luật chuyên ngành về chất lượng SPHH với phạm vi điều chỉnh tương đối đầy đủ, hệ thống phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần ngày càng cao của nhân dân.
Cơ sở của hoạt động kiểm tra, kiểm soát an toàn, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa chính là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành và áp dụng, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là hoạt động quan trọng, xuyên suốt của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, Hiệp hội… triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và các thông lệ, cam kết quốc tế liên quan.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, mặc dù vấn đề chất lượng SPHH ngày càng được đề cao với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương, tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế tại một số lĩnh vực vẫn bộc lộ không ít tồn tại.
Một trong những vấn đề được chỉ ra là việc thực hiện quy chế tổ chức mua sắm tài sản, hàng hóa từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung còn bất cập, như: nhiều sản phẩm có giá thành cao hơn so với giá thị trường, chất lượng kém, không đáp ứng nhu cầu sử dụng...
Đặc biệt, liên quan đến công tác đấu thầu, tại không ít đơn vị vẫn xảy ra tình trạng "lách luật". Không ít đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách pháp luật và quy định của nhà nước liên quan đến công tác đầu thầu về sản phẩm, hàng hóa.
Đơn cử, theo tài liệu PV có được, một loạt gói thầu do Công ty Điện lực Bắc Giang mới tổ chức đấu thầu có một số vấn đề cần làm rõ liên quan đến xuất xứ hàng hóa.
Trước tiên, nói về các quy định pháp luật, Điểm i, Khoản 6, Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 nghiêm cấm việc đưa nhãn hiệu hàng hóa trong HSMT với gói thầu mua sắm hàng hóa khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi. Ngoài ra, Khoản 5, Mục I Chỉ thị số 47/2017/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định: HSMT/Hồ sơ yêu cầu không được nêu những đặc tính, tiêu chuẩn cá biệt của hàng hóa nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu…
Tại gói thầu Xây lắp các công trình: Xây dựng các xuất tuyến 22kV lộ 471,473 sau TBA 110kV Tân Yên; Xây dựng các xuất tuyến 22kV lộ 475,477, 479 sau TBA 110kV Tân Yên; Xây dựng các xuất tuyến 22kV lộ 481, 472, 474 sau TBA 110kV Tân Yên. Hình thức lựa chọn nhà thầu: Đấu thầu rộng rãi trong nước.
Kết quả nhà thầu trúng thầu: Liên danh Công ty Cổ phần xây lắp điện Hà Nội - Công ty TNHH Điện Sông Thương - Công ty Cổ phần Xây lắp Điện lực 1. Giá trúng thầu: 23,71 tỷ đồng. Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu số: 1637/QĐ-PCBG ngày 4/6/2020.
Đáng chú ý, phần tiêu chuẩn đánh giá Hồ sơ dự thầu (HSDT) về kỹ thuật quy định tại HSMT do Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Giang Nguyễn Bá Sơn phê duyệt, “bất ngờ” yêu cầu xuất xứ hàng hoá chào thầu như van chống sét phải sản xuất tại Nga; ống nhựa xoắn HDPE theo tiêu chuẩn KSC 8455-2006 của Hàn Quốc.
Đáng chú ý, những quy định có “dấu hiệu” hạn chế nhà thầu không chỉ được “cài cắm” tại gói thầu trên, nhiều hồ sơ mời thầu các gói thầu xây lắp khác cũng được Điện lực Bắc Giang “áp dụng” triệt để. Cụ thể, tại HSMT gói thầu: Mua sắm vật tư thiết bị các công trình: Lắp đặt tụ bù thanh cái trung áp TBA 110kV Lục Ngạn; Lắp đặt tụ bù thanh cái trung áp TBA 110kV Lạng Giang cũng yêu cầu nhà thầu tham gia chỉ được chào thầu thiết bị điều khiển, bảo vệ: Nhà sản xuất các rơ le chính của hãng ABB, SIEMENS, AREVA, SEL, TOSHIBA.
Tương tự, tại HSMT gói thầu số 1: Xây lắp công trình: Xây dựng và cải tạo lưới điện các xã Biển Động, Phú Nhuận, Đèo Gia huyện Lục Ngạn cũng yêu cầu: Tủ điện 450V, các chi tiết trên tủ bao gồm: 3 bộ TI đo đếm theo gam tủ; đồng hồ vônmet, 03 đồng hồ ampemet theo TI. Trong đó, các đồng hồ V, A, TI hạ thế dùng loại EMIC hoặc chủng loại tương đương.
Việc đưa yêu cầu kỹ thuật hàng hoá chào thầu có dấu hiệu vi phạm pháp luật đấu thầu tại hàng loạt HSMT thuộc nhiều gói thầu xây lắp tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước của Công ty Điện lực Bắc Giang có “mục đích” gì? Dư luận đặt câu hỏi về tính minh bạch cũng như việc tuân thủ pháp luật nói chung, pháp luật đấu thầu nói riêng của Công ty Điện lực Bắc Giang khi tổ chức đấu thầu các gói thầu trên.
Theo một chuyên gia đấu thầu, việc lập HSMT phải tuân thủ quy định và thuộc trách nhiệm của bên mời thầu, chủ đầu tư. Tình trạng các HSMT có các yêu cầu cụ thể về xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa là một trong những dấu hiệu của cạnh tranh không minh bạch trong đấu thầu.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.