Tuy nhiên UBND huyện Yên Khánh lại vi phạm quy định khi chỉ định thầu cho đơn vị chưa chưa đủ tư cách tham gia thầu.
Mục tiêu của hoạt động đấu thầu nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng và minh bạch trong quá trình đấu thầu để có thể lựa chọn nhà thầu phù hợp, đảm bảo hiệu quả kinh tế. Hoạt động đấu thầu chỉ có thể vận hành hiệu quả trong một môi trường cạnh tranh thực sự.
Tuy nhiên, theo phản ánh, nhiều gói thầu tại UBND huyện Yên Khánh lại vi phạm quy định khi chỉ định thầu chưa có tên, dữ liệu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, chưa đủ tư cách tham gia thầu.
Theo đó, ngày 1/9/2021, UBND huyện Yên Khánh ban hành văn bản số 2415/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu, gói thầu số 02 Tư vấn giám sát đối với công trình Xử lý sạt lở đê sông mới đoạn qua xã Khánh Thiện, Khánh Mậu huyện Yên Khánh. Theo đó, nhà thầu được UBND huyện Yên Khánh chỉ định là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Hải Phong.
Trước đó, ngày 27/4/2021, UBND huyện Yên Khánh ban hành văn bản số 587/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu, gói thầu Tư vấn, khảo sát, lập báo cáo kinh tê kỹ thuật công trình Kiên cố hoá đường giao thông nội đồng đoạn từ trục xã đến ngòi 30 qua nghĩa trang xã Khánh Vân phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Đơn vị được chỉ định thầu là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Thành Đạt 135.
Ngoài ra, UBND huyện Yên Khánh cũng phê duyệt kết quả chỉ định thầu gói thầu Tư vấn, khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình Cải tạo, nâng cấp tuyến đường huyện DH.53 huyện Yên Khánh. Chỉ định thầu cho Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng Đăng Nguyên.
Được biết, thời điểm được chỉ định thầu, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Hải Phong và Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng Đăng Nguyên chưa có tên, dữ liệu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Như vậy, chưa đủ tư cách tham gia thầu.
Theo Điều 5, Luật Đấu thầu năm 2013 quy định về Tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư. Tại điểm d, Khoản 1 nêu rõ nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện, trong đó có “Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”.
Điều 22, Luật Đấu thầu nêu về hình thức chỉ định thầu. Theo đó, điểm e, Khoản 2 quy định, việc thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu quy định tại các điểm b, c, d, đ và e Khoản 1 Điều này phải đáp ứng đủ các điều kiện, trong đó “Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu”.
Ngoài ra, Thông tư 58/2016 /TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính cũng nêu rõ điều kiện đối với các gói thầu chỉ định. Cụ thể, tại Điều 15 Thông tư 58/2016 /TT-BTC về Các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu, có nêu rất rõ ở điểm c Khoản 3. Theo đó “Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, trừ gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc đề án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên có giá gói thầu không quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng).
Như vậy, Luật Đấu thầu năm 2013 và Thông tư 58/2016/TT-BTC đã quy định rõ điều kiện chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà UBND huyện Yên Khánh lại chỉ định cho nhà thầu chưa có tên, dữ liệu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, chưa đủ tư cách tham gia thầu trúng các gói thầu nêu trên.
Tài chính doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.
Để triển khai quy định của Luật Đấu thầu về việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; trong đó, quy định cụ thể danh mục tài sản mua sắm tập trung; đơn vị mua sắm tập trung; nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị mua sắm tập trung; nguồn kinh phí mua sắm tập trung; quy trình mua sắm tập trung tổng quát và cụ thể.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 02/11/2016 về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019 về đẩy mạnh triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để bảo đảm việc mua sắm tập trung hiệu quả, tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí.
Ngày 05/11/2021, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công về mua sắm hàng hóa, dịch vụ từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung.
Trong đó, Bộ Tài chính yêu cầu đơn vị mua sắm tập trung thực hiện nghiêm việc lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ và giá mua tối ưu.
Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật trong việc mua sắm tập trung, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm trong mua sắm tập trung của các chủ đầu tư, đơn vị mua sắm tập trung, các nhà thầu và đơn vị quản lý, sử dụng hàng hóa, dịch vụ.